Đam mê bay bổng với áo dài
Tại buổi họp báo thông tin về "Lễ hội Áo dài TPHCM" năm 2022, nhiều quan khách ấn tượng với hai quầy cắt may Áo dài tại chỗ, được đặt ngay tại cửa chính của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Quan tâm đến điều mới lạ, chúng tôi bỏ công tìm hiểu.
Mở đầu câu chuyện, chủ nhà may Dung Nguyễn vui vẻ chia sẻ: "Tôi học thiết kế về áo đầm, áo vét với một người thầy ở Nhật Bản. Nhưng sau ít năm làm nghề, mình nhận ra rất có cảm hứng với Áo dài nên mạnh dạn nghiên cứu và chuyển hướng. Để có một chiếc Áo dài truyền thống đẹp, đòi hỏi người thợ bên cạnh sự sáng tạo, còn phải khéo léo, cẩn trọng từng đường kim mũi chỉ và phải nhìn ra được ưu, nhược điểm trên cơ thể từng khách hàng.
Với niềm đam mê mãnh liệt, tôi có những thiết kế sáng tạo rất riêng, đã khẳng định bản thân qua 15 năm hoạt động, cùng với một số giải thưởng do các đơn vị tổ chức về cắt may Áo dài trao tặng".
Chị Dung với giải Nhất "Thiết kế áo dài Big Size"
Từng tham dự buổi biểu diễn và trao giải cho "Thiết kế Áo dài giành cho người Big Size" do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức vào năm 2019, chúng tôi ấn tượng và thích thú với phần thiết kế cắt may đoạt giải Nhất do nhà may Dung Nguyễn thực hiện.
Bàn về giải thưởng này, chị Dung bày tỏ quan điểm rất đồng cảm với phụ nữ: "Sau khi lập gia đình, sinh con và lớn dần theo tuổi tác. Những cô gái mảnh mai, ba vòng đúng chuẩn đã dần thay đổi ngoại hình thành các mẹ bỉm sữa vai to, bụng ngấn mỡ, đó là một thiệt thòi rất lớn. Yêu tà áo dài Việt Nam, yêu những người phụ nữ chịu thương chịu khó, chịu nhiều hy sinh để sinh con, vun vén cho hạnh phúc gia đình mà xuống cấp về ngoại dáng, tôi quyết định phải làm cho họ đẹp lên trong mọi hoàn cảnh, thế là mày mò nghiên cứu, sáng tạo.
Kết quả, những mẫu thiết kế Áo dài giành cho người Big Size ra đời, đã nhận được sự yêu thích của nhiều khách hàng. Đặc biệt hơn, Áo dài Big Size còn được trao giải Nhất tại cuộc thi sáng tạo do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức, là nguồn động viên cho các thiết kế tiếp theo của tôi".
Áo dài - biểu tượng mềm mại, kín đáo, lại luôn toát lên nét đoan trang, dịu dàng, kiều diễm cho phụ nữ Việt Nam - lâu nay đã là nguồn cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều nhà thiết kế, với chị Dung cũng vậy. Khi TPHCM trải qua 4 đợt giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, mọi hoạt động đều nằm in chờ dịch vãn hồi thì chị Dung vẫn miệt mài với việc nghiên cứu áo dài, đặc biệt là dạng áo dài xưa, với mong muốn sẽ thiết kế ra một mẫu mới không phải dạng ráp lăng, mặc vừa vặn, có tính khả dụng cao nhưng vẫn giữ được nét xưa.
Do yêu nghề, lại sáng tác không ngừng nghỉ, cộng với kiến thức và các công thức đã được đào tạo về thiết kế áo đầm, áo vét, chị Dung tận dụng đưa vào sáng tạo áo dài. Từ đó, các mẫu áo dài do chị thiết kế rất mới lạ, hoa văn, họa tiết, kiểu dáng, chất liệu đều được đặt đếm, sử dụng theo đúng ý đồ của chủ thể sáng tác.
