Đã hơn một thập kỷ trôi qua, đều đặn như vậy, cứ đến dịp Trung thu, chúng tôi lại cùng lực lượng Công an, chính quyền địa phương gói ghém từng phần quà nhỏ mang đến các em thơ nơi miền sâu, vùng xa và cả những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Khép lại một mùa trăng yêu thương, hẹn mùa trăng sau, với những tình cảm ấm áp yêu thương, CBCS, phóng viên, công nhân viên Chuyên đề Công an TPHCM sẽ tiếp tục lên đường, góp phần san sẻ những khó khăn, thắp lên niềm hy vọng cho những phận đời.
RAGLAI NGÀY VỀ
Chặng cuối của hành trình “Mùa yêu thương” năm 2024 đưa chúng tôi “cập bến” làng người đồng bào Raglai (xã Cam Phước Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa). Nhiều năm trước, lần đầu tiên chúng tôi biết đến xã nghèo này qua câu chuyện của một cô giáo mầm non (MN) từng ngày bám bản “gầy” con chữ. Hồi đó, tỉnh Khánh Hòa có chủ trương xây nhiều điểm trường ở cấp MN và tiểu học ngay trong cộng đồng người Raglai. Hàng chục giáo viên (GV) “cắm bản” cũng xung phong đi dạy xa gia đình, chấp nhận đương đầu với khó khăn, trở ngại để thực hiện sứ mệnh cao cả của nghề giáo.
Chương trình năm nay, hơn 400 em nhỏ Raglai và 350 em là con của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Hải quân Vùng 4 (Cam Ranh) được Tập đoàn Tân Hiệp Phát và các Mạnh thường quân chung tay mang đến một mùa Trung thu ý nghĩa, thắm đượm tính nhân văn
Qua một thời gian, khi các điểm trường bắt đầu xuống cấp và đối diện với sự phát triển của xã hội, buộc ngành Giáo dục (GD) tỉnh Khánh Hòa phải thay đổi cách nghĩ so với trước. Làm sao để con em đồng bào Raglai tiếp cận nhanh, hiệu quả, thực chất kiến thức của ngành GD luôn là mục tiêu tiên quyết. Cuối cùng, các cấp đã đi đến sự đổi mới khá táo bạo: Không nhất thiết phải đưa con chữ vào buôn bản, mà có thể “kéo” trẻ em Raglai đến học ở các trường của người Kinh.
Bài toán khó lập tức được đặt ra: Làm sao để giữ vững số lượng học sinh (HS) đến lớp mỗi ngày? Lúc trước, khi có trường ở ngay trong buôn mà các cháu còn nghỉ học để lên nương thì giờ đi học xa, liệu sĩ số có còn bảo đảm? Hiểu được “tính đặc thù” của người Raglai, Nhà nước đã hỗ trợ tiền ăn cho các gia đình có HS đến lớp. Vừa có con chữ lại được no bụng, người Raglai đương nhiên ủng hộ chủ trương đúng, tốt dành cho họ. Sau những ngày đầu bẽn lẽn, nhút nhát, khi đã thích nghi, các em nhỏ Raglai lập tức hòa nhập nhanh đến không ngờ. Từ chỗ còn bập bẹ đánh vần, đến nay các em dù mới học lớp MN đã biết làm các phép toán cơ bản và tham gia những trò chơi mang tính tư duy cao.
Mặc dù vậy, trái ngược với quyết tâm dựng xây nguồn tri thức cho người Raglai của Nhà nước ta, một bộ phận người dân lại huyễn hoặc rằng: Học sinh được đi học ở ngôi trường khang trang thì có gì nghèo khổ mà phải giúp đỡ? Nhiều Mạnh thường quân khi liên hệ với chúng tôi đã đưa ra yêu cầu phải có điểm trường xập xệ, cũ nát thì mới hỗ trợ cho các cháu. Nhưng họ đâu hiểu, để các cháu người Raglai có được con chữ như hôm nay là cả sự nỗ lực của toàn ngành GD. Trong khi đó, cuộc sống của bà con Raglai còn rất nhiều khó khăn, vẫn cần lắm sự đùm bọc, sẻ chia của cộng đồng” - một cô giáo tâm sự.
Lần thứ hai chúng tôi quay lại nơi đây, ai cũng mừng vì chứng kiến rõ sự “thay da đổi thịt” của ngành GD tại xã nghèo. Trẻ em Raglai đã được học tại những ngôi trường có đầy đủ trang thiết bị học tập, với vốn kiến thức trang bị kỹ lưỡng, chất lượng. Nhưng chúng tôi lại thoáng chạnh lòng vì ngoài sự quan tâm hết mực của Nhà nước, sự chung tay san sẻ của cộng đồng dành cho các em nhỏ vẫn còn hạn chế. Điều này rất cần lối tư duy khác, như cách chuyển hướng táo bạo nhưng vô cùng đúng đắn trong công tác GD mà tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện với người Raglai.
