(CAO) Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, nhằm chung tay, đồng lòng, đồng sức giúp những người lao động nghèo do ảnh hưởng dịch, tại Thừa Thiên Huế đã xuất hiện những cây ATM gạo yêu thương.
Theo ghi nhận, những ngày này, nhiều người làm công tác thiện nguyện đã lắp đặt những cây ATM gạo yêu thương cho người nghèo đến nhận gạo.
Theo đó, 3 máy “ATM gạo” đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ hoạt động vào sáng 14/4 tại 3 địa điểm: Trung tâm Thể thao tỉnh (đường Hà Huy Tập), Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (70 Nguyễn Huệ) và Trường đại học Phú Xuân (28 Nguyễn Tri Phương, TP. Huế).
Chuẩn bị hình thành ATM gạo
Trước đó, máy đầu tiên hoạt động ở 28 Nguyễn Tri Phương, TP. Huế nhưng do người dân đến cùng lúc quá đông, không đảm bảo giãn cách nên “ATM gạo” phải tạm hoãn. Ban tổ chức thiện nguyện đã làm việc với các cơ quan chức năng chuyển sang phát tận tay cho những người có phiếu.
Điểm phát gạo tự động tại Bình Thuận
Sáng 23-4 điểm phát gạo miễn phí tự động đầu tiên cho các hộ gia đình khó khăn đặt tại phường Mũi Né, TP Phan Thiết được đưa vào hoạt động.
Điểm phát gạo miễn phí này dành cho đối tượng là các hộ nghèo, cận nghèo, những người bán vé số, chạy xe ôm mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19. Mỗi hộ được rút 2kg/ngày, với phương châm “Ai cần đến lấy, ai ổn xin nhường cho người khác”.
Trong buổi sáng đầu tiên vận hành điểm phát gạo tự động đã có khoảng gần 1.000 người đến nhận, sau khi đã nhận phiếu từ các khu phố trưởng đến phát từng hộ gia đình.
Khi đến điểm nhận gạo người dân được bố trí xếp hàng cách nhau 2 mét và được các đoàn viên thanh niên hướng dẫn rửa tay bằng thuốc sát khuẩn trước khi lấy gạo.
Điểm phát gạo tự động ở Bình Thuận
Anh Phan Ngọc An (ngụ phường Mũi Né, làm việc tại TP.HCM) đã đưa mô hình phát gạo tự động này về quê hương triển khai mô hình để giúp bà con nghèo.
Ngay sau khi điểm phát gạo tự động đầu tiên của Bình Thuận đặt tại phường Mũi Né hoạt động, rất nhiều mạnh thường quân đã ngỏ ý ủng hộ thêm 15 tấn gạo để bảo đảm điểm phát gạo tự động có thể vận hành thời gian dài.
ATM gạo xuất hiện lần đầu ở TPHCM do anh Hoàng Tuấn Anh (35 tuổi, ngụ quận Tân Phú) nghĩ ra để giúp những người nghèo bị ảnh hưởng của dịch bệnh đến lấy gạo về ăn. Trước sáng kiến độc đáo này, nhiều người dân TPHCM đã chung tay để ATM gạo không ngừng tuôn chảy. Đồng thời, ý tưởng ATM gạo cũng đã lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước.