Để việc "đi chợ giúp dân" được thông suốt

Thứ Hai, 30/08/2021 11:35

|

(CATP) Chỉ mới 1/5 hộ dân cần mua hàng nhu yếu phẩm trong mấy ngày qua mà hệ thống "đi chợ giúp dân" đã cho thấy nhiều bất cập, việc nhanh chóng đưa 25.000 shipper vào hoạt động sẽ giúp vận chuyển hàng hóa thông suốt và trường hợp đã cho phép shipper hoạt động trở lại thì nên kích hoạt kênh mua hàng trực tuyến, qua đó góp phần thực hiện phòng chống (PC) dịch.

Các siêu thị thiếu nhân lực

Thực tế nhu cầu mua sắm của người dân bắt đầu tăng mạnh, đặc biệt trong tuần thứ 2 giãn cách nghiêm ngặt, trong khi nhân viên (NV) siêu thị (ST) ít người, khiến hệ thống "đi chợ giúp dân" liên tục bị gián đoạn.

Thực tế như Bách Hóa Xanh, ngày 25-8 nhận được 40.000 đơn hàng nhưng chỉ giao được một nửa và dù đã nỗ lực, đến ngày 26-8 Bách Hóa Xanh mới giao được 40.000 đơn hàng nhưng vẫn còn nhiều đơn phải để lại vì thiếu nhân lực; trong khi việc liên lạc với NV của phường để "đi chợ giúp dân" thì lúc được, lúc không.

Ngay cả nhân lực giao hàng của nhiều phường, xã cũng không đủ. Trong những ngày đầu, nếu tính trung bình mỗi phường có khoảng 700 đơn hàng "đi chợ giúp dân", nhưng với nhân lực chưa đến 10 người, kể cả bộ đội giúp sức, cũng không thể giao hàng đến nhà dân kịp. Đó là chưa kể đến nay một số phường vẫn chưa thể triển khai phương án trên.

Hệ thống Coo.opmart, Vinmarrt+ cũng vậy, lượng NV được cho phép đi làm ít hẳn, trong khi đơn hàng người mua thì nhiều. Đại diện Vinmart cho biết, chỉ có khoảng 30% NV của ST được cấp giấy đi đường, đến nơi làm việc nên không thể giải quyết cả ngàn đơn hàng của người mua. Các chuỗi ST cần khoảng 80% nhân lực đi làm, để bù lại số ca F0, F1 phải cách ly, cũng như mới đủ sức cung ứng hàng hóa ngày càng nhiều.

Nếu 25.000 shipper hoạt động trở lại, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn Ảnh: TTXVN

Việc cung ứng hàng cho các ST cũng gặp khó khăn do có quá nhiều trạm kiểm soát, dẫn đến nhiều ST thiếu hàng cục bộ, cần được khắc phục. Lãnh đạo các ST cũng cho biết, sắp tới ngoài việc tổ chức cung ứng đủ hàng cho các ST, việc phân phối đến tận tay người dân cũng cần được tổ chức lại.

Nên kích hoạt kênh mua hàng trực tuyến

Rõ ràng việc "đi chợ giúp dân" đang bộc lộ nhiều bất cập. Trường hợp thành phố (TP) bước vào tuần giãn cách nghiêm ngặt thứ 2, khi thực phẩm dự trữ của người dân bắt đầu hết, nhu cầu mua hàng của hơn 10 triệu người dân TP sẽ rất lớn. Đó là lý do nhiều người muốn các ST kích hoạt lại hệ thống đặt hàng online trực tiếp từ các kênh ST mà không cần qua phường, sau đó lực lượng "đi chợ giúp dân" như công an, bộ đội, hội phụ nữ, tổ dân phố, phường sẽ đến nhận từ ST và chuyển thẳng đến nhà dân. Như vậy sẽ tiện lợi hơn, người dân mua được nhiều hàng hóa (HH) hơn, theo nhu cầu của từng gia đình, cá nhân, hơn là những combo hàng theo quy định, thiếu đa dạng mà không phải ai cũng cần, người dân rất khó chọn mua.

