TPHCM: Vì sao nhiều hầm chui và cầu vượt bộ hành "ế" khách?

Thứ Hai, 21/11/2022 09:33  | Hải Văn

|

(CATP) Nhằm giúp cho người dân đi ngang đường được an toàn, TPHCM đã xây dựng hàng chục cầu vượt bộ hành và nhiều hầm chui bộ hành khang trang, trị giá hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, thay vì sử dụng những công trình công cộng này, nhiều người dân lại đi bộ ngang đường nơi không có vạch dành cho người đi bộ, trèo qua con lươn, luồn lách giữa dòng xe cộ xuôi ngược đông đúc. Điều này không chỉ gây lãng phí công trình công ích mà còn dẫn đến kẹt xe, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Cầu vượt bộ hành "ế" chỏng chơ

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, thành phố hiện có 22 cầu vượt bộ hành, chủ yếu gần các bệnh viện, công viên, tuyến đường lớn như Đại lộ Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng... Tuy nhiên, chỉ có 8 cầu được người dân sử dụng thường xuyên, số còn lại hiệu quả rất thấp.

Trước đây, trên QL1A, đa số người đi bộ trước trụ sở Công ty Mitsubishi Motors (TP.Thủ Đức) phải đi ngang dòng xe cộ rồi chui rào hoặc trèo qua con lươn để sang bên kia đường. Nhằm bảo đảm cho người dân đi lại an toàn, thành phố cho xây dựng cầu vượt bộ hành Sóng Thần bắc ngang QL1A, xây bằng bê-tông, khung thép, nền lát gạch, bên trên có mái che và lan can.

Thế nhưng cầu này có rất ít người qua lại. Lâu lâu, một số người sử dụng cầu làm chỗ ngủ. Dù mới xây, nhưng cầu bị mất một số nắp chắn rác. Cách đó nửa cây số, cầu vượt bộ hành trước Chợ đầu mối Thủ Đức (TP.Thủ Đức) cũng chẳng khá hơn. Cây cầu cao ráo, hiện đại, nhưng thi thoảng mới có người đi.

Là đại lộ nội đô đẹp nhất TPHCM, Đại lộ Phạm Văn Đồng có tới 5 cầu vượt bộ hành, tuy nhiên hầu hết rơi vào tình trạng "ế" khách. Khảo sát tại Cầu vượt bộ hành số 5 trên đường này, năm thì mười họa mới có một người đi qua. Trong khi đó, cầu đang dần xuống cấp với thời gian, các bậc thang lún phún rêu mốc, lá cây rụng thành lớp, rác rưởi vứt lung tung.

Cách đó không xa, Cầu vượt bộ hành số 4 gần như "trùm mền", đọng nước, rêu mốc mọc thành từng mảng đen sì; lan can được một số người tận dụng để phơi quần áo, gây mất mỹ quan đô thị. Tương tự, việc tận dụng công năng của các Cầu vượt bộ hành từ số 1 đến số 3 trên đại lộ này cũng không như mong đợi.

Nhiều người dân đi tắt ngang dòng xe cộ lưu thông

Được xây dựng khang trang, hiện đại, nhưng hàng loạt cầu vượt bộ hành trên Đại lộ Võ Văn Kiệt không chỉ "ế" mà còn xuống cấp, nhếch nhác, có nhiều người lang thang tụ tập tại đây. Cầu vượt bộ hành số 9 trước chợ Hòa Bình (Q5) rất vắng vẻ. Nhiều chân vòm hoa gắn trên cầu bị gỉ sét, hoai mục.

Tại các Cầu vượt bộ hành số 5, 6, 7, chân cầu nhiều chỗ bị nứt, mặt cầu xuống cấp, bong tróc, rác rưởi, chai lọ, quần áo rách vương vãi. Không chỉ "trùm mền", Cầu vượt bộ hành số 2 trên Đại lộ Võ Văn Việt còn bị một số đối tượng lấy cắp lan can, cắt trộm ống nước, dây điện, công tắc điện. Một số hộp điện trên cầu còn có rác là... kim tiêm (!).

Chị Nguyễn Thị V. (ngụ Q8) cho biết, nhiều lần đi bộ qua cầu vượt bộ hành trên Đại lộ Võ Văn Kiệt, chị rất sợ vì gặp các đối tượng lạ, chân tay xăm trổ, nhìn chị chằm chằm. Tại Cầu vượt bộ hành số 7, chúng tôi gặp một số người đàn ông dáng gầy gò, mặt mày hốc hác tụ tập. Nhiều cầu vượt bộ hành khác như: Cầu vượt bộ hành số 1, số 2 trên Xa lộ Đại Hàn (H.Bình Chánh), trên đường Quang Trung, ngay Công viên Gia Định (Q.Gò Vấp), trước Bến xe Ngã Tư Ga (Q12), Văn Thánh (Q.Bình Thạnh)... cũng lâm vào cảnh đìu hiu như buổi chợ chiều.

Được xây dựng ở vị trí đắc địa sát cổng Bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân), nhưng cầu vượt bộ hành tại đây có rất ít người sử dụng. Anh Nguyễn Văn Hoàng (tài xế xe khách chạy tuyến TPHCM - Cần Thơ) ngao ngán: "Vào giờ cao điểm, khi lái xe qua Bến xe Miền Tây, cánh tài xế phải căng mắt ra nhìn. Nhiều người dân thản nhiên băng qua trước đầu xe khách, lỡ không may rơi vào "điểm mù” mà mình không quan sát được thì rất nguy hiểm, lơ mơ cán chết người như chơi". Tuy ít khách bộ hành qua lại, nhưng trên cầu lại có nhiều chai lọ, ly nhựa, hộp xốp, chăn, nệm cũ vứt bừa bãi, trông rất nhếch nhác.

Ngay cả những cầu vượt bộ hành thiết kế rất hiện đại cũng không được mấy người sử dụng. Được xem là cầu vượt bộ hành hiện đại nhất TPHCM với 2 thang máy gắn 2 bên, cầu vượt bộ hành trước cổng Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh) cũng lâm cảnh "ế ẩm". Dưới chân cầu vượt còn có nhiều gánh hàng rong, xe ôm, xích lô, taxi..., càng khiến tình trạng giao thông thêm lộn xộn. Tương tự, cầu vượt bộ hành trước cổng Bệnh viện Bình Dân (Q3) cũng vắng vẻ. Khi chúng tôi hỏi vì sao không đi cầu vượt qua đường cho an toàn, nhiều người thản nhiên nói: "Chỉ có mấy bước chân là qua bên kia, vòng lên cầu chi cho mất công!".

Hầm chui bộ hành xuống cấp, mất thiết bị

Hầm chui bộ hành thành… chợ tự phát

TPHCM hiện có 5 hầm chui bộ hành. Trong đó, có 2 hầm dành cho người đi bộ và xe máy, gồm: Hầm chui bộ hành Linh Trung (TP.Thủ Đức), Hầm chui bộ hành Tân Tạo (Q.Bình Tân). Ba hầm còn lại gồm các hầm Bình Thuận 1, 2, 3 dành cho người đi bộ. Tương tự cầu vượt bộ hành, nhiều hầm chui bộ hành nếu không "ế" thì cũng bị biến thành nơi họp chợ tự phát.

Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam thành phố, cụm hầm chui bộ hành tại nút giao Bình Thuận - đoạn QL1A giao với Đại lộ Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh) được xây dựng nhằm giúp người dân qua đường thuận tiện. Mỗi hầm dài khoảng 50m, rộng 5m, cách nhau khoảng 200m. Thay vì sử dụng công năng của các công trình tiền tỷ này, nhiều người lại chọn cách băng ngang đường.

Khảo sát tại các hầm chui bộ hành này cho thấy, nhiều thanh chắn lan can ở lối lên xuống bị gãy, mất quả cầu inox bảo vệ. Lối đi cho người khuyết tật dựng đứng, không có chỗ vịn nên rất trơn trượt, vôi vữa lem nhem dọc lối đi. Bên trong hầm, hệ thống đèn điện khá tù mù, không đủ sáng nên nhiều người không dám đi. Nhiều quạt gió lâu ngày không hoạt động đã hoen gỉ, bụi bặm, mạng nhện. Nhiều chỗ trong hầm chui bị nứt nẻ, sụp lún, xảy ra cả tình trạng phóng uế bừa bãi. Tuy ít khách bộ hành qua lại, nhưng hầm chui lại là nơi ưa thích của một số đối tượng dùng làm chỗ ngủ hoặc nghỉ ngơi.

Hầm chui bộ hành Tân Tạo trước Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân) lại bị nhiều người chiếm dụng làm chợ tự phát, buôn bán bát nháo. Vào giờ cao điểm, Hầm chui bộ hành Tân Tạo và các khu vực lân cận có hàng chục người bán hàng rong, xe đẩy, xe ba gác... bày la liệt hàng hóa, từ quần áo, giày dép, nón, mỹ phẩm đến thực phẩm (thịt, cá, rau củ quả).

Người bán không chỉ chen chúc hai bên lối vào hầm hầm mà còn choán hết lối dành cho xe máy lẫn khách bộ hành, gây kẹt xe nghiêm trọng. Nhiều người tràn ra giữa hầm để mời gọi, chèo kéo hoặc dùng loa mini phát ra rả quảng cáo sản phẩm và giá cả các mặt hàng. Người mua, kẻ bán còn vất đủ loại rác (bịch nylon, rơm, cỏ...). Những người bán thủy hải sản còn đổ nước thải tanh tưởi, hôi thối.

Được biết, chính quyền địa phương thường xuyên cử lực lượng kiểm tra, xử lý những người buôn bán chiếm dụng đường và hầm chui đường bộ. Khi thấy lực lượng chức năng, người bán hàng rong, xe đẩy vội vàng thu dọn hàng hóa di chuyển đến chỗ khác để trốn tránh, chờ lực lượng chức năng đi khỏi thì dọn ra buôn bán tiếp. Do đó, viiệc dẹp bỏ chợ tự phát gặp không ít khó khăn. Theo các chuyên gia giao thông, để những công trình cầu vượt và hầm chui bộ hành phát huy công năng, cần xử lý những đối tượng đáng ngờ tụ tập tại đây, đặc biệt là có giải pháp hợp lý để người dân tăng cường sử dụng cầu vượt và hầm chui bộ hành.

Bình luận (0)

Lên đầu trang