(CAO) Trải qua hơn nửa cuộc đời nhưng bà Tư cứ mãi long đong lận đận, người chồng vừa mất đi thì đứa cháu nội hằng đêm thủ thỉ cũng đi theo. Căn nhà trống hoác giờ đây thêm phần lạnh tanh. Người đàn bà 78 tuổi, tóc bạc trắng đầu ấy phải cô quạnh trong những đêm gió lùa.
Thắt lòng gia cảnh thiếu trước hụt sau
Nghe tiếng chúng tôi hỏi có phải nhà của em Dũng không, bà Tư đang ngồi rửa nhúm rau mồng tơi ở sau nhà vội vàng chạy lên như vừa thấy cháu mình trở về. Chưa kịp hỏi sự tình, bà Tư đã trào nước mắt, đau xót cho cái chết oan của cháu nội mình. Và mỗi khi có có người nhắc đến cậu học trò nghèo thì người đàn bà ấy lại quặn thắt lòng.
Mớ rau mồng tơi bà Tư đang rửa dang dở
Suốt 16 năm trời, một mình bà Tư chăm bẵm tạo nên cậu học trò ngoan hiền mang tên Nguyễn Trung Dũng. Ấy vậy mà… Nhìn ánh đèn dầu leo lét trên bàn thờ, bà Tư thở dài: “Tưởng đâu có đứa cháu hủ hỉ tuổi già, ai ngờ tóc bạc lại tiễn người đầu xanh”.
Căn nhà thiếu trước hụt sau, bà Tư hằng ngày đi lượm ve chai để đắp đổi cuộc sống qua ngày, gặp lúc “trúng mánh” bà lấy tiền đó để lo cho cháu nội ăn học.
Căn nhà thiếu trước hụt sau
Chiếc xe đạp cũ kỹ tựa góc tường đã theo chân bà lượm ve chai khắp nẻo đường ở TP.Mỹ Tho giờ đây đã đứt một dây thắng cũng giống như bà vừa mất đi một phần cơ thể mình.
Chiếc xe đạp cũ kỹ
Hỏi bà hôm nay ăn cơm với gì, bà không ngần ngại nói: “Mới bắt được mấy con ốc ngoài đồng. Tính kho sả mà không có sả để kho, nên lấy mấy cái trứng người ta cho kho nhưng cũng không có nước mắm. Mớ rau mùng tơi tôi vừa xin được cũng để nấu cơm cúng bữa trưa cho thằng Dũng”.
Nồi trứng kho của bà Tư
Căn nhà nhỏ được địa phương và hàng xóm góp tiền xây tặng gió lùa từ trước đến sau, cửa sổ hông hai bên được che lại bằng bao ni lông nay đã bị gió thổi rách bươm. Cái rèm nhỏ ở lối đi lên xuống cũng được hàng xóm cho về treo tạm.
Cửa sổ hông hai bên được che lại bằng bao ni lông nay đã bị gió thổi rách bươm
Bà khoe: “Hôm nay mới được mấy người ngoài cây xăng cho mấy cái chai, đem bán được 26 ngàn đồng, có tiền để mua mắm mua dầu”.
Cô Bảy (tổ 24, ấp Tân Tỉnh A, hàng xóm của bà Tư) cho biết: “Gia cảnh bà Tư đáng thương lắm. Bà ấy phải đi nhặt ve chai, giữ cháu để kiếm tiền. Hàng xóm thấy thương, người cho gạo, cho rau,… sống qua bữa”.
Mỏi mòn đợi thằng Dũng về, nấu cơm cho nó ăn
Góc học tập của Dũng cũng không có một chiếc bàn, chồng sách vở đặt dưới đất nhưng ngay ngắn,… bà Tư nói: “Nhà người ta xây cho, cái bàn, cái ghế trong nhà cũng của người ta cho, đến chiếc chiếu ngủ cũng là do nhà chùa cho, chớ tôi đâu có tiền mà mua”.
Góc học tập của Dũng đặt dưới đất
Khi chúng tôi nhắc về cháu Dũng, bà Tư bỏ dở nhúm rau đang rửa ngồi khóc nức nở. Bà bắt đầu kể về Dũng, không logic, cứ nhớ cái gì là kể cái đó trong nước mắt giàn giụa.
Bà Tư đã khóc khô nước mắt
Bà chỉ đống gạch vụn trước nhà nói: “Thằng Dũng nó sợ tui té, vì mấy bữa trước nhà ngập, nó đi xin được ít gạch vụn của người ta. Nó nói để lót đường đi cho sạch. Nó còn chưa lót gạch cho tui nữa…”.
Bà Tư kể về đứa cháu trong nước mắt giàn giụa
Bà lại kể, hôm trước bà của một đứa đánh thằng Dũng có gửi cho bà cái bánh bao để cúng cháu Dũng nhưng bà giận nên bà không lấy.
Nhìn ánh đèn dầu leo loét, bà Tư lại thì thào: “Ngày 21 tới (21-6 al – PV), đón thằng Dũng về nhà (đón di ảnh – PV). Tui sẽ nấu cơm cho nó ăn, tui nhớ nó quá. Dũng ơi…”.
Xem clip:
Tiến Mạnh – Ngô Đồng (ghi)