Sở Công thương cũng đã thấy được những bất cập trên và cho rằng, việc mua hàng trực tuyến cần được phát huy, các ST cần kích hoạt lại, chứ không chỉ việc "đi chợ giúp dân" thủ công. Các vấn đề vận chuyển HH đến tận tay người dân cũng phải nhờ đến các shipper chuyên nghiệp, thậm chí đặt hàng luôn cho các shipper.

Có thể thấy trong gần 1 tuần hoạt động, hệ thống "đi chợ giúp dân" đã quá tải, cần được cải tiến để hiệu quả hơn và nhân vật trung tâm không thể thiếu được là các shipper, khi các kênh mua hàng trực tuyến được kích hoạt trở lại. Đơn giản hàng triệu món hàng được hệ thống thương mại điện tử tự động tính toán, trong khi hệ thống "đi chợ giúp dân" phải ghi chép, tính toán thủ công, khó đáp ứng kịp thời nhu cầu người mua. Với thương mại điện tử (TMĐT), người mua chỉ quan tâm tìm kiếm món hàng gì và giá cả thế nào, chứ không quan tâm ở đâu. Còn việc "đi chợ giúp dân" đôi khi lại phải gánh thêm việc tìm kiếm nguồn hàng, nếu không cứ mua theo combo, khiến việc cung ứng HH càng nan giải.

Cần thiết cũng có thể triển khai song song hệ thống TMĐT với "đi chợ giúp dân" đáp ứng nhu cầu mua hàng đa dạng của người dân. Hệ thống "đi chợ giúp dân" sẽ bảo đảm an sinh cho người nghèo, đáp ứng nhu cầu cho người không thể tham gia TMĐT.

Hiện số lượng shipper đang hoạt động là 12.513 người, đang vận chuyển HH trong phạm vi 14 quận, huyện "vùng xanh". Khi được nâng quy mô và phạm vi hoạt động sẽ tăng lên 25.000 shipper. Nếu đã cho 25.000 shipper hoạt động trở lại, việc kích hoạt kênh mua hàng trực tuyến là cần thiết và cũng đảm bảo công tác PC dịch.

Đề xuất cho shipper hoạt động trở lại

Chiều 28-8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo TPHCM bàn việc bổ sung thêm lực lượng tài xế sử dụng công nghệ (shipper) để phục vụ việc vận chuyển HH do các tổ công tác "đi chợ giúp dân" các phường tổ chức.

Tại cuộc họp, tất cả các ý kiến đều yêu cầu cần phải bổ sung thêm shipper công nghệ vào công đoạn vận chuyển HH để phục vụ nhu cầu mua hàng của người dân trong thời gian giãn cách nghiêm ngặt, nhưng phải đảm bảo an toàn trong công tác phòng dịch.

Theo tính toán của Sở Công thương TPHCM, trong điều kiện giãn cách, mỗi shipper có thể giao nhận 20 - 25 đơn hàng/ngày từ các tổ mua hàng "đi chợ giúp dân" cấp phường. Nếu TP huy động được 25.000 shipper, có khả năng phục vụ nhu cầu khoảng 500.000 - 650.000 hộ gia đình.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng kiến nghị cho TP được bổ sung thêm nhân lực cho các chuỗi ST, cửa hàng và cho shipper hoạt động trong địa bàn TP. Thủ Đức cùng 7 quận, huyện thuộc "vùng đỏ” để đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua hàng của người dân trong những ngày sắp tới.

Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thống nhất đồng ý TPHCM tính toán bổ sung thêm NV làm việc tại các chuỗi cung ứng HH trên địa bàn TP và phải đảm bảo xét nghiệm hàng ngày đối với lực lượng này.

Tổ công tác cũng đồng ý cho phép shipper hoạt động tại TP. Thủ Đức và 7 quận huyện "vùng đỏ” và giao cho các trạm y tế lưu động phường tổ chức điểm xét nghiệm hàng ngày cho các shipper, nếu âm tính thì cho hoạt động. Riêng lực lượng shipper tại 14 quận, huyện thuộc "vùng xanh" vẫn hoạt động bình thường như từ trước tới nay, nhưng phải tăng cường XN 2 lần/tuần. Tổ công tác giao Sở YT quản lý việc thực hiện XN cho các shipper theo hướng dẫn của Bộ YT.

