Gió cấp 8 "thổi bay" 50 tỷ đồng thiệt hại cây xanh tại Huế

Thứ Sáu, 25/09/2020 10:59  | Hoàng Quân

|

(CAO) Dù bão số 5 chỉ mạnh cấp 6-8 khi đổ bộ nhưng Thừa Thiên – Huế thiệt hại rất nặng, ước tính 505 tỷ đồng; riêng 15.000 cây xanh gãy đổ đã thiệt hại hơn 50 tỷ đồng.

Bão không lớn nhưng thiệt hại 505 tỷ đồng

Bão số 5 đã qua một tuần nhưng dư âm để lại quá lớn, dấu hỏi về việc vì sao bão không lớn, mới cấp 8 nhưng Thừa Thiên – Huế thiệt hại đến "không tưởng", đặc biệt về hệ thống điện và xây xanh.

Vào sáng 18-9, PV ghi nhận trên các tuyến đường ở TP.Huế, rất nhiều người dân và phương tiện vẫn vô tư di chuyển mặc dù mưa gió quần quật và có hàng trăm cây xanh gãy, đổ ra đường. Theo dự báo thì bão số 5 đổ bộ vào từ Quảng Bình đến Đà Nẵng vào trưa 18-9. Thực tế, từ khoảng 8 giờ, tại Thừa Thiên - Huế đã xuất hiện gió mạnh cấp 8, giật cấp 11.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thăm gia đình có nhà bị tốc mái.

Ảnh hưởng của bão, Thừa Thiên - Huế thiệt hại rất nặng nề: 4 người tử vong (2 người bị cây gãy đổ đè lên khi đi đường, 2 người do ngã khi chằng chống, lợp lại mái nhà), 95 người bị thương; 21.000 nhà tốc mái, 10 nhà sập; 20 phòng học hư hỏng; 439ha rau màu; cây rừng 1.130ha; cao su 863,5ha; 300ha cây ăn quả… gãy đổ, hư hại; 38,8ha nuôi thủy sản bị ảnh hưởng. 43 tuyến cáp quang đứt gián đoạn liên lạc; 721 trạm BTS mất điện, mất liên lạc; hệ thống điện hư hại nghiêm trọng: 408 cột điện gãy, đổ… TP.Huế có khoảng 15.000 cây xanh bị gãy đổ. Ước thiệt hại do bão số 5 tại Huế khoảng 505 tỷ đồng.

Tỉnh đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 150 tỷ đồng và sử dụng kinh phí địa phương hỗ trợ người dân, khôi phục hạ tầng dân sinh, sớm đưa các hoạt động trở lại bình thường. Sau bão, ngoài chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban ngành cùng các địa phương về cơ sở chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 5; kêu gọi một cuộc “tổng động viên” sự vào cuộc của các cấp, các ngành và nhân dân để khắc phục hậu quả.

Lần đầu tiên sau mấy chục năm, Huế thiệt hại về cây xanh rất lớn. Riêng tại TP.Huế với gần 15.000 cây bị gãy, đổ, toác cành, cây trong vườn ươm hư hại…, ước thiệt hại 50 tỷ đồng. Trong đó cây cổ thụ gần 500 cây: đa, bồ đề, lim xẹt, phượng vàng… Rất nhiều cây xanh được trồng ở vị trí cạn, phần rễ nhiều cây đã hư hỏng; nhiều cây đã già, chết một phần thân, rễ. Phần lớn cây xanh ở TP.Huế tán rất rộng, xum xuê cành lá, không được cắt tỉa trước bão.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cây dễ bị đổ ngã khi gặp gió lớn và thực tế nó đã gây hậu họa đáng tiếc khi trong 4 người tử vong có 2 người bị cây ngã đè và hàng chục người trong số 95 người bị thương do cây ngã.

Bão số 5 làm nhiều cây xanh tại TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế gãy đổ khiến nhiều người thương vong.

Mổ xẻ nguyên nhân thiệt hại

Việc thực hiện cắt cây, tỉa cành trước khi bão cơn bão được dự báo có cường độ rất mạnh là rất cần thiết, phải nghiêm túc được thực hiện để hạn chế sức nặng của cây nhưng thực tế không phải như vậy.

Ông Lê Như Chinh – Giám đốc Công ty công viên cây xanh Huế cho biết: “Nguyên nhân cây xanh gãy, đổ, thiệt hại nhiều do bão diễn biến khó lường, gió đi theo luồng, chủ yếu ở phía bờ Bắc, cây xanh dọc đường bám sát dọc sông Hương từ chùa Thiên Mụ (đường Nguyễn Phúc Nguyên) về chợ Đông Ba (đường Lê Duẩn); cây xanh trên các tuyến đường quanh Đại nội Huế như: Lê Huân, Đường 23 Tháng 8, Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân… nhưng ở cây trong Đại nội Huế lại không bị. Toàn thành phố khoảng 65.000 cây thì có nhiều cây có tán rộng lớn, việc cắt tỉa cũng được thực hiện thường xuyên nhưng không thể hết được”.

Cây xanh đổ ngã nhiều cũng là nguyên nhân chính khiến hàng loạt cột điện gãy, đổ bất thường dù các cột điện đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, được thiết kế chịu sức gió cấp 12. Sau bão 3 – 4 ngày, chính quyền, ngành chức năng, các lực lượng vũ trang và nhân dân mới cơ bản dọn dẹp xong số cây xanh bị gãy đổ.

Cây xanh đổ ngã nhiều cũng là nguyên nhân chính khiến hàng loạt cột điện gãy, đổ bất thường

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, nguyên nhân bão không lớn nhưng thiệt hại rất nặng nề: “Thứ nhất, nhiều năm qua tỉnh không hứng chịu những cơn bão nên có tình trạng chủ quan trong dân; thứ hai là bão cũng đặc thù, đến và tan nhanh. Vì vậy, từ công tác chuẩn bị và ứng phó với bão lần này chính quyền, các sở, ngành cần phải nhìn nhận, đánh giá toàn diện về công tác dự báo, cảnh báo, công tác ứng phó với bão,.. để từ đó khắc phục những tồn tại, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi mưa bão xảy ra”.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến có tình trạng chủ quan trong nhân dân là công tác dự báo bão vào đất liền có phần chưa chính xác. Ban đầu bão được dự báo có cường độ mạnh, các tỉnh, thành rất chú trọng thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống.

Theo dự báo, thời điểm bão đổ bộ vào tầm 11 giờ trưa ngày 18-9 nhưng ngay từ 8 giờ 30 tỉnh Thừa Thiên - Huế xuất hiện gió mạnh và sau đó bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Trong khi đó, vào thời gian này nhiều người dân vẫn đi lại bình thường dẫn đến thiệt hại rất nặng nề. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế mong muốn hệ thống khí tượng thủy văn phải đúng hơn, có như thế lãnh đạo địa phương mới đưa ra những phản ứng kịp thời.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thăm hỏi người dân bị thương do ảnh hưởng của bão số 5.
nhiều cây xanh tại TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế gãy đổ khiến nhiều người thương vong.

Lỗi dự báo dẫn đến có sự chủ quan trong nhân dân dẫn đến những trường hợp thương vong đau lòng khi nhiều người vẫn đi lại ngoài đường trong lúc bão đến. Như trường hợp anh Nguyễn Đức B. (SN 1971, ngụ P.Phú Hội, TP.Huế) – chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Huế vào sáng 18-9 ở cơ quan để phòng chống bão số 5 thì nhận được tin báo của người thân là gió, mưa lớn làm mái nhà hư hỏng, nước tràn vào nhà nên điều khiển xe máy trở về kiểm tra.

Khi đi đến đường Nguyễn Công Trứ, nơi chỉ cách nhà mình khoảng 50m thì cành cây lớn gãy rơi trúng người. Anh B. bị thương nặng được đưa đến Bệnh viện TƯ Huế cấp cứu. Tối 19-9, anh B. tử vong vì chấn thương đốt sống cổ quá nặng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang