TIỀN TỶ "BỐC HƠI"
Cũng là một nạn nhân, bà Nguyễn Thị Nga (ngụ Bình Dương) cho biết, bà được một số bạn bè mời góp vốn vào "Dự án Hoàng Gia". Theo người giới thiệu, đây là tập đoàn lớn, kinh doanh đa ngành nghề, đầu tư góp vốn sinh lợi nhuận rất cao nên bà tham gia 2 gói đầu tư với tổng số tiền là 527 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay bà chưa nhận được đồng nào, trong khi Cty Hoàng Gia thông báo gặp khó khăn về tài chính.
Bà Nga cho biết, Cty Hoàng Gia đưa ra cách tính lãi cho người đầu tư như sau: tham gia những gói lớn, không cho đồng tiền "chết" mà tiếp tục lấy số tiền được trả hằng kỳ tham gia vào các gói nhỏ hơn thì chỉ sau thời gian ngắn sẽ có lãi gấp 3-4 lần. Ví dụ, tham gia gói 660 triệu đồng thì sau 46 ngày sẽ được lấy tiền lãi 330 triệu đồng. Và nhà đầu tư tiếp tục dùng số tiền này tham gia gói 260 triệu đồng, gói 48 triệu đồng thì lại sinh lợi nhuận. Nghĩ rằng được trả lãi cao và nhiều ưu đãi khác, nhiều người đã cho Công ty Hoàng Gia vay với số tiền lớn. Nếu gói lớn mà mình xoay vòng không cho đồng tiền "chết" thì có thể lời gấp 3 đến gấp 4 lần, nên nhiều người say mê, đông người tham gia, giới thiệu rồi rủ rê người này người kia bỏ tiền ra cho Cty Hoàng Gia vay.
Đỗ Thanh Tâm thuyết trình và tôn vinh "ảo" nhà đầu tư
Tương tự, bà Nguyễn Ngọc Bảo Châu (ngụ TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đầu tư vốn tại Cty Hoàng Gia từ tháng 3-2018 đến nay tham gia 8 gói đầu tư với tổng số tiền 2,3 tỉ đồng. Theo thỏa thuận, Tập đoàn Hoàng Gia phải trả cho bà Châu tổng cộng hơn 4,2 tỉ đồng cả gốc và lợi nhuận nhưng hiện mới trả được 500 triệu đồng. Bà Châu cho rằng, với việc huy động vốn theo hình thức đa cấp, Tập đoàn dự án Hoàng Gia đã có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tính đến nay đã có hàng ngàn người dân của 24 tỉnh, thành là nạn nhân đứng ra tố cáo ông Đỗ Thanh Tâm với cơ quan chức năng vì đã chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng.
Theo người dân, Công ty Hoàng Gia hợp đồng vay tiền của họ theo nhiều gói khác nhau từ 12 triệu cho đến 3 tỉ đồng. Mỗi gói là một mức độ ưu đãi về lãi suất, chế độ thưởng khác nhau. Nhà đầu tư càng đóng nhiều tiền thì tiền lời và ưu đãi càng lớn. Còn những ai tham gia vào hệ thống nhân sự của Công ty Hoàng Gia, mời rủ thêm được nhiều người khác cùng tham gia thì sẽ được thăng hạng danh hiệu do công ty tự đặt như: cộng tác viên, đại lý, phó nhóm, trưởng nhóm, quản lý, tổng quản, thưởng tiền và hiện vật. Càng giới thiệu được nhiều người tham gia vào hệ thống thì càng được lên hạng và họ sẽ được công ty trả hoa hồng cao khi được thăng hạng.
Bất ngờ vào ngày 23-3, ông Đỗ Thanh Tâm mời hơn 400 nhà đầu tư tới nhà hàng Victory (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) tuyên bố công ty gặp sự cố máy tính, bị hacker đột nhập lấy mất dữ liệu nên chậm trả lãi cho nhà đầu tư. Cuộc họp trở nên ồn ào rồi suýt xảy ra xô xát, Công an Đắk Lắk đã yêu cầu 2 lãnh đạo của Cty Hoàng Gia về trụ sở lấy lời khai, đối chất với những người tố cáo. Sau đó, ông Tâm liên tục livestream trên group chat, nhắn các nhà đầu tư muốn được trả một phần nợ gốc thì nhanh chóng rút đơn, nếu không sẽ mất hết.
Các nhà đầu tư tham gia Dự án Hoàng Gia
"TRÙM" ĐA CẤP SA LƯỚI
Theo bà Nguyễn Hương Liên, Cty Hoàng Gia do ông Đỗ Thanh Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc - làm chủ có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn người, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng nhưng ông Đỗ Thanh Tâm và các "chân rết" vẫn chưa bị khởi tố khiến dư luận bức xúc. Được biết, Tập đoàn Hoàng Gia đặt chi nhánh, văn phòng đại diện ở 24 tỉnh, thành với gần 30 đơn vị kinh doanh. Đầu năm 2016, Đỗ Thanh Tâm lập ra Công ty TNHH Dự án Hoàng Gia bắt đầu huy động vốn. Khi huy động được số tiền lớn, công ty này đổi tên thành Tập đoàn dự án Hoàng Gia.
Theo tài liệu mà công an thu thập, tính đến nay đã có trên 10.000 người ở 24 tỉnh, thành là nạn nhân của Đỗ Thanh Tâm với tổng số tiền đã huy động được khoảng 2.800 tỉ đồng. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Đỗ Thanh Tâm cùng đồng bọn diễn ra ở nhiều địa phương, số lượng nạn nhân đứng ra tố cáo lên tới hàng ngàn người. Đây là vụ việc có quy mô quá lớn, tính chất phức tạp, rất cần Bộ Công an thụ lý.
Ngày 19-10, một lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Lắk cho biết cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra tin báo về tội phạm tại Công ty CP Tập đoàn Dự án Hoàng Gia có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, gần 700 lá đơn của người dân Vĩnh Long, Bình Dương, Đắk Lắk gửi đến cơ quan ANĐT mới thể hiện số tiền góp vốn khoảng gần 1.000 tỉ đồng, trong đó khoản tiền Tâm còn nợ họ chỉ 300 tỉ đồng. Trong khi đó, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can càng sớm càng tốt nhằm ổn định trật tự trị an, đồng thời cũng tránh để các đối tượng có thời gian dài ở bên ngoài tẩu tán tài sản. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ án đang tạm dừng để chờ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thu thập toàn bộ dữ liệu của Cty Hoàng Gia trên máy chủ, sau đó Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ khôi phục lại vụ án.
Tại các buổi livestream và các buổi triệu tập lấy lời khai, Đỗ Thanh Tâm thừa nhận mọi hoạt động của Cty Hoàng Gia đều do Tâm điều hành. Xác minh qua 9 tài khoản cá nhân tại ngân hàng đứng tên Đỗ Thanh Tâm, và 1 tài khoản ngân hàng đứng tên Cty Hoàng Gia cho thấy lượng tiền "góp vốn" đổ vào 10 tài khoản này lên đến 2.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, tại website lưu trữ thông tin của Cty Hoàng Gia có địa chỉ IP của máy chủ đặt tại Hoa Kỳ thì Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho rằng, Công ty cung cấp dịch vụ Vultr Holdings Corporation thông báo với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ là không lưu được gì tại địa chỉ IP này vì... dữ liệu đã bị xóa khỏi máy chủ từ trước đó. Do hết thời hạn điều tra, giải quyết tin báo nên ngày 27-7, Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định tạm đình chỉ vụ án sau khi đã khởi tố.
Đinh Xuân Thư thuyết trình kêu gọi nhà đầu tư đổ tiền vào Dự án Hoàng Gia
Trong một diễn biến khác, mới đây Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Thông báo truy tìm các nạn nhân liên quan đến vụ án Nguyễn Khắc Đồi cùng đồng bọn sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện chiếm đoạt số tiền lớn. Theo điều tra ban đầu: tháng 10-2018, Nguyễn Khắc Đồi thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn Thời gian Vàng (gọi tắt là Công ty Gold Time; địa chỉ số 42/1A Nguyễn Minh Hoàng, phường 12, quận Tân Bình, TPHCM). Người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Khắc Đồi, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc. Các cổ đông sáng lập, gồm: Lâm Thanh Phong, Trương Hoàng Ngọc Diệp, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Bàn Văn Dũng (tuy nhiên các cổ đông chỉ tham gia trên danh nghĩa nhưng không có tiền góp vốn thực tế).
Sau khi thành lập, Công ty Gold Time không tổ chức hoạt động kinh doanh mà chỉ tiến hành huy động vốn bằng hình thức lôi kéo, kêu gọi các cá nhân (nhà đầu tư) nộp tiền để trở thành thành viên tham gia mạng lưới công ty và hưởng các quyền lợi công ty đưa ra. Sau đó, nhà đầu tư tiếp tục lôi kéo, kêu gọi người khác tham gia để hưởng lợi nhuận từ "hoa hồng" và tiền thưởng, bán "cổ phiếu nội bộ" của công ty cho người tham gia khác (thực chất là lấy tiền người tham gia sau để trả lương và "hoa hồng" cho người tham gia trước).
Với mô hình hoạt động như trên, chỉ tính từ tháng 10-2018 đến nay, đã có hơn 360.000 thành viên đăng ký hệ thống Công ty Gold Time với 640.575 gói đầu tư. Trong đó có 281.450 gói đầu tư nộp tiền thật vào công ty với tổng số tiền hơn 840 tỉ đồng. Ngoài ra, còn nhiều nhà đầu tư nộp tiền mua "cổ phiếu nội bộ" của Công ty Gold Time đang được cơ quan điều tra làm rõ. Đến thời điểm này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can, bắt tạm giam 7 bị can về hành vi "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện chiếm đoạt tài sản".
Qua điều tra, Nguyễn Khắc Đồi khai đã lợi dụng danh nghĩa công ty để mua nhà đất, ôtô, gửi tiết kiệm và các chi phí khác cho cá nhân (khoảng 200 tỉ đồng), đều là tiền của nhà đầu tư "phân quyền" và "cổ phiếu nội bộ". Để phục vụ yêu cầu điều tra, xử lý tội phạm và đảm bảo quyền lợi cho các nạn nhân đã bị Công ty Gold Time chiếm đoạt, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị các nạn nhân liên hệ cung cấp tài liệu, chứng cứ để được hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết. Liên hệ: phòng 5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an số 47, Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội, gặp điều tra viên Trịnh Nguyên Đạt và Lê Ngọc Cương, ĐT: 0983.539724 và 0944.121726.
(CATP) Không dừng lại ở chuyện bán một vài món hàng với giá cao để lấy tiền của người sau trả cho người trước, hiện nay các công ty đa cấp còn về tận các vùng nông thôn hẻo lánh để "tấn công" khoản tiền nhàn rỗi trong dân.