Đồng bằng sông Cửu Long: Đón công dân về quê, tại sao không?

Thứ Tư, 28/07/2021 10:10  | Thiện Thảo

|

(CATP) Ngày 26-7, UBND tỉnh Long An gởi văn bản đến 12 tỉnh, thành phố (TP) khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long về việc phối hợp đưa người từ TPHCM về địa phương. Theo đó, hàng ngày, người lao động (NLĐ) có hộ khẩu tại 12 tỉnh, TP trên đang làm việc ở TPHCM và các tỉnh lân cận di chuyển bằng phương tiện cá nhân qua địa bàn Long An rất đông, ảnh hưởng đến công tác phòng chống (PC) dịch, nên cần hỗ trợ đưa về quê an toàn… Một số tỉnh đã tổ chức đón học sinh - sinh viên (HS-SV), công nhân (CN), NLĐ; các địa phương còn lại đang tìm phương án, vì sao?

XÉT NGHIỆM ÂM TÍNH MỚI ĐƯỢC VỀ

Nhận được văn bản trên, ngay trong ngày, UBND TP.Cần Thơ đã có công văn (CV) gửi UBND TPHCM về việc đón công dân (CD) là người Cần Thơ đang sinh sống tại TPHCM. Theo đó, với mong muốn chia sẻ khó khăn cùng TPHCM, UBND TP.Cần Thơ dự kiến tổ chức xe đón CD là người Cần Thơ trở về. Phía Cần Thơ đề nghị UBND TPHCM phân công cơ quan đầu mối lập danh sách CD là người Cần Thơ có nhu cầu về, tạo điều kiện xét nghiệm (XN) tập trung, bố trí địa điểm tập kết để từ đó rời đi. Khi về Cần Thơ, những công dân này sẽ được cách ly (CL) tập trung. Ngoài TPHCM, TP.Cần Thơ cũng lên phương án tương tự để đón khoảng 600 CD trở về từ Bình Dương.

Theo thông tin chúng tôi nhận được, ngày 27-7 kế hoạch đón CD Cần Thơ về quê vẫn đang chờ phía TPHCM làm cầu nối. "Thành phố đang tham khảo một số địa phương trong kế hoạch đón CD về quê. Những phương pháp nào hay, hợp lý, chúng tôi sẽ vận dụng", thành viên Ban chỉ đạo PC dịch Covid-19 TP.Cần Thơ cho biết.

Người dân về quê tránh dịch dừng tại chốt kiểm soát dịch TP.Cần Thơ

Tại Kiên Giang, sau khi tổng hợp báo cáo số lượng người dân tỉnh này có nhu cầu trở về từ TPHCM, đối chiếu năng lực các cơ sở CL, XN, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lưu Trung đề nghị trước mắt tập trung ưu tiên cho đối tượng là HS-SV có kết quả XN âm tính với SARS-CoV-2. Việc đón người về phải thực hiện từng bước theo đợt, để rút kinh nghiệm tổ chức. Tỉnh đoàn Kiên Giang có trách nhiệm chủ trì tiếp nhận thông tin HS-SV đang sinh sống tại TPHCM có nhu cầu về; Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì phối hợp với Liên đoàn Lao động TPHCM nắm số lượng CN, NLĐ của Kiên Giang đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), nhà máy, xí nghiệp có nhu cầu trở về để sắp xếp, tính toán việc bố trí đón giai đoạn tiếp theo. Tất cả HS-SV đón về phải có kết quả XN âm tính. Nếu đủ điều kiện, đầu tháng 8-2021, tỉnh sẽ tiến hành việc đón HS-SV; sau đó rút kinh nghiệm để tiếp tục có phương án đón CN, NLĐ. UBND tỉnhKiên Giang giao UBND TP.Rạch Giá quyết định thành lập 3 khu CL đồng thời có kế hoạch chủ động phối hợp với Sở Du lịch xem xét các cơ sở dịch vụ lưu trú có thu phí để phục vụ trường hợp CN, NLĐ có nhu cầu CL tại khách sạn có thu phí.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre đang phối hợp với Hội đồng hương tỉnh này tại TPHCM, Sở GTVT tỉnh Bến Tre chuẩn bị phương án, phương tiện để đón khoảng 2.500 CD từ TPHCM trở về nơi cư trú. Theo đó, việc đón số CD này sẽ chia làm 2 đợt. Trước mắt, tỉnh sẽ đón khoảng 1.400 CD, hỗ trợ toàn bộ kinh phí vận chuyển và CL tập trung, số còn lại sẽ được tổ chức vào đợt 2. Khi về địa phương, đoàn xe sẽ đưa các CD này về ngay trung tâm các huyện và TP.Bến Tre để chính quyền địa phương các nơi hỗ trợ công tác CL tập trung.

MỘT SỐ VƯỚNG MẮC

Ngoài các tỉnh, TP nêu trên đang triển khai kế hoạch đón CD về quê, các địa phương còn lại đang trong thời gian xem xét. Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... có từ 150 - 200 ngàn người đến TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... làm thuê tại các KCN, do ở không tập trung nên rất khó thống kê. Mặt khác, trong điều kiện khu CL còn hạn chế, lực lượng PC dịch thiếu, địa phương không đủ lực và sợ "vỡ trận" trước đại dịch.

Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ luôn có lực lượng trực 24/24 để kiểm soát dịch Covid-19

Trước đó, Ban chỉ đạo PC dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản hỏa tốc đề nghị không đưa, rước người từ TPHCM về tỉnh này. Theo thống kê chưa đầy đủ, Sóc Trăng có hơn 140.000 người học tập, làm việc tại TPHCM và các tỉnh miền Đông.

Tại Cà Mau có hơn 200 ngàn người làm thuê tại TPHCM và các tỉnh lân cận. "Đến nay, chúng tôi đã họp bàn phương án. Sở sẽ phối hợp với Ban liên lạc Hội đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu thống kê những người có nhu cầu về quê để lập kế hoạch", ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, cho biết. Tỉnh này đang thực hiện quy định đối với những người trở về/đến Cà Mau từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp phải CL tập trung ngay khi lực lượng kiểm soát chốt, trạm phát hiện. Đối với người về/đến từ các tỉnh còn lại, căn cứ bảng hướng dẫn hình thức giám sát hàng ngày của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau để áp dụng: CL tại nhà (CL cả hộ gia đình) đối với tất cả những người trở về từ các vùng còn lại...

Theo phản ánh từ đường dây nóng của Báo CATP, hiện còn rất nhiều CN quê các tỉnh miền Tây đang kẹt ở vùng dịch. Tại Bình Dương, Đồng Nai..., số người dân ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang... làm CN ở các KCN tương đối lớn. Ngay trong thời gian bùng phát dịch, nhà máy tạm ngừng hoạt động, nhiều CN thiết tha mong lãnh đạo địa phương hỗ trợ họ về quê, bởi không có việc làm, chẳng có thu nhập thì rất khó xoay xở trong thời gian giãn cách.

Trước đó, ngày 23-7, nhằm thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác hỗ trợ, phối hợp đưa người dân từ TPHCM về các tỉnh, thành để phục vụ công tác PC dịch, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Sở GTVT TPHCM phối hợp với Sở Y tế, Công an TPHCM, UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức hỗ trợ Hội đồng hương các tỉnh, thành tổ chức đưa người dân các tỉnh, thành đang ở TPHCM có nhu cầu về những địa phương như TP.Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi, Hà Tĩnh...

Bình luận (0)

Lên đầu trang