Điều tra:

Một cơ sở đào tạo cấp bằng có dấu hiệu giả mạo?

Thứ Tư, 18/09/2024 15:48

|

(CATP) Tổ chức chiêu sinh trên mạng với những lời hứa khi tốt nghiệp được cấp bằng tương đương chính quy, nhưng đến khi cấp bằng theo kiểu "hứa", các học viên lại phát hiện có dấu hiệu giả mạo. Điều đáng nói, nhiều người đã nộp hàng chục triệu đồng cho khóa học này. Vào cuộc điều tra, Chuyên đề Công an TPHCM phát hiện nhiều sai phạm, trong đó một vị tiến sĩ ký cấp bằng tốt nghiệp đã thừa nhận có sai sót...

Lớp học "bất ổn"

Tháng 8/2024, Chuyên đề Công an TPHCM nhận được phản ánh của nhiều học viên ngụ tại nhiều tỉnh thành như: TPHCM, tỉnh Khánh Hòa, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Dương, Gia Lai, Đắk Lắk, Vĩnh Long, Long An... về trường hợp học thật, nộp tiền thật, nhưng lại nhận bằng tốt nghiệp có dấu hiệu giả mạo. Tìm hiểu sự việc, chúng tôi thấy các học viên nộp tiền là có thật và nhận bằng tốt nghiệp, nhưng... sai.

Theo phản ánh của các học viên, lần theo những gì được giới thiệu trên không gian mạng cũng như những bằng chứng còn lưu lại về lớp học mang tên "Bảo vệ thực vật 20", chúng tôi được biết: Khoảng đầu tháng 10/2020, sau khi tìm hiểu thông tin tuyển sinh về ngành "Bảo vệ thực vật" trên mạng, các học viên ở nhiều nơi tìm vào trang web mang tên trường Trung cấp Quốc tế Sài Gòn. Do các học viên đa số là ở xa, không trực tiếp đến chính trụ sở trường Trung cấp Quốc tế Sài Gòn để xác thực thông tin, mà chọn cách "gọi vào số hotline để tư vấn mã ngành" mang tên Bảo vệ thực vật, cũng như quảng cáo trên mạng.

Quảng cáo hấp dẫn về "cơ hội việc làm" sau khi tốt nghiệp ngành Bảo vệ thực vật
Những tấm bằng tốt nghiệp Trung cấp Bảo vệ thực vật, theo phản ánh của học viên là giả

Các thông tin trên trang web mang tên "Trường Trung cấp Quốc tế Sài Gòn" có ghi: cam kết học online buổi tối ở nhà nhưng khi tốt nghiệp được cấp bằng trung cấp tương đương với bằng trung cấp chính quy, nên các học viên đã gửi hồ sơ đăng ký và đóng tiền để tham gia khóa học của trường. Địa điểm tiếp nhận hồ sơ tại một địa chỉ nằm trên đường số 3, khu phố 6, P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức (TPHCM). Vì các học viên đều liên lạc qua mạng hoặc điện thoại nên không hay biết địa chỉ của trường cũng như giảng viên lớp học vì đều... "từ xa". Lớp học mang tên "Bảo vệ thực vật 20".

Một thời gian sau, "nhà trường" lại ra thông báo rằng các học viên khi gửi bài kiểm tra điều kiện theo một địa chỉ khác nằm ở đường số 9, P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức (TPHCM). Hình thức là các học viên học online buổi tối, 1 tuần 3 buổi và đặc biệt đóng tiền qua số tài khoản của một phụ nữ mở tại ngân hàng... với hình thức chuyển khoản vào tài khoản cá nhân. "Việc này cho thấy không bình thường, bởi các học viên phải đóng học phí cho nhà trường. Nơi thu học phí phải có phiếu thu đàng hoàng, thậm chí phiếu thu xuất bằng điện tử nhưng dù sao vẫn là tài khoản mà học viên nộp vào là tài khoản mang tên nhà trường, chứ không phải là tài khoản cá nhân", một chuyên gia về giáo dục nhận định.

Cũng theo phản ánh của học viên, lớp "Bảo vệ thực vật 20" có 18 người tham gia, đa số nộp học phí bằng cách chuyển khoản cho bà Bùi Thị Như Quỳnh khi kết thúc một học kỳ. Lớp bắt đầu học vào tháng 9/2020 và kết thúc tháng 5/2022 (thời gian này TPHCM đã xuất hiện dịch Covid-19). Lần đầu tiên sinh hoạt online trên group lớp "Bảo vệ thực vật 20", học viên cho biết: "Một người tự xưng là ông L.V.S - Phó trưởng Phòng đào tạo, giải thích rằng chương trình học và cấp bằng như quảng cáo trên mạng, nên học viên đã tin tưởng theo suốt khóa học để được lấy bằng đi xin việc làm".

Trường Trung cấp Bến Thành - nơi cấp bằng tốt nghiệp ngành Bảo vệ thực vật

9 lần hẹn, cả năm chờ

Khoảng tháng 5/2022, lớp "Bảo vệ thực vật 20" thi tốt nghiệp bằng hình thức online, kết thúc chương trình học và hẹn ngày 05/10/2022 sẽ nhận bằng tốt nghiệp Bảo vệ thực vật hệ đào tạo trung cấp. Lúc này, phía "nhà trường" có thông báo các bạn học viên nếu thắc mắc gì thì liên hệ tại trụ sở chính (số 41 An Nhơn, P.17, Q.Gò Vấp). Đồng thời, lúc này có người nhắn tin trên group lớp "Bảo vệ thực vật 20" giới thiệu tên là N.N.H, quản lý học viên của nhà trường.

Đến hẹn vẫn không thấy cấp bằng tốt nghiệp, các học viên bức xúc, trong khi đó họ đã đóng tiền học phí đầy đủ qua mạng theo hướng dẫn. Học viên T. cho biết: "Tổng số tiền tôi đã chuyển khoản cho nhà trường qua số tài khoản cá nhân cả 2 học kỳ và thi tốt nghiệp là 11.300.000 đồng, nhưng sau khi tốt nghiệp chờ mãi vẫn chưa được cấp bằng".

Trang web quảng cáo tuyển sinh ngành Bảo vệ thực vật là giả mạo?

Không những đến thời gian hẹn nhận được bằng mà đã qua rất lâu, phía người tự xưng là người của trường Trung cấp Quốc Tế Sài Gòn tiếp tục nhiều lần hẹn cấp bằng cho lớp vẫn không thấy? Học viên trong lớp đã liên hệ gọi cho ông H. để hỏi thì người này lại hẹn... Sau 9 lần hẹn, năm 2023, các học viên trong lớp "Bảo vệ thực vật 20" vẫn không thấy đâu. Rồi đột nhiên ông H. thông báo sẽ chuyển qua trường Trung cấp Bến Thành để cấp bằng, lý do trường Trung cấp Quốc Tế Sài Gòn chưa có người đại diện để ký bằng tốt nghiệp cho các học viên. Lúc này, các học viên nghi ngờ bởi họ được tuyển sinh và theo học là một trường, nhưng nay lại được thông báo một trường khác cấp bằng tốt nghiệp (?!).

Ngày 14/7/2023, trường Trung cấp Bến Thành thông báo cho lớp "Bảo vệ thực vật 20" trên group sẽ cấp bằng tốt nghiệp ngành Bảo vệ thực vật cho lớp vào ngày 03/8/2023 và 04/8/2023. Mọi thắc mắc liên hệ số điện thoại hoặc tại trụ sở nhà trường (số 94-96 Lê Tuấn Mậu, P13Q6, TPHCM). Tuy nhiên, khi các học viên nhận bằng tốt nghiệp thì cho rằng có dấu hiệu làm giả. Theo họ, bằng tốt nghiệp được ký ngày 23/6/2023 do Tiến sĩ Nguyễn Quang Tiệp ký, với chức danh là Quyền Hiệu trưởng nhà trường.

Học viên T. trình bày: "Tôi có dịp được gặp ông Nguyễn Quang Tiệp (người ký cấp bằng tốt nghiệp) hỏi về vấn đề bằng thật hay bằng giả, thì ông cam kết với tôi là bằng thật". Nhưng cũng theo học viên T. :"Trong khi tìm hiểu vào năm 2021 - 2022, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM là cơ quan chủ quản của Trường đã không cấp bất cứ mã ngành nào về "Bảo vệ thực vật" cho trường này. Bằng tốt nghiệp mà ông Tiệp cấp cho chúng tôi là bằng giả, có dấu hiệu vi phạm vào Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Xét về yếu tố các chiêu trò tuyển sinh trên mạng để học viên đóng tiền, sau đó không cấp bằng được do không có mã ngành... Học viên như chúng tôi mơ hồ về cái bằng tốt nghiệp mà trường đã quảng cáo trước khi vào học".

Nhằm làm sáng tỏ sự việc, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM đã gặp Hiệu trưởng trường Trung cấp Quốc tế Sài Gòn. Vị này khẳng định, vụ việc đã báo cáo Thanh tra và cơ quan chủ quản, rất mong được làm rõ. Trong danh sách nhà trường, hoàn toàn không có ai tên Bùi Thị Như Quỳnh (mà các học viên đã chuyển khoản nộp học phí). Những ai lập trang web mang tên nhà trường, tuyển sinh mã ngành đào tạo Bảo vệ thực vật là hoàn toàn sai, vì mã ngành này không có. Lâu nay, trường Trung cấp Quốc tế Sài Gòn (trụ sở tại Q.Gò Vấp, TPHCM) và đang đào tạo các ngành được cấp phép bình thường.

(Còn tiếp...) 

Bình luận (0)

Lên đầu trang