Tại cuộc họp, UBND TPHCM đề xuất được cấp bổ sung 20.000 giấy đi đường cho NV hệ thống bán lẻ, ST để bổ sung nhân lực phục vụ việc bán hàng kịp thời.

Ai chịu chi phí xét nghiệm cho các shipper?

Để các shipper hoạt động tốt, họ cần được tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, khi đó rủi ro lây nhiễm của shipper tương đương với nhân sự của hệ thống "đi chợ giúp dân" của phường, chỉ còn vấn đề tuân thủ kỷ luật phòng dịch, là có thể hoạt động tốt. Còn hiện tại nếu các shipper chưa tiêm phòng Covid-19 hoặc mới chỉ tiêm 1 mũi, cần phải thực hiện các test nhanh để hoạt động.

Trước quy định các shipper ở "vùng đỏ” sẽ được lấy mẫu XN mỗi ngày, ở "vùng xanh" từ 2-3 lần/tuần, có kết quả âm tính mới được hoạt động, nhiều tài xế và doanh nghiệp đều cho biết cần phải được hướng dẫn chi tiết hơn, đặc biệt về chi phí XN.

"Nếu tính tiền XN 300 ngàn đồng/lần, mỗi ngày shipper "vùng đỏ” tốn chừng ấy tiền; còn các shipper "vùng xanh" phải XN 2-3 lần/tuần, thì chắc chắn nhiều shipper tắt app, thà ở nhà còn hơn, hành nghề bên ngoài vừa rủi ro vừa vất vả nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu", 1 shiper tâm sự. Shipper hoạt động "vùng đỏ”, XN mỗi ngày càng bất tiện, mất tiền lẫn thời gian, chưa chắc các tài xế chấp nhận đi làm từ 4-5 giờ sáng để chờ XN. Còn nếu doanh nghiệp chịu chi phí XN, mỗi lần test nhanh 200.000 - 350.000 đồng, với hàng ngàn tài xế hoạt động như vậy, chắc chắn họ phải cân nhắc hoạt động.

Trong khi đó Sở Công thương TPHCM lại yêu cầu doanh nghiệp phải giữ nguyên giá cước phí ship hàng như giai đoạn trước ngày 13-8. Với các DN vận tải công nghệ, 1 cuốc xe, hãng chỉ nhận từ 15 - 20% doanh thu, 80% còn lại thuộc về đối tác là TX. Doanh nghiệp còn phải đóng thuế VAT, không được điều chỉnh giá cước, dịch bệnh có thể còn kéo dài, DN khó chịu nổi chi phí này.Nên cho shipper đã tiêm phòng hoạt động toàn thành

Có lẽ thành phố nên cân nhắc cho các TX shipper đã tiêm 1 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 hoạt động cả "vùng đỏ” lẫn "vùng xanh", bởi mức độ an toàn của họ cũng tương đương với nhóm nhân sự "đi chợ giúp dân" ở phường. Vấn đề chi phí XN chưa giải quyết, 25.000 shipper chưa chắc đã hoạt động được, trong khi nhu cầu mua hàng của người dân trong những ngày tới chắc chắn tăng cao.

Đơn cử, người dân sống trên đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh) chiều 29-8 khi biết có "siêu thị mini" trên xe buýt - thuộc Chương trình "Thực phẩm bình ổn lưu động" do Sở Công thương TPHCM phối hợp với DN Grove Fresh tổ chức - về tận hẻm, gần như mọi hàng hóa, đặc biệt là rau xanh, củ, quả hết sạch trong nháy mắt!

Chính vì thế, cần giải quyết nhanh vấn đề test Covid-19 cho các shipper, nếu không kịp, việc cung ứng thực phẩm cho dân trong tuần thứ 2 giãn cách nghiêm ngặt có thể sẽ ách tắc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang