Khu nhà trọ tự quản của đồng bào dân tộc thiểu số - một cách làm hay

Thứ Tư, 09/02/2022 13:12  | Nguyễn Hiếu

|

(CATP) Theo chân anh công an khu vực, chúng tôi đến thăm Khu nhà trọ tự quản về an ninh trật tự (ANTT) của đồng bào dân tộc thiểu số người Chăm tại ấp Bến đò 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM. Tiếp chúng tôi, ông Du Số (SN 1957, quê An Giang, người quản lý khu trọ) vui vẻ cho biết: "Đã 12 năm qua, vợ chồng tôi và 7 người con hiện đã lập gia đình và cùng sinh sống tại khu nhà trọ này đều an cư lạc nghiệp, cuộc sống ổn định. Cả nhà tôi từ già tới trẻ đều xem nơi đây chính là quê hương thứ hai của mình...".

Hiện có 2 dãy trọ với khoảng 24 phòng và hơn 80 nhân khẩu sinh sống tại đây; đa số người trẻ thì đi làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp trong khu công nghiệp; còn người già thì đi giúp việc nhà hay lao động, mua bán tự do...

Nói về mô hình "Câu lạc bộ (CLB) quản lý nhà trọ tự quản về ANTT", một chương trình tâm huyết của Đảng ủy, UBND và Công an (CA) xã suốt nhiều năm qua, đại úy Lương Hoàng Tâm - Trưởng CA xã Tân Phú Trung - chia sẻ: "Trước tình hình khu công nghiệp Tân Phú Trung hình thành, thu hút mạnh đầu tư, kéo theo đó là số dân nhập cư ngày càng tăng, để góp phần đảm bảo ANTT tại các khu nhà trọ trên địa bàn 4 ấp: Bến đò 1, Bến đò 2, ấp Giữa và ấp Trạm Bom, từ đầu năm 2013 đến 2017, Ban chỉ huy CA xã Tân Phú Trung đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo thành lập CLB quản lý nhà trọ ở các ấp trên, trong đó đáng chú ý là CLB quản lý nhà trọ người dân tộc thiểu số ở ấp Bến đò 1 và Bến đò 2 nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương và các Mạnh thường quân trong suốt thời gian qua...

Mô hình hướng đến mục đích trọng tâm là tuyên truyền giúp người lao động (NLĐ), công nhân (CN) ở trọ nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ, xác định được trách nhiệm của mình trong thực hiện các quy định về quản lý cư trú, để từ đó vận động họ tham gia, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức thực hiện tốt yêu cầu quản lý cư trú trên địa bàn"...

Hỗ trợ điện thoại di động giúp học sinh đồng bào dân tộc thiểu số người Chăm học online tại nhà

Theo đó, Ban chủ nhiệm các CLB quản lý nhà trọ có nhiệm vụ nắm tình hình về ANTT trong các khu nhà trọ và có trách nhiệm giải quyết hoặc trình báo ngay cho cơ quan CA những vụ việc xảy ra gây ảnh hưởng đến ANTT để có hướng giải quyết, xử lý kịp thời. Ban chủ nhiệm khu nhà trọ tự quản về ANTT sẽ tham gia hòa giải mâu thuẫn giữa những người ở trọ, không để ảnh hưởng đến ANTT...

Bên cạnh đó, Ban chủ nhiệm các khu nhà trọ tự quản phải có ý thức trách nhiệm xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong các khu nhà trọ; đồng thời thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin với CA ấp, tổ nhân dân để được tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các loại tội phạm nhằm giúp CN và NLĐ nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm...

Theo đại úy Tâm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thấu hiểu được sự khó khăn của CN và NLĐ ở trọ, thông qua vận động của CA xã, các thành viên CLB quản lý nhà trọ tự quản về ANTT đã tích cực tham gia hỗ trợ giảm giá tiền thuê phòng và hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu với tổng trị giá trên 2 tỷ đồng.

Công an xã Tân Phú Trung thăm hỏi, động viên bà con dân tộc thiểu số người Chăm tại khu nhà trọ tự quản về an ninh trật tự ở ấp Bến đò 2

Ông Nguyễn Văn Cửu - Bí thư, Trưởng ấp Bến đò 2 - cho biết: "Hiện trên địa bàn ấp có 350 người tạm trú là đồng bào dân tộc thiểu số người Chăm, Khơ-me sống tập trung ở 2 khu nhà trọ cộng đồng ở tổ 7 và 9. Trong đó, đồng bào người Chăm tạm trú tại đây đã lâu, sống rất hiền lành, hòa đồng, chăm chỉ lao động, có ý thức giữ vệ sinh chung và đảm bảo tốt ANTT tại địa phương.

Để chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống với bà con dân tộc thiểu số người Chăm đang tạm trú tại địa phương, ngoài việc chăm lo hỗ trợ lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm, giúp bà con vượt qua đại dịch Covid-19 vừa qua, chính quyền địa phương xã, ấp còn chủ động phối hợp với các trường vận động Mạnh thường quân hỗ trợ điện thoại di động cho 80 học sinh người Chăm có hoàn cảnh khó khăn để các em học online tại nhà.

Ông Du Số bày tỏ sự phấn khởi: "Ở đây, hễ thấy con cháu trong cộng đồng có biểu hiện sai trái thì mình nhắc nhở ngay, không để chúng vi phạm pháp luật. Trong đời sống sinh hoạt, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau là nên chia sẻ, hỗ trợ nhau. Tất cả người Kinh, Chăm, Khơ-me đều là anh em một nhà nên phải sống sao cho hòa đồng, vui vẻ, đoàn kết... Công tác tự quản, giữ gìn ANTT tại khu nhà trọ luôn được chúng tôi quan tâm, duy trì thường xuyên, đồng thời được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của lực lượng CA xã và chính quyền địa phương, vấn đề ANTT được đảm bảo. Có thể nói chúng tôi rất yên tâm khi chọn đây là quê hương thứ hai để sinh sống và phát triển".

Bình luận (0)

Lên đầu trang