“Lúc khó khăn mới thấy thẻ BHYT vô cùng quan trọng, như phao cứu sinh”

Thứ Sáu, 05/06/2020 12:41

|

(CAO) Đó là chia sẻ của cụ bà Vi Thị Huệ (SN:1956, trú tại xã Lượng Minh, huyện Tương dương, Nghệ An) khi gia đình cụ gặp nạn mất hết thẻ BHYT và được cấp lại kịp thời đã góp phần giúp cả gia đình “thoát nạn”, ổn định đời sống.

Mưa lũ không chỉ cuốn trôi của cải, vật chất có giá trị mà nhiều giấy tờ quan trọng khác, trong đó có thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT) của nhiều người dân hai huyện Con CuôngTương Dương (tỉnh Nghệ An) cũng bị cuốn đi, hư hỏng, rách nát.

Trong lúc khốn khó đủ bề, người dân nơi đây như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua thiên tai, dịch bệnh với những tấm thẻ BHYT được cấp lại giúp bà con kịp thời thăm khám, chữa bệnh sớm ổn định cuộc sống và tư tưởng.

PHÒNG IN DÃ CHIẾN THẺ BHYT TRONG VÙNG LŨ

Con Cuông và Tương Dương là hai huyện nghèo của tỉnh Nghệ An với diện tích rộng, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, dân số phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn nhiều khó khăn.

Năm 2018 và 2019, hai huyện này liên tiếp hứng chịu những đợt mưa lũ làm phá hủy nhiều nhà cửa, hoa màu và tài sản giá trị khác của người dân. Sau thiên tai, tình trạng ngập úng, bùn đất ứ đọng, môi trường bị ô nhiễm tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật với người dân, nhất là người già và trẻ em.

Nếu không có thẻ BHYT, quyền lợi khám chữa bệnh của người dân sẽ bị ảnh hưởng, rất dễ dẫn tới tình trạng bùng phát dịch bệnh nhất là trong bối cảnh đời sống hiện đang rất khó khăn, người dân không có điều kiện khám chữa bệnh.

Trước nhu cầu khám chữa bệnh của người dân sau lũ, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng lên phương án chỉ đạo các đơn vị BHXH tại các huyện đưa ra chương trình hành động cụ, khẩn trương tổ chức các đoàn công tác, trực tiếp đi đến vùng bị ảnh hưởng lũ lụt để tìm hiểu, nắm bắt tình hình, tổ chức cấp lại thẻ BHYT và xử lý những vấn đề liên quan đến thẻ BHYT cho bà con nhân dân.

Cán bộ BHXH huyện Tương Dương đến từng thôn bản, các xã ảnh hưởng mưa lũ để rà soát, làm lại thẻ BHYT cho người dân khi mưa lũ xảy ra.

Cùng với công tác khắc phục mưa lũ của chính quyền địa phương, những đoàn xe của cơ quan bảo hiểm xã hội cũng lập tức lăn bánh không quản ngày đêm, mưa gió đến với bà con vùng “rốn lũ”. Những cán bộ của BHXH đến từng thôn bản, đi sâu vào từng khu dân cư rà soát toàn bộ những thẻ BHYT bị mất, rách nát.

Trên hành trình ấy, những chiếc máy in, máy tính, phôi thẻ BHYT để in…túc trực tại các ủy ban xã. Ngay khi có thông tin người dân cần cấp lại thẻ, cán bộ BHXH sẽ tiếp nhận và cho ra đời những tấm thẻ BHYT ngay tại địa bàn và cấp ngay cho người dân để họ không phải chờ đợi lâu.

Chỉ trong một buổi sáng vào tháng 8-2018, cán bộ bảo hiểm đã cấp lại 140 thẻ BHYT và tiếp nhận 42 hồ sơ thay đổi thông tin cho người dân trên địa bàn xã Cam Lâm, huyện Con Cuông. Cũng trong đợt này, đoàn đã cấp lại 72 thẻ BHYT của người dân bị mất; 30 thẻ BHYT đề nghị điều chỉnh thông tin đã được in, cấp lại cho người dân ngay tại xã Đôn Phục.

BHXH huyện cũng đã tiếp nhận 32 trường hợp đề nghị cấp mới thẻ BHYT và phối hợp với cán bộ chính sách xã làm thủ tục cấp thẻ và chuyển về cho người dân. Những chiếc thẻ BHYT mới cấp lại cứ thế ra đời trước sự phấn khởi của người dân.

LAN TỎA LÒNG TIN ĐẾN TỪNG THÔN BẢN

Là một huyện miền núi nghèo của Nghệ An, Tương Dương cũng là huyện có diện tích tự nhiên rộng nhất cả nước. Toàn huyện có trên 90% dân số là người nghèo và người dân tộc thiểu số. Có những xã cách xa trung tâm huyện tới hơn 100km, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn.

Nhiều xã, người dân phải đi cả ngày trời mới ra đến huyện. Người dân phải đi bộ rồi đi thuyền mới bắt được xe khách đến thị trấn để làm được thẻ BHYT, con đường họ đến với BHXH là vô cùng khó khăn.

Vượt qua tất cả trở ngại về địa lý, địa hình, những cán bộ BHXH tại huyện vẫn âm thầm bám các thôn bản, đưa chính sách bảo hiểm đến từng người dân. Vì bám địa bàn tốt nên trong các đợt mưa lũ xảy ra của năm 2018 và 2019, BHXH huyện Tương Dương đã kịp thời cấp lại 3.969 thẻ BHYT cho người dân bị mất, thất lạc hoặc lũ cuốn trôi, giúp bà con có điều kiện nhanh nhất, tốt nhất trong việc khám chữa bệnh.

Chị Vi Thị Lương cho biết, bản thân và gia đình nhanh chóng ổn định đời sống nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và cơ quan bảo hiểm xã hội huyện Tương Dương khi nhanh chóng kịp thời đến với bà con lúc hoạn nạn xảy ra.

Ngoài chương trình hành động thực tế cấp lại thẻ BHYT cho bà con khi thiên tai hoành hành, BHXH huyện Tương Dương còn thực hiện tốt việc tiến hành lồng ghép tuyên truyền chế độ chính sách bảo hiểm với việc cải cách các thủ tục hành chính như: cắt giảm hồ sơ, đơn giản về thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí, giảm công sức đi lại của người dân.

Việc làm này góp phần tạo hiệu quả sâu rộng trong nhận thức của người dân trên địa bàn huyện về chế độ chính sách BHXH, BHYT. Tạo thêm lòng tin ngày càng lan tỏa tới người dân vùng sâu vùng xa về các chính sách của Đảng, Nhà nước đã đi gần hơn vào cuộc sống, hơi thở người dân.

Đến với dân kịp thời, nhất là lúc khó khăn, BHXH Nghệ An đã góp phần tích cực tạo sự tin tưởng của người dân về sự quan tâm của Đảng và nhà nước về vấn đề an sinh xã hội đối với người dân, nhất là dân vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Vi Thị Lương (SN:1980 ở bản Lả, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) cho biết, năm 2018, lũ lớn bất chợt ập về bản khiến gia đình chị và nhiều người xung quanh không kịp trở tay. Nước lũ đổ về kéo sập nhà cửa, khiến chị bị thương ở chân, và cuốn trôi tất cả các giấy tờ tùy thân của cả gia đình, trong đó có 5 thẻ BHYT.

Trắng tay sau lũ, kinh tế gia đình lại thuộc diện khó khăn, chị không biết xoay xở đâu để có tiền sinh sống và khám chữa bệnh. Đang lúc khó khăn bủa vây, chị được chính quyền địa phương ứng cứu đưa ra khỏi vùng nguy hiểm của “rốn lũ”, đồng thời được cán bộ BHXH huyện thăm hỏi, động viên, tìm hiểu thông tin và cấp lại thẻ BHYT.

“Dân trong bản chủ yếu là người nghèo, thiếu thốn đủ bề thì lấy đâu tiền khám chữa bệnh. Tôi bị thương ở chân chẳng biết kiếm tiền đâu để chạy chữa. Việc khám chữa bệnh đều phụ thuộc vào thẻ BHYT chi trả 100%, nhưng đã bị nước cuốn mất.

Cũng may, lúc khó nhất, chúng tôi kịp thời được cấp lại thẻ và nhanh chóng có điều kiện để khám chữa bệnh và yên tâm ổn định cuộc sống. Hiện tại gia đình tôi vẫn đang phải ở nhà tạm để chờ khu tái định cư, nhưng không phải đắn đo suy nghĩ nữa khi có người trong nhà đau ốm, bệnh tật vì có chiếc thẻ BHYT dắt lưng”.

Còn bà Huệ nói rằng, chiếc thẻ BHYT có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe đối với bản thân và gia đình. Bà ví nó như "chiếc phao cứu sinh" khi hoạn nạn xảy ra.

Cùng chung cảnh ngộ là gia đình của bà Vi Thị Huệ (SN:1956, trú cùng xã) không may bị nước cuốn nhà cửa, mất sạch giấy tờ tùy thân. Trong đó, có 8 thẻ BHYT của người thân trong gia đình bị cuốn đi. Bà Huệ cho biết, sau lũ, ai cũng sợ bị bệnh, nhưng không có điều kiện thăm khám vì điều kiện kinh tế khó khăn. Sau đó, thẻ BHYT được cấp lại ngay thời gian chạy lũ.

“Bình thường chả mấy ai nghĩ được tầm quan trọng của tình người và những tấm thẻ BHYT trong tay. Khi khó khăn, chúng tôi mới thấy được giá trị to lớn của nó mang lại. Thẻ BHYT như “chiếc phao cứu sinh” vùng rốn lũ.

Không chỉ được cấp lại kịp thời, có điều kiện tốt nhất để khám chữa bệnh, những tấm thẻ còn tạo niềm tin của chúng tôi về sự quan tâm của địa phương và cán bộ BHXH với người dân nghèo. Lúc cần là có ngay tấm thẻ, nhận lại thẻ như nhận lại con cái đi lạc, cảm động lắm”, bà Huệ xúc động.

Bình luận (0)

Lên đầu trang