(CAO) Vaccine VIR-1388 được thiết kế để hướng dẫn hệ thống miễn dịch của con người sản xuất các tế bào T có khả năng nhận biết virus HIV và kích thích phản ứng miễn dịch nhằm ngăn chặn virus xâm nhập.
Vaccine VIR-1388 được thiết kế để hướng dẫn hệ thống miễn dịch của con người tạo ra các tế bào T. (Ảnh: Đại học Oxford)
Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cho biết đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine mới ngừa HIV/AIDDS tại các thành phố của Mỹ và Nam Phi.
Vaccine mới có tên gọi là VIR-1388, được thử nghiệm giai đoạn 1 về độ an toàn và khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch đặc hiệu với virus HIV ở người.
Thử nghiệm này được tiến hành thông qua Mạng lưới Thử nghiệm vaccine HIV (HVTN) do Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ tài trợ và được chỉ định là Nghiên cứu HVTN 142.
Virus HIV phá hủy các tế bào của hệ miễn dịch, khiến cơ thể không còn khả năng chống lại các virus, vi khuẩn và nấm gây bệnh. Bệnh nhân thường tử vong do dễ bị mắc một số loại ung thư và nhiễm trùng mà bình thường cơ thể có thể đề kháng được.
Vaccine VIR-1388 được thiết kế để hướng dẫn hệ thống miễn dịch của con người sản xuất các tế bào T có khả năng nhận biết virus HIV và kích thích phản ứng miễn dịch nhằm ngăn chặn virus xâm nhập.
VIR-1388 sử dụng vectơ cytomegalovirus (CMV - một loại virus gây nhiễm trùng thường gặp), nghĩa là một phiên bản yếu của virus được thiết kế để đưa vật liệu vaccine HIV đến hệ thống miễn dịch mà không gây bệnh cho những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.
NIAID cho biết virus CMV đã hiện diện ở phần lớn dân số toàn cầu trong nhiều thế kỷ, hầu hết trong số họ không có triệu chứng, do đó họ không biết rằng đang sống chung với virus.
CMV có thể tồn tại trong cơ thể suốt đời, điều này cho thấy virus này có khả năng cung cấp và sau đó giúp cơ thể giữ lại nguyên liệu vaccine HIV một cách an toàn trong thời gian dài.
Vaccine VIR-1388 ngừa HIV được thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ và Nam Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cuộc thử nghiệm vaccine IR-1388 do NIAID và Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ, được tiến hành tại 6 thành phố ở Mỹ và 4 thành phố ở Nam Phi, với sự tham gia của 95 tình nguyện viên ở độ tuổi từ 18-55 và âm tính với HIV.
Các tình nguyện viên sẽ được phân bổ ngẫu nhiên vào một trong 4 nhóm nghiên cứu: 3 nhóm sẽ được tiêm cácliều lượng vaccine khác nhau và một nhóm được tiêm giả dược.
Để tối ưu hóa sự an toàn cho người tham gia, nghiên cứu này sẽ chỉ tuyển tình nguyện viên là những người đã nhiễm CMV không có triệu chứng.
NIAID cho biết kết quả ban đầu dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm 2024. Các nhà khoa học cũng tiến hành một nghiên cứu phụ để theo dõi các tình nguyện viên tham gia cuộc thử nghiệm trong tối đa 3 năm sau khi họ tiêm liều vaccine đầu tiên.
Ông Carey Hwang, Phó Chủ tịch cấp cao, Trưởng khoa Nhiễm trùng Mạn tính của Công ty Vir Biotechnology, nhấn mạnh việc tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 để đánh giá hiệu quả vaccine VIR-1388 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển vaccine ngừa HIV.
Năm 2023 đánh dấu cột mốc 40 năm kể từ ngày các nhà khoa học Pháp lần đầu phát hiện LAV, loại virus tấn công hệ miễn dịch, sau này được gọi là HIV và được xác định là virus gây bệnh AIDS.
Kể từ đó, thế giới đã chạy đua chống lại HIV/AIDS – căn bệnh khiến gần 40 triệu người tử vong trong 4 thập kỷ qua.
Tuyên truyền phòng chống HIV tại Nam Phi. (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)
Theo báo cáo của Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), năm 2022, thế giới có 39 triệu người sống chung với HIV, trong đó 29,8 triệu người được cung cấp các liệu pháp điều trị kháng virus.
Số thuốc điều trị kháng virus cũng tăng gấp bốn lần từ mức 7,7 triệu của năm 2010.
Khoảng 82% phụ nữ có thai và cho con bú sống chung với HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus trong năm 2022, tăng mạnh so với mức 46% của năm 2010, giúp số ca mắc mới ở trẻ em giảm 58%.
Năm 2022, có thêm 1,3 triệu người nhiễm HIV mới, giảm 59% so với mức đỉnh điểm năm 1995. Tuy nhiên vẫn có 630.000 trường hợp tử vong vì các bệnh liên quan AIDS.
Mặc dù khoa học y học đã có những bước tiến vượt bậc trong việc điều trị bệnh HIV/AIDS, song các chuyên gia y tế cho rằng việc điều chế vaccine đặc trị ngăn ngừa dịch bệnh vẫn là yếu tố tiên quyết nhằm xóa sổ dịch bệnh này.