Hương vị Tết quê nội

Thứ Hai, 31/01/2022 23:24

|

(CAO) Nằm cách thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) chỉ hơn mươi cây số, men theo những con đường “nắng bụi, mưa lầy”, quê nội hiện ra trước mắt ba anh em chúng tôi.

Những cánh đồng lúa xanh rì trải dài bạt ngàn với khung cảnh làng quê yên bình, tĩnh lặng có con trâu phơi mình dưới ao nước sau nhà và đàn cò trắng lặn tìm tôm cá bên bờ ao, mương nước... Phảng phất đâu đó là hương vị đặc trưng mà chỉ quê nội tôi mới có, đó là cái mùi khói đốt đồng ngay ngáy mà thấy nhớ thương da diết! Ngược dòng thời gian trở về tuổi thơ, tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác thèm muốn được ba mẹ chở về quê nội chơi vào mỗi dịp cuối năm, Tết đến…

Cứ tầm ngày 29-12 (âm lịch), bà nội kêu ông anh họ của tôi hái gần chục trái dừa khô để làm mứt. Sau khi anh tôi lột vỏ, bổ đôi trái dừa và lấy phần cơm, nội liền bào mỏng thành những sợi dài rồi mang ra phơi nắng giây lát cho ráo nước. Tôi được nội giao nhiệm vụ dùng lá và vỏ dừa khô để nhóm lửa sên mứt. Những cái chảo to được đặt lên mấy cái bếp ba chân làm bằng đất nung. Khi vừa nóng chảo, nội liền cho nước và đường kèm thêm một ít muối rồi trộn đều. Mãi đến tận bây giờ, tôi vẫn không sao quên được cái cảm giác khó chịu nhưng lại rất thú vị khi mắt và mũi bị lá dừa hun khói mù mịt.

Chùa Vĩnh Tràng lối kiến trúc Đông - Tây tuyệt đẹp nổi tiếng ở Tiền Giang

Khi thấy nước đường sền sệt, nội liền cho cơm dừa đã bào sẵn vào rồi dùng cái xẻng nhôm đảo qua đảo lại. Sau cả mấy tiếng đồng hồ ngồi canh, chỉ đến khi lượng nước đường trong chảo sắp cạn, nội mới lấy ống vani và màu tự nhiên được làm bằng lá dứa, trái gấc hay lá cẩm cho vào tiếp tục đảo. Đến lúc nước đường đã đặc quánh, kết tinh thành những hạt nhỏ, mịn bám dính vào những sợi dừa đủ màu sắc cùng mùi thơm phức thì ai cũng muốn thưởng thức. Trong đó, tôi thích nhất được ăn những sợi mứt dừa còn dính trên chảo, bởi vì ngoài cái mùi vani thì vẫn còn một thứ mùi vị “ngon khó cưỡng”, đó chính là cái mùi khen khét rất hấp dẫn.

Buổi chiều, anh em chúng tôi được tự do ra sân banh trước nhà nội để cùng đám bạn chơi đánh trỗng hay chui vào các ụ rơm trốn tìm. Những tiếng cười khanh khách vang vọng, đánh động cả làng quê yên tĩnh, quyện cùng cái mùi rơm rạ xen lẫn mùi mồ hôi thơ trẻ, đó cũng chính là những hương vị đặc trưng rất riêng.

Tôi vẫn còn nhớ như in, khi tôi còn ở bậc tiểu học, quê nội lúc bấy giờ vẫn chưa có điện. Hầu như nhà nào cũng dùng đèn dầu. Tối đến, sung sướng nhất là được nằm bên nội, nghe nội kể về những ngày tháng chiến tranh, ông nội đi tập kết, một mình bà ở nhà tần tảo buôn gánh bán bưng nuôi 3 con nhỏ ăn học nên người, lại vừa âm thầm nuôi giấu và tiếp tế lương thực cho lực lượng cán bộ cách mạng bí mật hoạt động tại địa phương. Theo những lời kể của nội, tình yêu quê hương, đất nước trong tôi cứ lớn dần theo năm tháng...

Thưởng thức mứt dừa ngày xuân

Sau này, khi tôi lên cấp 3 hay đã học lên đại học rồi ra trường đi làm, ngày 30 Tết hằng năm, tôi luôn đảm nhận công việc phụ nội lau dọn và trang hoàng bàn thờ ông bà tổ tiên, rồi đợi khi nội nấu đồ cúng xong thì dọn lên bàn thờ và cũng không quên thêm hai mâm cúng thổ thần đất đai, vong linh chiến sĩ vì nước tử trận để nội khấn vái, cúng lễ. Tầm khoảng 9 giờ sáng, nội cúng xong cũng là thời điểm các con, cháu tụ hội về nhà đông đủ.

Chiều lại, tôi xin phép nội và ba mẹ cho chạy xe ra thị xã để cùng những đứa bạn học cũ viếng thăm thầy cô cũ, rồi kéo nhau đi ăn uống, chơi hội chợ, rồi viếng chùa để xin xăm hái lộc đầu năm. Sau một năm miệt mài học hành, làm việc hăng say, Tết nhất chính là cơ hội giúp bạn bè chúng tôi được dịp gặp nhau, cùng hàn huyên ôn lại những kỷ niệm vui buồn của những ngày còn hồn nhiên cắp sách đến trường.

Biển Gò Công

Bất chợt nhìn chiếc đồng hồ trên tay đã điểm 22 giờ, tôi vội vàng chào tạm biệt mấy đứa bạn để chạy về nhà nội đón giao thừa. Mất khoảng 15 phút băng mình dưới tiết trời se lạnh, tôi cũng kịp về tới nhà khi bà nội, ba mẹ và cả nhà vẫn còn thức xem chương trình đón giao thừa trên Đài truyền hình TP.Hồ Chí Minh với tiết mục “Đưa ông Táo về trời”. Vừa tán gẫu cùng cả nhà về quang cảnh hội chợ, vừa thưởng thức món mứt dừa ngon tuyệt do nội và tôi cùng bỏ công sức cả nửa ngày trời.

Lúc này, ngoài sân banh phía trước nhà nội tôi, mười mấy đứa bạn, em, cháu đồng hương đã chuẩn bị sẵn hội lễ trại đón giao thừa mà tụi nó đã cất công chuẩn bị làm từ xế chiều. Không ai bảo ai, người thì bày biện chén dĩa, kẻ loay hoay chạy lấy bia, nước đá, người thì về nhà lấy “mồi”, nhà ai có gì đều mang ra cho mọi người cùng thưởng thức. Khi ngọn lửa bập bùng, đó cũng chính là thời điểm chúng tôi cùng nhau quây quần ngồi sinh hoạt ca hát, tâm sự mà chỉ có trong ba ngày Tết…

Thêm một năm cũ nữa sắp bước qua, lòng tôi lại thấy bồi hồi khôn tả. Không biết Tết này mình có được về quê nội đón giao thừa không bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Và bao ký ức tươi đẹp lại ùa về xen lẫn một điều kỳ vọng xa xôi. Mong rằng Tết này non nước mình được bình an, dịch bệnh kiểm soát tốt để tôi được về thăm quê nội sau bao ngày xa nhớ!

Bình luận (0)

Lên đầu trang