Chương trình "Mùa trăng yêu thương" lần thứ 10 năm 2023:

Luôn lắng nghe nhịp đập miền Trung

Thứ Sáu, 29/09/2023 12:21

|

(CATP) Hơn 10 năm tổ chức Chương trình "Mùa trăng yêu thương" ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, những cán bộ chiến sĩ (CBCS), phóng viên (PV) của Báo Công an TPHCM (nay là Chuyên đề Công an TPHCM) đã gắn ngòi bút và tấm lòng mình với những số phận, các vùng đất đã đi qua. Vậy nên chỉ cần nghe những từ như "bão tố, thiên tai, hoạn nạn", tất cả đều cảm thấy ở nơi xa xôi đó, người dân đang cần sự giúp đỡ, vì thế chẳng ai có thể ngồi yên, mà lập tức lên đường đến với những phận đời...

Siêu bão nối trung thu

Vượt hơn 1.000km từ TPHCM qua nhiều địa phương giữa bùn lầy, mưa gió, lên vùng cao, đến các điểm sạt lở giữa lúc âm thanh "rắc rắc" đe dọa vẫn còn vang nơi vách núi tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế..., quên bao mệt mỏi, đi đến đâu, CBCS, PV Báo Công an TPHCM cùng các nhà tài trợ cũng vừa tổ chức trao quà vừa thăm hỏi người dân bị thiên tai, hoạn nạn. Đó là ký ức của chuyến đi không bao giờ quên sau mùa Trung thu năm 2020.

Trung thu năm nay, trên chuyến xe đưa Đoàn công tác của Ban Chuyên đề Công an TPHCM tiếp tục các hoạt động của "Mùa trăng yêu thương" năm 2023, đến tỉnh Khánh Hòa trao 200 phần quà cho các cháu thiếu nhi, gồm: bánh Trung thu, tập sách và một số quà cho CBCS Phòng Tham mưu - Vùng 4 Hải quân, sau đó lại tiếp tục lên huyện vùng cao. Mọi việc diễn ra vội vã, gấp gáp, vừa lo khâu tổ chức vừa ngủ trên xe di chuyển đến địa điểm mới, trong lúc tin tức qua điện thoại về tình hình lụt lội đang diễn ra ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình khiến các CBCS, PV luôn thắc thỏm lo. Mùa Trung thu mưa gió, những CBCS, PV Ban Chuyên đề Công an TPHCM lại nhớ đến Trung thu sau siêu bão Molave 3 năm trước.

Ngày 18/10/2020, tỉnh Quảng Bình trải qua trận lụt dẫn đến hậu quả nặng nề: Hơn 34.000 căn nhà ngập, hình ảnh một nhà hàng trôi ra biển khiến nhiều người sửng sốt; 10 ngày sau đó là cơn bão lớn có tên quốc tế là Molave với sức gió cấp 12 (133 km/h), giật cấp 14-15 khi vào đất liền, mạnh nhất trong vòng 20 năm qua. Từ Bình Định ra tới các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, các thành phố oằn mình trước cuồng phong.

Cơn bão quần đảo vài tiếng đồng hồ rồi mọi thứ im ắng trở lại. Thực ra siêu bão đã "cài đặt lại" ở vùng rừng núi những "chiếc bẫy" mà chẳng ai hay biết! Những cánh rừng trải qua nhiều ngày mưa nặng hạt, khi siêu bão ập vào làm cây cối xoay đảo khiến các mảng núi bị rạn, ngấm nước; tiếp đến là những vụ sạt lở núi, vùi lấp người qua lại, cuốn bay cả làng mạc. Những từ khóa đau thương như Trà Leng, Hướng Phùng, Rào Trăng, Trạm Kiểm lâm 67... đẫm nước mắt.

Năm nay lũ chưa về, các em có một mùa Trung thu trọn vẹn

Ngày ấy, "Mùa trăng yêu thương" của CBCS, PV Báo Công an TPHCM vừa tổ chức xong, công việc ở tòa soạn đang trở lại vòng quay thường nhật thì mọi người lại bàn nhau về việc "phải trở lại miền Trung, quay lại với gia đình các cháu thiếu nhi, nơi mình vừa mới đi qua".

Đồng hành với lời kêu gọi "Hướng về miền Trung" của Báo Công an TPHCM ngày đó, hệ thống Nhà hàng 48 Bistro ở TPHCM, Công ty CP UNIBEN, Công ty CP Tập đoàn Masan... đã chung tay mang tới các nhu yếu phẩm: mì gói, nước đóng chai, gạo, mắm, bột ngọt và những khoản tiền hỗ trợ bà con vùng bị thiên tai...

Trong cơn lũ dữ, tổng cộng hơn 5.000 phần quà và hàng trăm triệu đồng đã được trao gửi đến bà con vùng lũ.

Thương lắm khúc ruột miền Trung!

Ba năm sau mùa Trung thu nối siêu bão Molave và lụt lội, những CBCS, PV Ban Chuyên đề Công an TPHCM vẫn thường nhắc đến những nơi đã đi qua giữa cơn mưa nặng hạt, nhà cửa xiêu vẹo, bùn lầy trên nhiều tuyến đường. Những vùng quê ấy nay đã thay đổi, nhiều thanh niên địa phương trở lại TPHCM mưu sinh sau đại dịch Covid-19. Tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), nơi đơn vị đã trao cho người dân 400 suất quà trị giá 150 triệu đồng, bà Dương Thị Chắt và người dân địa phương vẫn giữ mãi kỷ niệm những CBCS công an từ TPHCM lặn lội vào từng ngõ xóm, nắm tay người dân dặn dò "Mong bà con cố gắng, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ"...

Tại các xã Cẩm Vịnh, Cẩm Quang (huyện Cẩm Xuyên) - nơi đơn vị đã trao gần 400 suất quà trị giá 100 triệu đồng, ông Trần Công Hoán - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Cẩm Quang và ông Nguyễn Thanh Liêm (người dân địa phương) vẫn nhắc tới kỷ niệm khi lũ vừa đi qua thì đoàn từ thiện ở TPHCM đã ra thăm bà con, đến và trao quà hỗ trợ, qua đó thể hiện nghĩa tình của người chiến sĩ Công an, tấm lòng của người dân Nam bộ với đồng bào miền Trung.

Chị Trần Thị Hoa - ở rốn lũ Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - ngày đó kể chuyện, dù đã chồng 2 chiếc giường lên nhưng nước lũ vẫn bám riết, chị phải kêu cứu và được công an, dân quân địa phương đưa thuyền đến vớt. Sau hoạn nạn, chị nhận được phần quà, thấy trên bao bì ghi dòng chữ "Báo Công an TPHCM" khiến chị càng rưng rưng xúc động. Nghĩa tình đó bà con không bao giờ quên!

Điểm cao nhất của rốn lũ Hương Thủy năm 2020, sau khi Đoàn công tác của Báo Công an TPHCM và Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế trao xong 5 tấn gạo giúp dân thì lũ cũng tràn qua

Tại các tỉnh miền Trung, đoàn công tác dừng lại san sẻ 50 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) cho 50 CBCS Công an huyện Cẩm Xuyên sau nhiều ngày dầm mình trong mưa lũ cùng lời chia sẻ ngắn gọn nhưng ấm áp nghĩa tình: "Anh em mình cố gắng khắc phục khó khăn, sau bão gió vẫn tiếp tục giúp bà con thiệt nhiều nghen!"...

Sau những ngày sạt lở ở các tỉnh phía Bắc miền Trung, huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục bị sạt, nứt núi, chôn lấp nhà cửa của dân. Đặt chân đến địa phương này, đoàn công tác chứng kiến hình ảnh rãnh núi xẻ ra trong khi những đứa trẻ vẫn mạo hiểm chạy thật nhanh qua các vết nứt. Đoàn đã thăm hỏi và trao hơn 100 triệu đồng gửi các hộ dân ở vùng sạt lở, trao hỗ trợ 10 triệu đồng đến Công an huyện Sơn Tây, 10 triệu đồng gửi Công an huyện Trà Bồng và 5 triệu đồng cho Phòng Công tác chính trị - Công an tỉnh Quảng Ngãi để các đơn vị khắc phục thiệt hại do bão lũ, giúp đỡ nhân dân.

Báo Công an TPHCM và Công an Thừa Thiên - Huế thăm điểm tránh lũ cho người dân giữa cơn đại hồng thủy năm 2020

Trung thu năm 2023, trên hành trình trao quà ở vùng đất Tây nguyên, các CBCS vẫn dõi theo những tin tức về khúc ruột miền Trung. Giữa đại dịch Covid-19, anh em tiếp tục sát cánh với dân trong cơn bão nguy hiểm nhất và giờ đây tất cả lại sẵn sàng hướng về miền Trung thân yêu giữa muôn vàn khó khăn.

Mấy mươi năm tiếp nối truyền thống nghĩa tình, CBCS, PV Báo Công an TPHCM đi qua những miền giông bão đã gieo biết bao nghĩa tình và gặt hái lại không ít yêu thương, để thấy được sự hồi sinh trên mảnh đất nhiều gian khổ. Mới hay chỉ có tấm lòng mới xoa dịu được những nỗi đau!

Bình luận (0)

Lên đầu trang