Phú Yên:

Đánh bắt thủy hải sản bằng lờ bóng Thái Lan làm cạn kiệt nguồn thủy sản

Chủ Nhật, 16/07/2017 03:42  | Bình Lê

|

(CAO) Vì lờ bóng Thái Lan (một loại ngư cụ) không nằm trong danh mục cấm khai thác nên chính quyền địa phương và các ngành chức năng gặp khó khăn trong việc xử lý vi phạm, trong khi ngư dân các xã An Hòa, An Hải, An Hiệp, An Cư, huyện Tuy An bức xúc kiến nghị nhiều nơi về việc các đối tượng đánh bắt thủy hải sản bằng công cụ này làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

Nằm dưới chân đèo Quán Cau, thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa về phía Bắc khoảng 22 km, diện tích mặt nước hơn 1.500 ha, đầm Ô Loan được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp thanh bình với không gian thoáng đãng và khí hậu trong lành, mát mẻ. Vì là đầm nước lợ, Ô Loan có rất nhiều hải sản như hàu, sò huyết, tôm, mực, sứa, rau câu, điệp, cua. Đây cũng là nguồn sinh kế cho hàng nghìn hộ gia đình ngư dân các xã An Hòa, An Hải, An Hiệp, An Cư huyện Tuy An sống ven đầm từ bao đời nay.

Thế nhưng từ năm 2006 đến nay nguồn lợi thủy hải sản tại Đầm Ô Loan ngày càng cạn kiệt vì nhiều đối tượng dùng ngư cự lờ bóng Thái Lan để đánh bắt, khai thác thủy hải sản gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh sống của nhiều loại thủy hải sản khác và ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của cộng đồng dân cư sống ven đầm, ven biển khiến bà con ngư dân rất bức xúc, kiến nghị nhiều nơi mà vẫn chưa được giải quyết. xử lý các đối tượng.

Một ngư dân ở thôn Phú Tân, xã An Cư bức xúc phản ánh: “Lờ Thái Lan thả xuống đầm là nó bắt sạch sẽ, cá nhỏ li ti cỡ nào nó cũng bắt được. Bắt thủy sản xong các đối tượng ném lờ lên bờ đầm. Nhiều năm nay diễn ra tình trạng này dân rất bức xúc phản ánh nhiều lần mà chính quyền và ngành chức năng vẫn chưa giải quyết. Tình trạng này cứ tiếp diễn sẽ dần đến nguồn lợi thủy sản của đầm cạn kiệt. Chưa kể một số hộ dân cất quán ăn xung quanh đầm còn ném đồ vật, thức ăn dư thừa xuống đầm gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi thối tại đầm”.

Các hộ dân xã An Cư sống trên đầm

Trao đổi với chúng tôi về việc này, ông Trần Sáu – Trưởng phòng NN- PTNT huyện Tuy An cho biết: “Lờ bóng Thái Lan (còn gọi là lờ dây) là ngư cụ khai thác thủy sản mang tính hủy diệt mới được du nhập vào địa phương từ những năm 2006-2007.

Về cấu tạo, nó như một loại lồng bẫy, khai thác không có tính chọn lọc về kích thước và đối tượng chủng loại, chủ yếu khai thác các loài sinh vật đáy như: cá đáy, tôm, cua, ghẹ có nguy cơ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng xấu môi trường sống của các loài thủy sản khác nên gây bức xúc trong nhân dân.

UBND huyện Tuy An cũng đã có văn bản kiến nghị gửi UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy Sản tỉnh Phú Yên bổ sung nghề bóng Thái Lan vào danh mục nghề cấm khai thác thủy sản trên địa bàn huyện vì theo Thông tư số 02 ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59 ngày 04/5/2005 của Chính phủ thì lờ bóng Thái Lan không nằm trong danh mục cấm khai thác. Chính điều này gây khó khăn cho chính quyền khi xử lý các đối tượng dùng ngư cụ lờ bóng Thái Lan để khai thác thủy hải sản”.

Cuộc sống trên đầm Ô Loan

Ông Nguyễn Duyên – Chánh Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên thông tin thêm: “Trước bức xúc của ngư dân Sở NN-PTNT cũng đã có báo cáo số 470 ngày 12/12/2016 về tình trạng các đối tượng dùng lờ bóng Thái Lan có kích thước mắt lưới nhỏ (2a=10mm-14mm) để khai thác thủy hải sản là vi phạm về kích thước mắt lưới sử dụng nhỏ hơn so với quy định (tối thiểu bằng 18mm).

Bởi lờ bóng Thái Lan không nằm trong danh mục cấm khai thác nên chúng tôi không thể xử lý thu giữ nhưng kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định thì chúng tôi có thể xử lý vi phạm hành chính. Sở cũng đã chỉ đạo cho Chi cục Thủy Sản phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm về kích thước đối với bóng lờ Thái Lan theo Nghị định 103 ngày 12/9/2013 của chính phủ.

Đồng thời kiến nghị Tổng cục Thủy sản xem xét đưa vào danh mục nghề cấm khai thác và tham mưu cho UBND tỉnh Phú Yên xem xét ban hành chỉ thị cấm hoạt động nghề này trên địa bàn tỉnh Phú Yên”.

Đầm Ô Loan là sinh kế của người dân trong vùng
Lờ bóng Thái Lan các đối tượng bỏ lại sau khi khai thác

Bình luận (0)

Lên đầu trang