Trung tá Nguyễn Duy Trung - Trưởng ban Phóng viên, Báo Công an TPHCM trao quà cho các em nhỏ
GẮN KẾT ĐÔI BỜ YÊU THƯƠNG
Có gần người Raglai mới hiểu, họ rất cần sự quan tâm, bồi đắp về mặt tinh thần. “Người Raglai vốn dĩ thật thà, cô giáo thương con họ, họ xem cô giáo như người nhà. Công an thương họ, họ xem công an là điểm tựa. Những đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta nhờ vào sự quan tâm ấy mà được đồng bào Raglai tin tưởng, chấp hành” - cô Lưu Thị Huyền Vân, Hiệu trưởng Trường MN Cam Phước Đông (Cam Ranh), cho biết.
Hiểu được mong mỏi của bà con Raglai, chuyến xe “Mùa yêu thương” quyết định dừng bánh ở điểm cuối cùng tại Trường MN Cam Phước Đông. Thấy sự xuất hiện của đoàn thiện nguyện, thoạt đầu các cháu nhỏ có vẻ ngại tiếp xúc; nhưng khi đã cảm nhận được sự chân thành của các cô, chú trong đoàn, các cháu liền hòa nhịp không một khoảng cách. Vậy mới thấy tiết lộ của các cô giáo bám bản chính xác đến mức độ nào! Họ hiểu sâu sắc “cái bụng” của người đồng bào Raglai và đó cũng chính là “nhịp cầu” vững chắc gắn kết đôi bờ yêu thương, giúp chương trình đến được những nơi cần đến!
Các em học sinh chăm ngoan tại Trường THCS Lê Hồng Phong, Cam Ranh nhận quà Trung thu của chương trình
Những món quà chương trình trao gửi dẫu chưa nhiều về mặt vật chất (bánh Trung thu, lồng đèn, kẹo bông đường) nhưng khi nó được “gói” bằng tất cả sự yêu thương thì còn điều gì ngọt ngào hơn thế? Những đôi mắt như biết nói lời cảm ơn, những nụ cười con trẻ phút chốc quên đi nỗi nhọc nhằn, bất hạnh... Đó chính là minh chứng cho chân lý bất diệt: Tình người sẽ tỏa sáng khi chúng ta trao nhau điều tử tế!
Đoàn chúng tôi rời làng khi trời vừa sập tối. Bầu trời hôm nay không còn đặc quyện tầng mây đen như mấy hôm còn ảnh hưởng bởi cơn bão hung bạo. Trăng thập thò ló dạng, rồi tỏa sáng vằng vặc, soi tỏ mấy đám mạ non đang căng tràn sức sống. Tiếng dế rỉ rả hai bên đường nghe như dàn đồng ca ru êm đến vô tận của miền quê.
Khi hành trình “Mùa yêu thương” tạm khép lại mới là lúc chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Chúng tôi vui không phải vì vừa hoàn thành nhiệm vụ, mà vì hiểu: Tình người sẽ mãi ở lại với những nơi mà chúng tôi đã đến và rời đi...
Một số hình ảnh đẹp, xúc động tại chương trình:
Màn múa lân mở màn cho đêm Trung thu ý nghĩa dành tặng các em nhỏ người đòng bào dân tộc thiểu số Raglai (Ảnh: Minh Khôi – Xuân Phương)
Thông qua “chuyến xe mùa yêu thương”, 400 em nhỏ người đồng bào Raglai và 350 em là con của các chiến sỹ Bộ đội Hải quân Vùng 4 (Cam Ranh) được Tập đoàn Tân Hiệp Phát và các mạnh thường quân chung tay mang đến một mùa Trung thu ý nghĩa, thắm đượm tính nhân văn (Ảnh: Minh Khôi – Xuân Phương)
Lãnh đạo Đảng uỷ, UBND P.Phú Đông (TP.Tuy Hoà, Phú Yên) thay mặt chương trình trao những suất học bổng nghĩa tình cho trẻ em nghèo vượt khó của địa phương (Ảnh: Minh Khôi – Xuân Phương)
San sẻ yêu thương tại Mái ấm Hy Vọng, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, Khánh Hoà (Ảnh: Minh Khôi – Xuân Phương)
Những cây kẹo thắm đượm nghĩa tình của Cơ sở sản xuất kẹo bông đường Thiện Trí (Ảnh: Minh Khôi – Xuân Phương)
Cùng vui phá cỗ trăng rằm
Phước Lộc (sinh viên năm cuối Trường Đại học Văn Hoá TP.HCM - một nữ MC trẻ tại TP.HCM) và diễn viên Chánh Huy đều là những tình nguyện viên đắc lực của "Chuyến xe mùa yêu thương”. Họ đã đến và cảm nhận được giá trị nhân bản của chương trình để cùng gắn bó, sẻ chia cho nhau những điều tử tế. Khích lệ người trẻ sống cống hiến và biết cho đi, đó là một thông điệp rõ ràng mà chúng tôi luôn hướng đến bao năm nay, khi thực hiện chương trình thường niên này (Ảnh: Minh Khôi – Xuân Phương)
Cùng thả tim nào… (Ảnh: Minh Khôi – Xuân Phương)