(CATP) Chiều 16/5, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) công bố quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Trần Ngọc Tây (ảnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã.
Quyết định thi hành kỷ luật nêu rõ, ông Trần Ngọc Tây với vai trò là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội nhưng không tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy xã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo; triển khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập hàng năm sai nguyên tắc, không đúng quy trình, quy định.
Ông Tây đã lấy tên ông Nguyễn Văn Tảng (người dân địa phương) để đăng ký tham gia trồng rừng theo Dự án Flitch và nhiều lần giả chữ ký ông này để làm các hồ sơ thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ trồng rừng. Ngoài ra, ông Tây còn giả chữ ký ông Tảng nhận giống, tiền đầu tư trồng rừng từ Dự án này để sử dụng vào mục đích trồng rừng của cá nhân. Việc làm của ông Tây trái quy định của pháp luật, chưa thực hiện đúng nghĩa vụ, đạo đức của công chức, nhiệm vụ của đảng viên, vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm kỷ luật của Đảng.
Ông Nay Y Blung, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa cho biết, việc thi hành kỷ luật cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã Sơn Hội đối với ông Trần Ngọc Tây đồng nghĩa với việc ông Tây phải thôi giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã. Địa phương sẽ thực hiện các quy trình miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND xã Sơn Hội của ông Tây trong thời gian tới. Trước đó, năm 2022 và đầu 2023, báo chí đã có nhiều tin, bài phán ánh tình trạng phá rừng tự nhiên và rừng trồng tại các tiểu khu do UBND xã Sơn Hội quản lý, gây bức xúc trong nhân dân. Các vụ việc phá rừng tại xã Sơn Hội đang được Công an tỉnh Phú Yên mở rộng điều tra.
Từ năm 2010, "Dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên" (Dự án Flitch) được triển khai tại 5 tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Phú Yên. Đây là cơ hội để người dân miền núi thiếu đất sản xuất gắn bó với nghề rừng, phát triển rừng bền vững vừa có thêm thu nhập trong cuộc sống. Tại tỉnh Phú Yên, Dự án Flitch đã trồng được khoảng 3.000ha rừng sản xuất, giao khoán cho người dân quản lý bảo vệ hơn 11.000ha rừng các loại. Từ khi dự án được triển khai, hạ tầng giao thông miền núi phục vụ việc bảo vệ rừng, thu nhập các hộ dân được nâng lên. Dù vậy, nhiều cánh rừng tiếp tục "chảy máu", mà người trực tiếp gây ra lại là cán bộ xã, có nơi là sự buông lỏng quản lý của ngành kiểm lâm, khiến những hộ dân thiếu đất sản xuất gây bức xúc và dự án cũng giảm ý nghĩa.