Trung bình mỗi ngày hơn 2.300 ca F0
Theo báo cáo của Bộ YT, từ đầu tháng 11 đến nay dịch Covid-19 ở ĐBSCL có chiều hướng tăng, trung bình mỗi ngày trong khu vực có hơn 2.300 ca F0. Thống kê của Sở Y tế TP.Cần Thơ, trung bình trên địa bàn có 500 ca nhiễm/ngày, tính đến nay TP.Cần Thơ ghi nhận hơn 17.000 ca.
Tại Đồng Tháp, trong tuần qua trung bình mỗi ngày tỉnh này có hơn 400 ca mắc Covid-19, đến sáng 20-11 tổng số ca dương tính ở tỉnh là 15.713.
Tỉnh An Giang thực hiện biện pháp phòng chống (PC) dịch theo cấp độ 3; số ca nhiễm Covid-19 trong tuần qua có xu hướng giảm, ở mức 300 ca/ngày.
Tỉnh Trà Vinh ngày 20-11 phát hiện số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong ngày tăng mạnh: 281 ca, cao hơn đỉnh dịch trước đó, với 198 ca được phát hiện trong cộng đồng.
Tỉnh Hậu Giang có 60/75 đơn vị cấp xã, 386 ấp, khu vực được đánh giá mức độ dịch cấp 2; 15 xã, 139 ấp mức độ dịch cấp 3. Tỉnh phân 3 tầng điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19 với 7 cơ sở, quy mô gần 2.900 giường. Sáng 21-11, Bạc Liêu ghi nhận 356 ca mắc Covid-19, trong đó 201 ca được phát hiện trong cộng đồng.
Tại Kiên Giang, trong vòng 1 tuần, tỉnh có thêm 2.115 trường hợp mắc Covid-19, bình quân mỗi ngày có 302 ca mắc mới. Ngoài ra, qua test nhanh còn phát hiện 2.087 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; hầu hết đều không có triệu chứng hoặc rất nhẹ, được quản lý tại nhà và trong các cơ sở cách ly tập trung (CLTT).
Hiện nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai tiêm vắc-xin cho các em học sinh
Điều trị F0 tại nhà
Do F0 tăng nhanh nên các cơ sở thu dung điều trị BN Covid-19, khu CLTT đều quá tải vì dịch bệnh tăng nhanh, đột biến tại khu vực ĐBSCL. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - Đoàn Tấn Bửu cho biết, khó khăn hiện nay là số ca mắc tăng nhanh trong cộng đồng gây quá tải cho các tầng điều trị; trong khi trường hợp tử vong do nhiễm Covid-19 ở Đồng Tháp cũng có dấu hiệu tăng trở lại. Nhiều địa phương thừa nhận không đủ thiết bị điều trị F0, vì vậy hầu hết đều triển khai điều trị F0 tại nhà.
Báo cáo của tỉnh An Giang cho thấy, với tỉ lệ tiêm vắc-xin phủ 100%, nhiều F0 triệu chứng nhẹ, F1 chọn cách ly tại nhà nên khả năng kéo theo giảm nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly, phong tỏa.
Một số địa phương ở Đồng Tháp đã cho điều trị F0 tại nhà, thực hiện tốt việc phân túi thuốc về cho các trường hợp này. TP.Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh... cũng áp dụng tương tự.
Theo đó, những trường hợp F1 được cách ly tại nhà đều đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng Covid-19, người từ 60 tuổi trở lên, có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người dưới 18 tuổi (đồng thời có người chăm sóc, cách ly cùng). Các F1, F0 được cách ly, điều trị tại nhà phải có ý thức tốt, cam kết tuân thủ đúng quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - nhận định, việc cách ly các F1 tại nhà góp phần giảm tải về nhân lực, trang thiết bị, chi phí cho các khu CLTT, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở này, tạo điều kiện cho người được cách ly làm việc tại nhà, tâm lý cũng thoải mái hơn.
Đối với bệnh nhân F0 được cách ly, theo dõi tại nhà góp phần giảm tải về nhân lực, trang thiết bị chi phí cho các khu điều trị tầng 1 để có thể tăng cường nhân lực hỗ trợ tầng 2, 3, giảm chi phí điều trị và quản lý tại các cơ sở điều trị, tập trung nguồn lực chữa trị cho người mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ, trung bình và nặng có hiệu quả, đồng thời vẫn đảm bảo được mục tiêu điều trị thành công khi mắc Covid-19.
Báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, từ ngày 10-9 đến 8-11 tiến hành cách ly triệt để F1 tại nhà và bắt đầu thí điểm điều trị F0 không triệu chứng tại nhà với 1.713 trường hợp. Sở YT tỉnh này nhận định, cách làm trên góp phần giảm mật độ người cách ly tại các cơ sở CLTT, giảm áp lực cho lực lượng quản lý cơ sở, giảm chi phí và lây nhiễm chéo... Tuy nhiên, bước đầu đã phát sinh một số khó khăn nhất định, mất thời gian cho việc thẩm định điều kiện nhà ở và giám sát YT hàng ngày, lấy mẫu xét nghiệm định kỳ...
Tiếp tục siết chặt quản lý
Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - vừa ký quyết định về cập nhật, công bố cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục áp dụng cấp độ 3 từ ngày 21-11. Đối với cấp huyện, có 3 đơn vị áp dụng cấp độ 3 gồm: TP.Bạc Liêu, TX.Giá Rai, huyện Hồng Dân; huyện Hòa Bình và Đông Hải áp dụng cấp độ 2; các huyện Vĩnh Lợi, Phước Long áp dụng cấp độ 1.
Công an kiểm tra trường hợp cách ly tại nhà
Đối với cấp xã, có 7 đơn vị áp dụng cấp độ 4 (nguy cơ rất cao - vùng đỏ) gồm: P1 (TP.Bạc Liêu); P1, P.Hộ Phòng, xã Tân Phong (TX.Giá Rai); xã Vĩnh Mỹ A, xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình); thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân). Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng quyết định bổ sung quy định tạm thời thắt chặt một số hoạt động.
Cụ thể, không tổ chức các hoạt động (kể cả trong nhà lẫn ngoài trời) tập trung trên 10 người (ngoài phạm vi công sở, cơ sở YT, điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, cơ sở sản xuất - kinh doanh). Người dân không được ra đường từ 20 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau (trừ một số lực lượng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, khẩn cấp)... Các cơ sở, quán ăn, nhà hàng chỉ được bán mang về và hoạt động từ 4 - 19 giờ; chợ truyền thống, chợ đầu mối phải được phân luồng, kiểm soát (KS) chặt chẽ các biện pháp PC dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ghi rõ, chính quyền các xã, phường, thị trấn phát phiếu đi chợ (hoặc hình thức khác phù hợp) cho các gia đình trên địa bàn; tổ chức đi chợ hộ, mua hàng hóa, nhu yếu phẩm hộ (hoặc hình thức khác phù hợp) cho người dân trên địa bàn khi có yêu cầu; người đi mua hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ tối đa 2 lần/tuần. Tiếp tục dừng các hoạt động: vũ trường, karaoke, mát-xa, quán bar, Internet, trò chơi điện tử; dịch vụ làm đẹp, spa, thẩm mỹ viện; thiết lập chốt KS tại các khu vực hoặc địa bàn có diễn biến dịch phức tạp...
Tương tự, các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang... vận động người dân hạn chế ra đường vào ban đêm. Bên cạnh đó, một số địa phương lập lại chốt KS dịch, khai báo y tế (KBYT) nhưng mỗi nơi mỗi kiểu dẫn đến tình trạng ùn tắc. Chốt KS dịch trên Quản lộ Phụng Hiệp vào địa bàn tỉnh Cà Mau, phần mềm quét mã thường xuyên bị nghẽn, một số trường hợp phải khai báo nhiều lần trên điện thoại di động.
Trong buổi làm việc tại các tỉnh miền Tây mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương tiêm vắc-xin cho tất cả những người trên 18 tuổi, không phân biệt độ tuổi, nhóm đối tượng; kế hoạch phải cụ thể từng ngày, gọn từng khu vực, trước hết ở những nơi có nguy cơ cao. Bộ YT chịu trách nhiệm phân bổ đủ vắc-xin.
Trong công tác điều trị F0 tại nhà, Phó thủ tướng chỉ đạo thiết lập hệ thống theo dõi YT, kích hoạt mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" để thăm khám F0 qua mạng kết hợp với chăm sóc YT tại chỗ. Bên cạnh đó, các tỉnh thành phải cảnh giác, không để dịch lây lan nhanh vượt khả năng điều trị của ngành YT, tăng cường giám sát dịch tễ, khi phát sinh ổ dịch thì khoanh gọn, xét nghiệm nhanh, ngăn chặn lan rộng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" nhằm quản lý chặt chẽ người từ nơi khác đến...