(CATP) Trong những năm gần đây, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra thường xuyên và diễn biến hết sức phức tạp, nhất là mùa khô năm 2015 - 2016, 2019 - 2020, gây thiếu nước nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Mùa khô năm 2023 - 2024, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây độ mặn đều vượt mức cùng kỳ, tiến sâu vào đất liền hàng chục km.
Tình hình thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2023 - 2024 đã xảy ra tại một số địa phương của tỉnh, cụ thể tại các xã: Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Đông Thạnh, Tân Tập, Phước Lại... (huyện Cần Giuộc), Long Hựu Đông và Long Hựu Tây (huyện Cần Đước), Nhựt Ninh, An Nhựt Tân, Tân Bình (huyện Tân Trụ), Thạnh Lợi (huyện Bến Lức), Phước Tân Hưng (huyện Châu Thành), Tân Tây, Tân Đông, Thạnh Phú, Thạnh Phước (huyện Thạnh Hóa)... nguyên nhân do thiếu nguồn kinh phí để đầu tư việc kéo dài và nâng cấp mở rộng các tuyến ống cấp nước.
Không thể để người dân chịu cảnh thiếu nước, mua nước giá cao đang làm xáo trộn cuộc sống nhiều tháng qua, chính quyền tỉnh Long An đã quyết liệt vào cuộc. Chiều 09/4, ông Trương Thanh Liêm - Bí thư huyện ủy Cần Giuộc cho biết, trong cuộc họp sáng cùng ngày đã kiến nghị Sở Xây dựng xem xét, tham mưu UBND tỉnh làm việc với Công ty Cổ phần nước Biwase - Long An, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco, Công ty cổ phần cấp nước Nhà Bè (TPHCM) tăng tối đa sản lượng nước cấp về huyện Cần Giuộc. Ông Liêm cũng đề nghị, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thi công giai đoạn 2 và giai đoạn 3 thuộc Dự án nâng công suất Nhà máy nước Nhị Thành lên 120.000m3/ngày đêm. Ngoài ra, rà soát, kiểm tra các nguồn cung cấp nước theo quy hoạch, phân vùng để có sự điều chỉnh phù hợp theo năng lực thực tế của đơn vị cấp nước.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn, xâm nhập mặn, UBND tỉnh Long An đã ban hành Chỉ thị số 1919/CT-UBND (ngày 05/7/2023) về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino trên địa bàn tỉnh Long An và Kế hoạch số 239/KH-UBND (ngày 23/01/2024) về Phòng ngừa, ứng phó hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện nhiều giải pháp công trình và phi công trình với mục đích tạo nguồn cấp nước, kiểm soát mặn, bảo vệ sản xuất và dân sinh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm và đoàn công tác khảo sát tình hình thiếu nước sinh hoạt tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc
Cụ thể như kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn để thực hiện các giải pháp công trình như nạo vét, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến nhằm kịp thời dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất. Cho hoạt động các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối như: Cống Rạch Đào, Cây Gáo trên kênh Thủ Thừa; Cống Rạch Chanh (huyện Bến Lức)... để bơm nước vào đồng khi kiểm tra độ mặn bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Rà soát, tổng hợp các danh mục công trình ưu tiên cấp bách để triển khai thi công ngay bằng các nguồn lực sẵn có của tỉnh hoặc huy động trong nhân dân nhằm bảo đảm ngăn mặn, bảo vệ nguồn nước ngọt hiện có trong khu vực nội đồng. Kiểm tra các tuyến đê bao xung yếu, cống đầu mối để kịp thời phát hiện sự cố và sửa chữa, khắc phục ngay, không để nước mặn rò rỉ vào nội đồng gây ảnh hưởng chất lượng nguồn nước ngọt. Thực hiện các giải pháp để bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng thiếu nước.
Do điều kiện ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn để đầu tư các công trình phục vụ công tác phòng, chống hạn, mặn, UBND tỉnh Long An đã có tờ trình đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn, mặn năm 2023 - 2024 với trên 157 tỷ đồng để tỉnh thực hiện phòng, chống hạn, mặn kịp thời và phục vụ lâu dài cho những năm tiếp theo với mục đích tạo nguồn cấp nước, kiểm soát mặn, bảo vệ sản xuất và dân sinh cho người dân tỉnh Long An.
Nguồn kinh phí này sẽ đầu tư thực hiện 33 công trình. Cụ thể, nạo vét các cửa lấy nước của các công trình đầu mối thủy lợi và hệ thống kênh mương 23 công trình, gần 133 tỷ đồng. Lắp đặt trạm bơm dã chiến 2 công trình, kinh phí 7 tỷ đồng. Kéo dài đường ống cấp nước sạch, mua thiết bị trữ nước cho người dân, lọc nước mặn thành nước ngọt, chở nước sinh hoạt cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt là 8 công trình, kinh phí gần 30 tỷ đồng. Trong đó, nạo vét, đắp đê rạch Đôi Ma (huyện Cần Đước), rạch Cây Gáo (huyện Thủ Thừa), nạo vét, đắp đê rạch Nha Ràm - kênh trục Xóm Bồ (huyện Cần Đước), kênh chính Hòa Phú (huyện Châu Thành). Nâng cấp mở rộng, kéo dài tuyến ống cấp nước sạch các xã trên địa bàn huyện Tân Trụ, nâng cấp mở rộng, kéo dài tuyến ống cấp nước sạch các xã trên địa bàn huyện Cần Đước.