Lâm Đồng: "Tối hậu thư" cho nhà máy xử lý rác thải nhiều bê bối

Thứ Ba, 12/11/2019 19:52

|

(CAO) Công văn 5989/UBND-MT ngày 17-9-2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục làm việc với Công ty TNHH môi trường Năng Lượng Xanh (Cty NLX) về vấn đề xử lý rác; hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của công ty trong việc đầu tư, xây dựng các hạng mục công trình, dự án; tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực để hợp tác hoặc có các hình thức chuyển nhượng dự án nhằm giải quyết các khó khăn của công ty.

Đến ngày 15-11-2019, nếu công ty không có các giải pháp giải quyết các khoản nợ vay của Quỹ đầu tư phát triển Lâm Đồng thì có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nhà đầu tư kém, nhưng nhận nhiều ưu ái

Thời gian qua, Báo Công an TP.HCM và nhiều cơ quan báo chí đã có các bài viết phản ánh về tình trạng xử lý rác thải nhiều bất cập ở thành phố ngàn hoa Đà Lạt.

Toàn cảnh NM xử lý rác Đà Lạt thuộc Công ty Năng Lượng Xanh tại xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt (đã ngưng hoạt động từ tháng 9-2019)

Thật đáng tiếc, một thành phố du lịch nổi tiếng, hàng năm đón 6-7 triệu khách tham quan, vậy nhưng vấn đề xử lý rác thải lại ở mức báo động. Đà Lạt hiện chưa có được một nhà máy xử lý rác hiệu quả như một số tỉnh, thành khác.

Nhà máy xử lý rác thải duy nhất của TP.Đà Lạt (thuộc Cty NLX), từ năm 2010, được tỉnh Lâm Đồng chào đón, mời gọi đầu tư, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, sau 5 năm đưa vào hoạt động (năm 2015), đến nay, gây thất vọng "toàn tập".

Dự án có tổng vốn đầu tư 381 tỷ đồng, đã đầu tư giai đoạn 1 trên 155,3 tỷ, trong đó hơn 100 tỷ là nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ do địa phương tạo điều kiện.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng: Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng, UBND TP. Đà Lạt, Cty NLX có rất nhiều hạn chế về tiến độ thực hiện dự án, hạng mục và thiết bị đầu tư, năng lực tài chính, công nghệ xử lý... Nhà máy không thực hiện đầy đủ và đúng theo các nội dung đã cam kết.

Đến tháng 9-2019, nhà máy xử lý rác Đà Lạt vẫn chỉ vận hành 2 lò đốt, công suất 80 tấn/ngày, chiếm chỉ 40% lượng rác thải của toàn thành phố, không đảm bảo hoạt động xử lý rác 200 tấn/ngày như cam kết, dẫn đến rác toàn thành phố phải dồn về tập kết tại bãi rác Cam Ly - bãi rác mà Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Lâm Đồng "lệnh" đóng cửa từ lâu.

Nhà máy không có năng lực tạo ra các sản phẩm phụ như gạch block, dầu PO&RO, phân hữu cơ vi sinh… từ rác như cam kết để có lợi nhuận mà hầu như chỉ trông vào tiền thanh toán xử lý rác của địa phương (mức hỗ trợ 192.000/tấn rác vào các năm 2015 đến 2016 và 336.000 đồng/tấn rác từ năm 2017).

Thực trạng máy móc, dây chuyền xử lý rác của Nhà máy xử lý rác Đà Lạt thô sơ, lạc hậu kiểu thủ công so với những nhà máy, dây chuyền xử lý rác hiện đại đang hoạt động tại một số tỉnh, thành. Thậm chí, chủ đầu tư bị quy "không minh bạch về tài chính trong quá trình triển khai dự án" do không có đầy đủ các hoá đơn, chứng từ chứng minh.

Lãnh đạo các sở, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng và TP. Đà Lạt nhiều lần yêu cầu nhà máy rác Đà Lạt khẩn trương hoàn thiện các hạng mục, đưa dây chuyền xử lý rác thứ 2 đi vào hoạt động để đạt công suất xử lý từ 200-250 tấn/ngày.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng nhiều lần yêu cầu các ngành xem xét lại tính hiệu quả của nhà máy, đồng thời nghiên cứu quy hoạch, tham mưu xử lý rác có hiệu quả. Vậy nhưng, nhà máy xử lý rác Đà Lạt không chấp hành và đến nay ngưng hoạt động.

Bên trong NM có 2 lò đốt hoạt động, công suất tối đa 80 tấn rác/ngày

Doanh nghiệp không còn tâm huyết

Tháng 9-2019, khi thực hiện bài viết "Lối thoát nào cho việc xử lý rác Đà Lạt", phóng viên Báo Công an TP.HCM đã trở lại Nhà máy xử lý rác Đà Lạt, gặp ông Cao Văn Bé - Quản lý NM rác tại đây, ông Bé cho biết, nhà máy đang gặp nhiều khó khăn về giá hỗ trợ xử lý rác, hoạt động của nhà máy không có lãi để trả lương công nhân nên ngừng hoạt động.

Ông Cao Văn Cho - chủ Công ty NLX không đồng ý với những quy kết của các cơ quan chức năng với công ty. Theo ông, giàn máy nhập của Đức, thời điểm năm 2015 là hiện đại và cho rằng, phía nhà đầu tư không nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đúng mức từ địa phương. Mức hỗ trợ phải 450.000 đồng/tấn rác mới đảm bảo hoạt động của nhà máy (trong khi đó, tỉnh cho rằng, mức giá hỗ trợ theo quy định của nhà nước, địa phương không tự áp giá).

Với số tiền 155,3 tỷ đầu tư giai đoạn 1 của NM, trong đó 2/3 là nguồn tiền vay ưu đãi, ông Cho cho biết, UBND tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ 3 tỷ đồng, tiền đó công ty làm đường từ quốc lộ vào nhà máy (5km). Với khoản vay 71 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư phát triển Lâm Đồng, ông vay với lãi suất thương mại 7%/tháng, số tiền còn lại 36 tỷ ông vay từ các tổ chức tín dụng cùng nhiều nguồn khác và đều phục vụ cho nhà máy, nhưng nhà máy hoạt động không có lãi nên ông chưa trả nợ hết. Nếu tiếp tục làm sẽ lỗ nên không còn thiện chí, quyết tâm để làm. Ai làm được, ông sẵn sàng chuyển giao nhà máy và cho biết, hiện có tới 6, 7 nhà đầu tư khác muốn hợp tác...

Thực tế thì từ tháng 9-2019 đến nay, nhà máy này không hoạt động xử lý rác cho Đà Lạt, kể từ đó, toàn bộ lượng rác thải 220-250 tấn/ngày lại được đưa về xử lý chôn lấp ở bãi rác Cam Ly.

Băng chuyền xử lý phân loại rác của nhà máy rác Đà Lạt rất thô sơ

Ngày 10-9-2019, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức buổi làm việc về tình hình xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Đà Lạt, nhằm tìm giải pháp khả thi, áp dụng mô hình với các địa phương trong tỉnh. Ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND TP. Đà Lạt.

UBND tỉnh Lâm Đồng sau đó phát hành công văn chỉ đạo: giao các ban, ngành, UBND TP. Đà Lạt rà soát, hỗ trợ các hộ dân bị sạt lở do ảnh hưởng bãi rác Cam Ly; xem xét, đảm bảo việc chôn lấp rác tại đây không gây ô nhiễm môi trường xung quanh, không để tái diễn việc sạt lở bãi rác.

Đối với Nhà máy xử lý rác Đà Lạt, tỉnh chỉ đạo tạo điều kiện cho chủ dự án tiếp tục đầu tư, hoàn thiện dây chuyền, công nghệ xử lý rác; hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của Cty NLX trong việc đầu tư, xây dựng các hạng mục công trình, dự án; tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực để hợp tác hoặc có các hình thức chuyển nhượng dự án nhằm giải quyết các khó khăn của công ty.

Đến ngày 15-11-2019, nếu công ty không có các giải pháp giải quyết các khoản nợ vay của Quỹ đầu tư phát triển Lâm Đồng thì có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời, giao các ngành, TP. Đà Lạt đề xuất tham mưu UBND tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt mới phù hợp...

Được biết, đối với khoản vay 71 tỷ đồng của Quỹ đầu tư phát triển Lâm Đồng, đến nay, phía Cty NLX không trả được đồng nào cả vốn lẫn lãi, nâng mức lãi lên thêm 50 tỷ đồng. Đại diện Quỹ đầu tư cho biết, đến hạn, nếu phía Cty NLX không trả nợ sẽ khởi kiện ra toà.

Bình luận (0)

Lên đầu trang