Hương thơm để lại...
Ngoài việc tham gia nhiệt tình các chương trình về cắt may Áo dài do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức, chị Dung còn tích cực với hoạt động có ý nghĩa của Hội Phụ nữ Q1, đã gửi tặng nhiều sản phẩm áo dài của mình đến những người có khó khăn hoặc kém may mắn.
Chị chia sẻ: "Tôi tham gia rất nhiều chương trình ở Hội Phụ nữ Q1, điển hình là chương trình "Áo dài yêu thương" đã gửi tặng hơn 200 bộ cho chương trình, cho các lớp học, cho các bạn chuẩn bị bước vào hôn nhân gặp khó khăn về kinh tế".
Áo dài tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam
Khi chúng tôi hỏi chị đã trao đi và nhận lại được gì? Chủ nhà may Dung Nguyễn cho biết: "Quan điểm sống của tôi là thích mang niềm vui lại cho mọi người. Cái niềm vui được chia sẻ đó tôi vui rất lâu. Nhất là khi nhìn ngắm người nhận sản phẩm của mình một cách thích thú và xúc động". Có lẽ lấy chia sẻ làm hạnh phúc nên chị Dung luôn tham gia các hoạt động thiện nguyện khi có thể.
Đầu mùa dịch vừa qua, nhà may Dung Nguyễn đã làm một việc hết sức có ý nghĩa là giảm 50% giá tiền một bộ áo dài cho các chị em làm công tác vệ sinh đường phố. Theo đó, mỗi bộ áo dài chỉ còn giá 200.000 đồng nhưng là thiết kế riêng theo số đo của từng người. Nhận được những bộ áo dài đặc biệt như vậy, những nữ công nhân vệ sinh đường phố rất xúc động và cảm thấy thêm yêu cuộc đời này.
Chị Phạm Thị Thu Hương - Hội Phụ nữ Q1 - nhận xét: "Chị Dung sinh hoạt trong Hội nữ Doanh nhân Phụ nữ Q1. Đây là mẫu phụ nữ rất nhân ái, tình cảm, luôn lắng nghe và chia sẻ với người xung quanh. Ngoài việc tặng, giảm giá bán áo dài, chị Dung còn giúp đỡ, tặng quà những hộ khó khăn vào các dịp Tết, lễ. Trong giai đoạn TPHCM giãn cách phòng chống dịch Covid-19, chị đã ủng hộ tiền bạc, nhu yếu phẩm hỗ trợ đội ngũ chống dịch rất nhiệt tình. Địa phương rất hoan nghênh khi có những doanh nhân có nghĩa cử đẹp như thế".
Trao đổi với chúng tôi, chị Dung cho biết sẽ truyền nghề cho tất cả những bạn nào gia đình khó khăn về kinh tế mà muốn có cái nghề để mưu sinh. Chị sẵn lòng dạy miễn phí, dạy cuốn chiếu để học trò sớm ra nghề, dựa vào sức mình kiếm sống tự tin. Đặc biệt, khi học trò học ra nghề, nếu chọn ở lại tiệm làm việc, chị sẵn sàng tạo điều kiện. Với học trò nữ, chị càng ưu ái hơn, vì luôn luôn muốn phái đẹp phải tự tin, sống độc lập, không phụ thuộc để có hạnh phúc.
Chỉ về mấy học trò đang đứng tại quầy, chị Dung tự hào: "Mấy em ấy đều có tiệm may cá nhân, hôm nay tôi tham gia lễ hội, vì quý cô mà các bạn đến phụ giúp". Nói về người thầy của mình, em Kim Ngọc cảm nhận: "Cô rất nghiêm nhưng vô cùng ấm áp. Cô dạy tất cả, không giấu nghề và còn hướng dẫn cho chúng em thêm nhân cách sống, biết đạo lý làm người, biết chia sẻ để cuộc sống xung quanh sẽ cùng tươi đẹp hơn".