"Chưa có cơ sở khẳng định học sinh nhiễm sán do ăn thịt lợn"

Thứ Ba, 19/03/2019 20:10

|

(CAO) Liên quan đến việc học sinh nhiễm sán lợn nghi do thực phẩm “bẩn” tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh trong thời gian qua, chiều 19/3, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Bắc Ninh.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành Lê Văn Nho cho biết, sau khi nhận được báo cáo về việc Công ty TNHH Đầu tư tài chính Hương Thành cung cấp thịt lợn nghi nhiễm sán dây lợn, thịt gà đông lạnh không đảm bảo cho Trường Mầm non Thanh Khương, các cơ quan chức năng tỉnh đã dừng nhập thực phẩm của công ty này cho các trường trên địa bàn, tạm đình chỉ công tác Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Khương...

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh tiến hành lấy mẫu làm xét nghiệm về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cung ứng của Công ty Hương Thành. Tuy nhiên, do vụ việc đã diễn ra từ ngày 14/2 và ngày 20/2, các cơ quan không lấy được mẫu thịt lợn để làm xét nghiệm (mẫu chỉ lưu trong vòng 24 giờ theo quy định của Bộ Y tế).

Mặt khác, Công an tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tập trung điều tra, xác minh, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân; xác định tính chính xác, trung thực của thông tin về thực phẩm không an toàn ở Trường Mầm non Thanh Khương.

Kết quả kiểm nghiệm của Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho thấy, hai mẫu thực phẩm chân gà và xương gà của Công ty Hương Thành đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.

Hàng ngàn học sinh ở huyện Thuận Thành được phụ huynh đưa đến các trường mầm non để lấy mẫu xét nghiệm sán lợn vào ngày 18-3

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, chưa có cơ sở khẳng định nguyên nhân các cháu dương tính với nhiễm sán do ăn thịt lợn, kể cả mẫu thịt lợn nghi có sán ngày 14/2 và ngày 20/2 nếu đã được nấu chín, nguy cơ lây nhiễm bệnh hầu như không có.

Theo nghiên cứu dịch tễ của Bộ Y tế và các tổ chức y tế thế giới, thực phẩm đã được nấu chín khoảng 80% trở lên không có nguy cơ lây các bệnh về viêm nhiễm đường ruột.

Ngoài thực phẩm trong bữa ăn như thịt, cá, rau sống, nguồn nước không đảm bảo và việc không rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh đều có thể lây nhiễm sán, giun… Không chỉ từ thực phẩm ăn tại trường học, bệnh sán dây lợn có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau nếu thực phẩm không đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.

Qua điều tra dịch tễ học, không chỉ trẻ nhỏ, người lớn cũng có khả năng nhiễm giun, sán, ký sinh trùng đường ruột. Việc tồn tại ký sinh trùng đường ruột rất phổ biến không chỉ tại Việt Nam mà còn ở một số nước lân cận và một số nước khác trên thế giới có điều kiện môi trường tương đồng.

“Kết quả xét nghiệm trong huyết tương dương tính nhiễm sán lợn không thể khẳng định có ký sinh trùng trong cơ thể hay không bởi xét nghiệm máu chỉ là một trong những phương pháp góp phần chẩn đoán. Theo phác đồ điều trị ban hành năm 2004 của Bộ Y tế, kết quả xét nghiệm dương tính nhiễm sán chưa cần phải điều trị, chỉ điều trị khi sán trưởng thành khiến người nhiễm bệnh gặp phải những biểu hiện như đi ngoài có đốt sán, các ấu trùng nổi mụn hạch trên cơ thể…

Phác đồ điều trị không khó khăn, thuốc không đắt. Tuy nhiên, với những ca bệnh nhân có ấu trùng nổi mụn, việc điều trị kéo dài hơn nhưng có thể chữa dứt điểm”, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong nói.

Trước thông tin Công ty Hương Thành liên tục “thay tên đổi chủ” nhằm trốn tránh trách nhiệm và không lưu mẫu kết quả thức ăn tại trường Mầm non Thanh Khương vào tháng 2/2019, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết, kể cả miếng thịt lợn nấu chín không có nguy cơ lây bệnh nhưng không lưu mẫu cũng là hành động vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hàng ngàn học sinh đến trường mầm non xét nghiệm sán lợn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang