Công viên Lê Thị Riêng

Thứ Bảy, 02/07/2022 15:50

|

(CATP) Trời chưa sáng, từng tốp người đổ vào công viên như trẩy hội. Đủ mọi lứa tuổi, từ ông bà lão tóc bạc phơ đến trẻ em còn cắp sách đến trường, hay các cặp đôi nam thanh nữ tú với trang phục quần short áo pull toát lên vẻ thể thao, khỏe mạnh... đều bước vào công viên để hưởng chút khí trời thoáng đãng...

Khuôn viên bao la, con đường trải nhựa bao quanh bờ hồ với hàng cây xanh mát. Nam phụ lão ấu trò chuyện râm ran, chào hỏi thân tình. Năm, sáu trung niên vừa sải bước vừa tranh luận nhiều vấn đề: từ thời sự trong nước đến chính trường châu Âu hay xoay quanh đề tài Nga - Ukraine... Đang tranh luận sôi nổi, “chiến sự” bỗng dừng lại bởi sự xuất hiện của sứ giả hòa bình: hàng trăm con bồ câu án ngữ mặt đường thi nhau lượm những hạt thóc được vung ra bởi hai đứa bé với sự hướng dẫn của mẹ, dưới ngọn đồi rợp bóng xà cừ.

Một bà mẹ dẫn theo đứa con nhỏ, gặp người bạn cùng xóm. Hai người dừng lại trò chuyện. Thừa cơ, đứa bé rời tay mẹ chạy vụt lên chiếc cầu xi măng nối giữa nhà thủy tạ với khu trung tâm, làm bà mẹ phải vội từ biệt bạn thân để chạy theo con và bắt kịp nó trước đền tưởng niệm. Bà mẹ trẻ nắm tay con, thủ thỉ điều gì đó và đứa bé cúi mình kính cẩn trước anh linh những người đã khuất.

Trước mặt là quãng trường mênh mông, nhạc mở xập xình. Những vận động viên cầu lông là các cặp vợ chồng đang thi đấu đôi, khi nghe nhạc, ông chồng nhún nhảy theo điệu nhạc nên phân tâm với quả giao cầu của đối thủ, bà vợ thấy vậy liền gắt gỏng: “Ông đánh cầu hay nhảy đầm? Nếu nhảy đầm thì qua bên kia mà nhảy”. Hai sân khiêu vũ lộ thiên cách nhau vừa đủ để tiếng nhạc không lấn át nhau. Từng cặp đôi dìu nhau ra sàn. Những bước chân điêu luyện có, ngượng nghịu có... Vũ công phải dìu dắt, thị phạm cho những người phụ nữ U60 lần đầu ra sân khiêu vũ... Bên kia, điệu Valse trổi lên. Một cặp đôi ngoài 30 bước ra, bắt đầu bằng điệu Valse kiểu Hồng Kông đẹp mắt. Khi chuyển qua điệu Valse châu Âu, chiếc váy của cô gái xòe ra, quay tròn giống như cái robe du mục của nàng Esmeralda xinh đẹp.

“Đại sứ hòa bình” ở công viên.

Bước xuống bậc tam cấp, vọng lên tiếng nhạc rộn ràng. Một cô gái bận bộ đồ thể thao ôm gọn thân hình tuyệt tác của tạo hóa đang trình diễn màn thể dục nhịp điệu vừa đếm nhịp cho những người luyện tập phía dưới. Loa mở hết công suất, nào nhạc disco, nhạc soul trẻ trung, tâm hồn phơi phới. Ai nấy hăng say chạy, nhảy, lắc lư toàn thân một cách dứt khoát theo tiếng nhạc... Những gương mặt tràn đầy sức sống, má đỏ hồng hào, mồ hôi lấm tấm. Người ta quên hết muộn phiền của cuộc sống thường nhật.

Ở một góc khác của công viên, một vòng tròn sáu người trên khoảng sân rộng, cử chỉ và điệu bộ trịnh trọng chỉ dành cho nghi thức biểu diễn hơn là luyện tập. Quần trắng, áo trắng, đi giày bata. Một người lấy từ túi xách một trái cầu làm bằng bốn chiếc lông gà dài khoảng hai tấc, kết lại với nhau và tỉa gọn đẹp mắt, phía dưới gắn những vòng tròn xoay được cùng một cái đế bằng vảy cá hô (một loài cá quí hiếm gần như tuyệt chủng sống ở lưu vực sông Cửu Long) khá lớn để giúp giữ chiếc cầu được luôn thăng bằng khi đá.

Một người tung trái cầu rớt xuống đỉnh đầu người đối diện. Người khác bước lên một bước, hai tay dang rộng, người chúi về trước, gót chân phải móc tung chiếc cầu thành một vòng cung về người đối diện tuyệt đẹp như vũ điệu ba lê “cái chết của con thiên nga”. Người kia dùng vai hất nhẹ qua người kế bên. Anh nọ chờ cầu rơi xuống, dùng má ngoài bàn chân phải tâng mạnh. Chiếc cầu chui vào vòng tròn, vọt qua một người đứng tuổi. Ông này dùng Công viên Lê Thị Riêng hết sức bình sinh, ngả người sút tung trái cầu lướt đi như viên đạn. Một bộ ngực vạm vỡ lập tức chặn cầu lại, người này nẩy nhẹ cho cầu rơi xuống gối rồi dùng chân phải đá tung lên, trái cầu bay vút lên trời xanh. Trong vòng mười lăm phút, qua bàn chân của những nghệ sĩ trình diễn, trái cầu chưa hề chạm mặt đất...

Xin tri ân những ai đã tạo lập ra công viên này. Một phút mặc niệm vị anh hùng mang tên Lê Thị Riêng và lời cám ơn chân thành với tất cả mọi người hiện diện, đã góp phần tô điểm cho công viên này trở thành một nét văn hóa riêng đặc sắc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang