Hiểm họa khôn lường từ chó thả rông

Chủ Nhật, 14/04/2024 13:04

|

(CATP) Gần đây, người dân đô thị bức xúc về tình trạng động vật (ĐV) nuôi (chó, mèo) thả rông, phóng uế, cắn người... có chiều hướng gia tăng. Vài vụ việc chỉ vì mâu thuẫn về cách nuôi nhốt loài này đã dẫn đến hậu quả mất tình làng nghĩa xóm, thậm chí xảy ra án mạng.

Từ thiếu ý thức cộng đồng...

Nạn chó thả rông, không rọ mõm là hình ảnh thường thấy từ ngõ hẻm đến các tuyến đường lớn, khu dân cư, chung cư (CC) và công viên (CV), phố đi bộ trên địa bàn TPHCM. Dọc các tuyến phố, đặc biệt những khu vực có bãi cỏ, người dân thường dẫn chó đi dạo, trong khi đa phần không xích mà để chạy lung tung.

Tại một CV ở Quận 7, dù đã có biển cấm nhưng nhiều người vẫn dẫn chó đến đây đi dạo vào buổi sáng và chiều tối, thả cho "xả” bậy trên lối đi hoặc bãi cỏ. Người đến tập thể dục đôi khi giật mình vì chó sủa và bu quanh, trong khi chủ thản nhiên ngồi bấm điện thoại! Chị N.T.N (ngụ P.Tân Quy, Quận 7) chia sẻ: "Mỗi sáng sau khi thức dậy, việc đầu tiên tôi phải làm là dọn dẹp "bãi chiến tích" do đàn chó của hàng xóm thả ra trong đêm để lại trước cửa". Anh L.C.K (45 tuổi, ở huyện Nhà Bè) bức xúc: "Đang chạy xe máy với tốc độ cao mà gặp những con chó bất thình lình phóng ra đường hoặc rượt đuổi nhau thì rất dễ gây tai nạn. Chưa nói tới chuyện người nuôi không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại (BD) cho chó khiến tỉ lệ bệnh này gia tăng nhanh chóng thời gian gần đây".

Bên cạnh đó, nhiều người sống ở CC cũng than vãn về việc thường xuyên bị chó, mèo nhà hàng xóm làm phiền bằng tiếng ồn hay phóng uế bừa bãi nơi hành lang, thang máy các khuôn viên chung. Ngoài ra, trên đường phố, nơi công cộng, kể cả quán ăn, cũng thường thấy nhiều người để thú cưng không rọ mõm chạy khắp nơi, thậm chí cho ngồi lên bàn ghế, ăn cùng người...

Chó thả rông nhưng không rọ mõm

... Đến những hệ lụy khó lường

Báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế cho thấy, từ năm 2022 đến nay BD có xu hướng gia tăng trên cả nước. Trong 2 tháng đầu năm 2024 có 22 người tử vong, gần 70.000 người phải điều trị dự phòng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tại TPHCM có 7 ca mắc BD được chuyển đến điều trị tại bệnh viện trong 2 tháng đầu năm 2024, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái (2 ca).

Về nguồn truyền BD, theo các chuyên gia y tế, do ĐV có vú hoang dã và ĐV sống gần người (nhiều nhất là chó, tiếp đó là mèo). Thống kê cho thấy chó là ổ chứa virus dại chủ yếu, chiếm 96% - 97%, còn mèo 3% - 4%. Ở 2 loài này, thời gian ủ bệnh thường từ 3 - 7 ngày trước khi có dấu hiệu lâm sàng và trong suốt thời kỳ vật bị bệnh. Trong khi đó, nếu đã lên cơn dại, kể cả ĐV và người đều có tỉ lệ tử vong gần như 100%.

Mới đây, tối 02/4 cộng đồng mạng lan truyền clip cư dân 1 CC ở Quận 7 tập trung trước sảnh yêu cầu người phụ nữ nuôi 19 con chó phải chuyển nhà, do bức xúc khi phải chịu đựng tiếng chó sủa ồn ào và mùi hôi từ căn hộ của chủ nuôi chó. Trên địa bàn TPHCM cũng vừa xảy ra vụ án mạng mà nguyên nhân do chó phóng uế. Theo thông tin ban đầu, lúc 23 giờ 45 ngày 03/4, người dân sinh sống trên đường Khiếu Năng Tĩnh (P.An Lạc A, Q.Bình Tân) nghe tiếng hô hoán đã chạy đến kiểm tra, phát hiện vợ chồng chủ tiệm giặt ủi bị người đàn ông dùng hung khí tấn công, người vợ tên T. (quê Bến Tre) bị đâm chết tại chỗ, người chồng tên H. bị thương nặng, được đưa vào BV cấp cứu.

Theo Công an Q.Bình Tân, nghi can là người đàn ông có nhà liền kề và là chủ 1 cơ sở nha khoa. Trước đó, hai bên xảy ra mâu thuẫn từ việc chó của chủ cơ sở nha khoa phóng uế trên đường, người của tiệm giặt ủi nhiều lần nhắc nhở dẫn đến cự cãi. Thời điểm xảy ra vụ việc, chủ cơ sở nha khoa cầm hung khí qua tiệm giặt ủi tấn công vợ chồng bà T. Nghe tiếng kêu cứu, ông L. (người cho vợ chồng bà T. thuê nhà) chạy ra can cũng bị tấn công dẫn đến té ngã gây thương tích ở cổ, phải may nhiều mũi.

Để chó phóng uế vào cột điện

Cần sớm thực hiện quy định kiểm soát vật nuôi

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM đã xây dựng quy định tạm thời về quản lý vật nuôi là chó, mèo, dự kiến trình UBND TPHCM trong quý IV/2024. Trong đó, nhấn mạnh chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã đồng thời khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip, kê khai định kỳ 2 lần/năm, kê khai trong vòng 3 ngày sau khi nuôi, không để chó tấn công người, không thả rông, không được để chó gây ồn ào... Theo đó, thành phố sẽ hạn chế nuôi một số giống chó to, bản tính hung dữ; đồng thời người nuôi chó, mèo phải đăng ký với chính quyền địa phương để quản lý, tiêm phòng.

Đề xuất trên được nhiều người dân tại TPHCM ủng hộ và cho rằng việc áp dụng quy định này sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ vật nuôi. Ông L.V.A (62 tuổi, ngụ Quận 4) cho biết, trước đây chưa có chính sách kiểm soát chặt chẽ tình trạng nuôi chó ảnh hưởng đến khu dân cư, vì thế cơ quan chức năng cần đưa quy định trên vào thực hiện càng sớm càng tốt; nuôi chó gây ô nhiễm, không tiêm phòng dại thì chủ phải bị xử phạt.

Chuyện chó, mèo thả rông tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại rất nan giải ở những đô thị lớn. Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh nhiều người nuôi thú cưng hiện chưa trang bị đủ ý thức lẫn kiến thức như hiện nay, việc đưa ra những quy định chặt chẽ, chế tài mạnh mẽ hơn đồng thời áp dụng triệt để hơn trong đời sống là hết sức cần thiết, để tạo ra nền tảng ý thức đối với người dân và bảo đảm văn minh, an toàn cho cộng đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang