(CAO) Ông N.V.L (50 tuổi) có tiền sử dị ứng với thuốc tây, do bị đau mắt đã tự đi mua thuốc về uống và bị mẩn ngứa khắp người, bệnh nhân được đưa vào trạm y tế xã, sau đó tử vong do sốc phản vệ độ IV.
Ngày 28/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết đã tiếp nhận nhận một trường hợp sốc thuốc tân dược dẫn đến tử vong (ngoại viện).
Để tránh các trường hợp tử vong đáng tiếc như trên, các bác sỹ khuyến cáo người dân khi có biểu hiện đau, ốm cần đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn chữa trị, uống thuốc phải theo chỉ định của bác sỹ, đặc biệt là với những người đã có tiền sử về dị ứng với các thành phần của thuốc.
Theo người nhà, ông N.V.L (50 tuổi, trú tại xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) từng có tiền sử về dị ứng với thuốc tây. Ngày 27/9, ông L bị đau nhức mắt, mắt có ghèn nên đã đến tiệm thuốc tây trong xã mua thuốc về uống. Ông L đã uống 4 loại thuốc, chưa rõ cụ thể từng loại thuốc.
Đến chiều cùng ngày, ông bị mẩn ngứa khắp người nghi do dị ứng thuốc nên đã đến Trạm Y tế xã sơ cứu. Tuy nhiên, tại đây, khi đang đi vệ sinh, ông bị ngất xỉu rồi bất tỉnh.
Người nhà đã đưa ông L đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào khoảng 18 giờ 35 phút trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, da tái lạnh, đồng tử giãn…
Các bác sỹ xác định ông L đã tử vong ngoại viện, do sốc phản vệ độ IV thuốc tân dược không rõ loại.
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
5. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.