Phản hồi bài "Theo chân “cô hồn sống” mùa tháng Bảy":

Cúng, cướp “tiền cô hồn” là hiện tượng đáng chê trách!

Thứ Tư, 29/08/2018 17:51

|

(CAO) Bài viết Theo chân “cô hồn sống” mùa tháng Bảy đăng trên Báo CATP đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo độc giả. 

Một hiện tượng đáng chê trách và cần phải quyết liệt bài trừ hiện tượng cúng, cướp “tiền cô hồn” để giữ lại nét đẹp văn hoá về tục cúng bái trong mùa Lễ Vu lan, đó ý kiến phản hồi mà chúng tôi ghi nhận được của của quý sư thầy, các chuyên gia và bạn đọc.

Thượng tọa Thích Nhật Từ (Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam):

Thượng tọa Thích Nhật Từ.

Theo Phật giáo, tháng Bảy là mùa Lễ hội Vu lan báo hiếu. Trọng tâm của Lễ hội Vu lan báo hiếu nhằm giáo dục con người về lòng hiếu thảo, biết nhớ ơn và đền ơn các đấng sanh thành, để rồi từ đó tu dưỡng đạo đức, sống hiếu thảo tốt đời đẹp đạo. Kinh Phật không hề nói đến việc Diêm Vương mở cửa địa ngục vào tháng Bảy mà đó là quan niệm của dân gian.

Do vậy, không có ngày “âm khí xung thiên”, ma quỷ đồng loạt tràn lên dương thế phá phách, xin ăn mặc vào ngày rằm tháng Bảy. Nếu tin vào việc Diêm Vương mở địa ngục vào tháng Bảy, rồi thành lệ “tháng Bảy cần kiêng kỵ nhiều điều để không bị ma quỷ làm hại, nhất là trong ngày rằm tháng Bảy nhà nào cũng phải có lễ cúng cho cô hồn ăn uống no nê, đốt vàng mã thật nhiều chứ còn để họ đói khát, thiếu thốn là sẽ bị quấy phá” là không phù hợp với đạo lý nhà Phật.

Hiện nay nhiều ngôi chùa lớn, nhỏ vào tháng Bảy Âm lịch tổ chức các lễ cúng Chẩn tế (nhằm phát thí lương thực, tiền quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn) nhưng lại không thực hiện đúng quy cách, phát thí cứu đời không trang nghiêm, gây nên tình trạng tụ tập lấy, giật phần lễ cúng. Mong rằng các tăng ni, sư thầy cần chấn chỉnh lại Lễ cúng Chẩn tế theo đúng quy định Phật giáo, tránh để xảy ra việc chen lấn, cướp giật làm thanh nghiêm cửa chùa bị ảnh hưởng.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phan An (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ):

Phó giáo sư, tiến sĩ Phan An.

Cúng cô hồn là một nét văn hoá xưa của người Việt. Cô hồn chỉ những linh hồn vất vưởng ngoài đường vì tai nạn hay qua đời vì biến cố nào đó mà không được siêu thoát. Việc cúng cô hồn là cách người Việt thể hiện lòng thương với những linh hồn xấu số cũng như mong muốn những linh hồn này mang đi những điều xui rủi của gia chủ.

Trong tập tục của người Việt có thờ, cúng và thờ - cúng là 3 hoạt động tâm linh, với cô hồn, chúng ta chỉ cúng chứ không thờ. Ngày xưa, người Việt cúng cô hồn rất đơn giản với những loại kẹo rẻ tiền, cháo trắng ngụ ý cúng cho có, bố thí những linh hồn đừng gây phiền phức. Ngày nay, nhiều người tổ chức cúng quy mô hơn, đồ cúng đắt tiền hơn. Ngày xưa chỉ rải muối, gạo thì bây giờ gia chủ rải thêm tiền. Trước kia, sau khi cúng, trẻ em đến đứng xung quanh để xin kẹo chứ không có các hoạt động tranh giành đồ cúng như bây giờ.

Thời gian gần đây, nhiều người tụ tập "giật cô hồn" là hoạt động chưa từng có trong nét văn hoá thờ cúng của người Việt. Đó là hành động biến tướng đáng chê trách. Theo phong tục, khi nhang chưa tàn, những hoạt động ảnh hưởng đến bàn thờ đều đáng lên án. Đặc biệt những thanh niên trẻ mượn cớ giật cô hồn là hành vi xấu, ảnh hưởng đến văn hoá thờ cúng xưa nay.

Anh Trần Thiện Trí - Giáo viên THPT tại TP.HCM:

Anh Trần Thiện Trí.

Người sống tưởng nhớ người đã khuất, theo tôi là một nét đẹp trong văn hoá tâm linh của người Việt. Tôi vẫn còn nhớ ngày còn nhỏ, bạn bè trong xóm tới mùa rằm tháng Bảy âm lịch lại cùng nhau kết nhóm, đi khắp xóm để xin bánh kẹo cúng của người lớn. Nhưng đó là ngày xưa. Còn nay, nhiều người đã biến việc xin mâm cúng thành… xông vô để cướp! Từ chỗ là phong tục thể hiện truyền thống, tưởng nhớ người đã khuất thì lễ cúng cô hồn lại bị một bộ phận người dân biến tướng thành những mặt trái rất đáng bị phê bình. Người cúng thì mê tín dị đoan, quăng tiền cho cõi âm để cầu mong những điều không thể.

Để nét đẹp văn hoá tâm linh của Việt Nam được duy trì đúng đắn, thiết nghĩ các cơ quan báo chí, các nhà quản lý văn hoá và trên hết là những người làm giáo dục ý thức được sự quan trọng của việc định hướng tư tưởng cho thế hệ trẻ nói riêng và toàn thể người dân cả nước. Hãy nói không với mê tín dị đoan, tránh lãng phí tiền của vô ích, gây nên cảnh hỗn loạn trong dịp lễ Vu lan như mấy ngày qua.

Một cảnh sát khu vực thuộc phường 1, quận 5:

Với đặc thù là một địa bàn tập trung đông số lượng người dân gốc Hoa sinh sống nên cứ tới dịp cúng cô hồn hằng năm, lực lượng cảnh sát khu vực chúng tôi phải rất vất vả ứng trực tại những điểm tổ chức cúng lớn để ổn định trật tự, điều tiết, phân luồng giao thông. Cũng phải cảnh báo với người dân rằng dịp cúng cô hồn là một thời cơ rất thuận lợi dành cho những đối tượng phạm pháp hình sự, chúng sẽ trà trộn vào đám đông để thực hiện các hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản.

Nhiều hành động biến tướng đã xảy ra xung quanh tục cúng và cướp cô hồn Rằm tháng Bảy.

Tôi mong bà con không nên tham gia vào các đoàn người đi giật tiền cúng cô hồn trên phố. Đó vừa là một động thái để chúng ta bài trừ mê tín, vừa tránh gây ra những thiệt hại tới sức khoẻ, thiệt hại tài sản của cá nhân mình và của người khác. Những năm trước đây, chúng tôi đã từng ghi nhận những trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra, rất mong tình trạng này không tiếp tục tái diễn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang