(CATP) Bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương. Thời gian gần đây, cả nước ghi nhận nhiều ổ dịch dại, ca tử vong do chó dại cắn nhưng không tiêm vắc-xin phòng dại. Đáng lưu ý, có một số ca tử vong sau nhiều tháng bị chó dại cắn. Nhân Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28/9), các chuyên gia lưu ý người dân không nên chủ quan với bệnh dại, có thể chủ động tiêm dự phòng trước và tiêm ngay khi có sự cố xảy ra để kịp thời bảo vệ sức khỏe và tính mạng.
Tử vong vì bị vật nuôi cắn nhưng không đi tiêm ngừa
Ngày 23/9, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, trong 2 tuần qua, Khoa Hồi sức tích cực bệnh nhiễm và Covid-19 của bệnh viện tiếp nhận và đang điều trị cho 2 bệnh nhi mắc bệnh dại (bé trai 8 tuổi ở Gia Lai và bé trai 13 tuổi ở Đắk Nông). Cả 2 bé nhập viện đều vào giai đoạn viêm não, tổn thương não nặng, tính mạng nguy kịch. Người nhà 2 bé cho biết, trước đó các bé không kể cho gia đình biết có bị chó cắn nhưng tại khu vực quanh nhà đã phát hiện chó chết bất thường. Qua các xét nghiệm và chẩn đoán lâm sàng cho thấy, 2 bệnh nhi mắc bệnh do virus dại.
Trước đó, vào tháng 8/2023, tại xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cũng ghi nhận 1 trường hợp tử vong do mắc bệnh dại và 3 trường hợp bị phơi nhiễm sau khi bị chó cắn 40 ngày. Bệnh nhi mắc bệnh dại tử vong là bé T.H, SN 2018. Theo lời kể của người nhà, khoảng 40 ngày trước, cháu H. bị 1 con chó của hàng xóm cắn ở chân nhưng không đi tiêm vắc-xin phòng dại. Sau một thời gian bị chó cắn, cháu H. có biểu hiện của bệnh dại, được đưa đến bệnh viện điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán cháu H. mắc virus dại và đã tử vong sau đó. Ngoài cháu H. còn 3 trường hợp bị phơi nhiễm do bị cùng con chó này cắn nhưng không tiêm vắc-xin và huyết thanh phòng bệnh dại gồm: 2 anh trai của H. (SN 2014 và 2017) và một cháu hàng xóm (SN 2013). 3 trường hợp này sau đó được tiêm 1 liều vắc-xin đầu tiên vào ngày 01/8.
Tại Gia Lai, số ca tử vong trên người do bệnh dại tại tỉnh này thời gian gần đây tăng cao. Vào ngày 02/9 vừa qua, Gia Lai ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do bị mèo cắn nhưng không tiêm vắc-xin phòng dại. Nạn nhân là anh Đ. (34 tuổi, ngụ xã Ia Kênh, TP. Pleiku). Như vậy đến ngày 22/9, tại Gia Lai đã có 11 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao nhất khu vực Tây Nguyên.
Bé trai 8 tuổi mắc bệnh dại đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM
Tại Đồng Nai, trong tháng 8 vừa qua ghi nhận thêm 1 ổ dịch dại tại ấp Bình Lâm, xã Lộc An, H.Long Thành. Từ ngày 27/7 đến 17/8, một con chó nhà nuôi đã cào, cắn 4 người tại xã này. Sau đó, con chó có các biểu hiện của bệnh dại và chết. Cả 4 trường hợp bị con chó trên cắn sau đó đã được tiêm huyết thanh và các mũi vắc-xin phòng dại. Theo CDC Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, đây là ổ dịch bệnh dại thứ 2 trên địa bàn H.Long Thành và là ổ dịch thứ 9 của tỉnh Đồng Nai. Đã có hơn 13.000 người trên toàn tỉnh phải tiêm vắc-xin ngừa bệnh dại.
Cuối tháng 8/2023, tại Quảng Bình cũng ghi nhận một cháu bé 8 tuổi (trú thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh, H.Minh Hóa) tử vong do bệnh dại. Cách đây 4 tháng, cháu bé bị chó nhà cắn nhưng gia đình không đưa đi tiêm vắc-xin phòng dại mà lại dùng thuốc nam điều trị. Sau đó cháu bé xuất hiện các triệu chứng bệnh dại và tử vong. Trước đó Quảng Bình đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bị bệnh dại, đều không tiêm vắc-xin phòng dại khi bị chó cắn.
Tăng cường phòng, chống bệnh dại
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại (Rhabdovirus) gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật, thường thấy ở chó, mèo. Thời gian ủ bệnh từ 2 - 8 tuần, ngắn thì khoảng 10 ngày và dài có khi 1 - 2 năm, tùy lượng virus và độ nặng vết thương. Người bệnh sẽ nhiễm virus cấp tính tại hệ thần kinh trung ương. Triệu chứng khởi đầu của bệnh này gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt, cảm giác sợ hãi... Bước vào giai đoạn viêm não thường có biểu hiện như mất ngủ, tăng cảm giác kích thích (sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió). Mức độ nguy hiểm nhất là rối loạn thần kinh thực vật với đồng tử giãn, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, rối loạn huyết động... Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%.
Bệnh dại nguy hiểm nhưng hiện nay đã có vắc-xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh. Nhân Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại (28/9), các bác sĩ lưu ý người dân cần chủ động phòng tránh, đặc biệt đối với trẻ nhỏ nên giúp trẻ hiểu và khai báo sớm nếu có động vật cắn, cào làm bị thương để người lớn xử lý kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, để chủ động phòng, chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Tiêm phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo, vật nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Với những người tiếp xúc thường xuyên với động vật như nhân viên thú y, kiểm lâm... cũng cần chích ngừa định kỳ. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa sạch và sát trùng vết thương, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để chích vắc-xin, huyết thanh kháng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa hay nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Theo thống kê, 7 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 46 trường hợp tử vong do bệnh dại. Đặc biệt trong vòng 5 năm qua, cả nước có 410 người tử vong vì bệnh dại, trên 2,7 triệu người phải điều trị dự phòng bệnh dại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng và thiệt hại lớn về kinh tế. Hiện cả nước có hơn 7,2 triệu chó mèo nuôi. Từ đầu năm đến nay, số chó, mèo được tiêm phòng chỉ đạt 45% so với tổng đàn. Như vậy, công tác quản lý và tổ chức tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó, mèo ở hầu hết các địa phương chưa được triển khai quyết liệt. Luật chăn nuôi và Luật Thú y đều có quy định rất rõ về việc chủ vật nuôi phải khai báo và tiêm phòng bệnh dại. Nếu không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo có thể bị xử phạt với mức từ 1 - 2 triệu đồng đối cá nhân và từ 2 - 4 triệu đồng đối với tổ chức.