Cái thiện cũng như cái ác có thể gieo ở khắp nơi
Khi Nguyễn Đức Nghĩa cứa cổ người tình rồi chặt xác phi tang, người ta không thể ngờ được ẩn đằng sau cặp kính tưởng như tri thức ấy lại là một kẻ nhẫn tâm tàn bạo; nhưng khi Lê Văn Luyện giết 3 người trong một gia đình để cướp của, người ta lại ngỡ ngàng, hóa ra cái ác nó vẫn chưa đạt đến giới hạn của nó.
Sau vụ 4 người trong một gia đình ở Tương Dương, tỉnh Nghệ An bị giết chết chưa lâu, lại xảy ra vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước thì dư luận thêm một lần nữa sững sờ bởi sự dã man không tưởng của những kẻ thủ ác mỗi lúc một tăng.
Vì sao những vụ án mạng kinh hoàng liên tiếp xảy ra? Vì sao con người ngày càng tàn ác? Phải làm gì để ngăn chặn cái ác? Đó là những câu hỏi nhức nhối không dễ tìm ra câu trả lời.
Vụ thảm sát cả gia đình ở Chơn Thành, Bình Phước thật sự đã dấy lên một không khí đau thương, bàng hoàng trong xã hội. Đó không còn là nỗi đau của gia đình nạn nhân mà còn là nỗi đau của toàn xã hội, đó là tội ác tày trời khiến dư luận bàng hoàng đau xót.
Ở đây, vấn đề không phải là số lượng người chết mà còn là phương thức gây án quá tàn bạo, hầu như chưa hề có tiền lệ trong suốt lịch sử các vụ trọng án ở nước ta. Phải chăng chính vì sự bất an trong xã hội nên ngành công an mới huy động tới cả cấp cao nhất và cả lực lượng tinh nhuệ nhất để truy bắt các hung thủ?.
Khi vụ án mới xảy ra, dư luận đoán già đoán non chắc là do mâu thuẫn trong làm ăn, chắc giết người cướp tài sản,… Khi 2 nghi phạm bị bắt giữ, cả xã hội cũng lại một phen rúng động, nhiều người còn hụt hẫng vì không nghĩ rằng 6 mạng người chết chỉ vì... một mối hận tình của tuổi trẻ.
Nghi phạm Dương khai có nói chuyện tâm sự với bạn gái cũ trước khi hạ sát
Hận tình, cuồng ghen tuy đây không phải là hiện tượng mới, nhưng có chiều hướng gia tăng ngày càng nhanh trong một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay. Đa số các trường hợp sát hại này không có động cơ từ trước, chỉ vì một phút tức giận bộc phát, nông nổi, không kiềm chế được bản thân, ghen tuông mù quáng mà con người bỗng nhiên trở thành kẻ sát nhân dẫn đến những hậu quả khó lường.
PGS TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) từng chia sẻ, hiện tượng cuồng yêu, cuồng ghen cho thấy sự lệch lạc về nhận thức, sự lệch chuẩn về hành vi xử sự trong cuộc sống, trong quan hệ yêu đương và trong đời sống gia đình.
Tình yêu khiến người ta thăng hoa lên 9 tầng mây thì cũng vùi người ta xuống 18 tầng địa ngục. Vụ thảm sát Bình Phước, nghi phạm Dương khai có nói chuyện tâm sự với bạn gái cũ trước khi hạ sát. Đấy thật sự là một kiểu thần kinh bệnh hoạn...
Đôi khi ta vẫn tự hỏi: Cái ác từ đâu mà ra?.
Trong mỗi con người đều trường tồn một phần nào đó của góc tối, của cái ác từ nhỏ li ti đến chiếm lĩnh tâm hồn. Những “hạt giống” của cái thiện cũng như cái ác có thể gieo ở khắp nơi, và chỉ cần gặp được “mảnh đất” và những điều kiện thích hợp là nó có thể nảy mầm và phát triển. Nó có thể nằm ở đâu đó trong vô thức con người, đến khi có điều kiện, như các nhà tội phạm học đã phân tích, thì nó sẽ được chuyển từ ý thức sang hành động.
Và đằng sau cái ác này luôn thường trực nỗi đau khó nguôi ngoai của người thân và kéo theo sau là nhiều hệ lụy phức tạp khác. Đây là những bài học đau thương với những bậc làm cha, làm mẹ trong gia đình.
Định hướng lối sống nhân văn
Theo PGS TS Huỳnh Văn Sơn, cái ác xuất phát từ tâm và cũng chính tâm ác dẫn đến hành vi thủ ác. Nhưng cái ác sẽ không có chỗ đứng nếu con người định hướng cho mình lối sống nhân văn: biết cân bằng và tha thứ, biết hài hòa trong sự ứng xử và hành động; biết bao dung và tương tác, biết sống chân chính và đàng hoàng. Chỉ cần mỗi người biết hướng thiện bằng lương tâm đích thực, cái ác sẽ chẳng thể diễn tiến khác thường hơn…
Về xu thế, con người luôn hướng thiện nhưng khi phần “con” trỗi dậy, lấn át phần “người” thì cái ác lộng hành. Thế nên, phải luôn tìm cách kiềm chế cái ác, cổ vũ và phát huy điều thiện. “Tam giác giáo dục”: Nhà trường- Gia đình- Xã hội chính là cái nôi sản sinh ra một nhân cách cho mỗi con người.
Nghi phạm Dương chụp ảnh với bé Na
Một nhà giáo dục học đã từng chia sẻ, nuôi dạy trẻ giống như chăm sóc cây non. Cây non muốn phát triển lành mạnh cần 3 yếu tố chính: Đất đai màu mỡ, ánh sáng và không khí. Con người cũng vậy. Để bồi dưỡng lối sống, nhân cách trẻ cần sự phối hợp hành động của gia đình, nhà trường và xã hội.
Hiển nhiên gia đình chính là nơi các em lớn lên, tình yêu thương của bố mẹ đối với con cái chính là yếu tố quyết định quá trình hình thành tâm hồn và nhân cách của trẻ. Mảnh đất có tốt thì cây mới vươn cao.
Nhận xét về vụ án này, Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hồ sơ nghiệp vụ (C53), cho biết: “Dư luận có lúc cho rằng tội phạm ở nước ngoài vào gây án, nhưng sự thật là tội phạm ở ngay bên cạnh mình, trong nhà mình… Vì vậy, trước hết công tác giáo dục, quản lý con cái vô cùng quan trọng, gia đình có tốt thì xã hội mới tốt và sẽ không xảy ra những vụ án như thế này".
Cả 2 gia đình của 2 nghi can đều là những người lao động chân chất, hiền lành. Bản thân 2 nghi can cũng là những người được người thân, bạn bè, đồng nghiệp đánh giá là hiền lành, chăm chỉ; thế nhưng không ai ngờ những con người hiền lành, chăm chỉ ấy lại có những hành động kinh ác đến như vậy. Vậy nguyên nhân là vì đâu?
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), xã hội hiện đại ẩn chứa nhiều mặt trái kích thích người ta phạm tội. Những đối tượng thanh niên xem quá nhiều phim đồi trụy, phim bạo lực và bị ám ảnh bởi những hình ảnh trong đó.
Một điều tra viên của Bộ Công an nhận định rằng đây là một phương thức phạm tội mới mẻ, tàn độc, có khả năng xảy ra do các kẻ thủ ác bị ảnh hưởng của các bộ phim bạo lực hay các thủ đoạn của tổ chức IS gần đây.
Vụ án giết người chặt đầu của tử tội Nguyễn Đức Nghĩa trước đây, kẻ thủ ác đã khai rằng mình bị ảnh hưởng của các bộ phim kinh dị.
Tội ác leo thang rất đáng sợ. Nhưng đáng sợ hơn cả, cũng là nguồn gốc của tất cả sự tha hóa đạo đức, chính là sự vô cảm của con người.
Tại Việt Nam, kinh tế phát triển, đời sống vật chất được cải thiện, con người ngày được giáo dục nhiều hơn nhưng lối sống chưa hẳn đã tốt hơn. Chỉ vì xe máy va quệt nhẹ trên phố đông, chỉ cần một ánh nhìn khó chịu bị cho là “nhìn đểu”, chỉ cần to tiếng trên bàn nhậu... là người ta quên mất tình đồng loại, sẵn sàng xông vào đoạt mạng nhau. Rõ ràng, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động rất lớn đến văn hóa, giáo dục và tạo ra lối sống thực dụng, ích kỷ, thờ ơ trong một bộ phận người trẻ hiện nay. Trong khi đó, những quy định về pháp luật hiện hành còn nhiều lỗ hổng để ngăn ngừa tội phạm hữu hiệu.
Tựu chung, mỗi con người là nạn nhân của môi trường mà họ lớn lên. Chính sự ích kỷ, thiếu ý thức, thiếu hiểu biết, thiếu cảm thông, thiếu tình thương của người đối với người chính là nguyên nhân dẫn đến sự lệch lạc về nhân cách.
Trung tướng Nguyễn Việt Thành, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cũng nhìn nhận, mỗi con người sống cần có đức độ và những người lớn trong gia đình phải giáo dục lối sống, cách sống thương yêu đùm bọc lấy nhau cho con em mình. Đồng thời, ông bà, cha mẹ phải làm gương để con cháu noi theo. Tề gia rồi mới trị quốc, bình thiên hạ.
Hung thủ thật sự rồi sẽ đền tội nhưng dù bản án có thích đáng đến mấy cũng không thể nào bù lại được những mất mát của phía bị hại cũng như những sang chấn tâm lý nặng nề mà xã hội gánh chịu.
Chúng ta không thể ngăn chặn cái ác nảy nở sinh sôi, chúng ta chỉ hạn chế nó kiểm soát nó bằng công cụ và thái độ. Học giả người Đức Johann W. Goethe đúc kết: “Có 2 sức mạnh mang đến sự yên ổn, đó là pháp luật và đạo đức”.