Miền Tây: Trăn trở việc làm cho hơn 350.000 lao động về quê

Thứ Sáu, 05/11/2021 17:03  | Đăng Khoa

|

(CATP) Từ ngày 1-10 đến nay, miền Tây có hơn 350.000 công nhân từ TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An tìm về quê tránh dịch. Trước mắt, vấn đề đang khiến chính quyền các địa phương, nơi có số lao động (LĐ) trên trở về trăn trở là làm thế nào giải quyết việc làm, đảm bảo cuộc sống cho họ hiện vẫn chưa tìm được lối mở...

Công nhân gặp khó khăn

Ngày 4-11, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng tiếp tục hỗ trợ gạo cho địa phương với hơn 3.265 tấn cho 217.724 người dân. Trong đó, có 20.594 thuộc hộ nghèo, 21.984 người cận nghèo, 146.846 trường hợp khó khăn, 28.300 người cần bảo trợ xã hội, mỗi người 15kg gạo/tháng.

Ông Thanh cho biết, từ ngày 1-10 đến nay có hơn 32.000 người dân tự phát về địa phương. Tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để vừa hỗ trợ phòng chống (PC) dịch vừa đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, do phát sinh lượng lớn người dân di chuyển về địa phương nên việc triển khai các chính sách hỗ trợ gặp không ít khó khăn, cần sự hỗ trợ kịp thời từ Trung ương. Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, huyện Đầm Dơi có nhiều trường hợp cần hỗ trợ nhất với 35.861 người. Trước đó, tháng 8-2021, tỉnh Cà Mau cũng đã được Thủ tướng đồng ý hỗ trợ hơn 2.862 tấn gạo cho 190.822 đối tượng yếu thế.

Phương tiện sẵn sàng đưa những người có nguyện vọng về quê

Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số người dân tự phát về quê có hoàn cảnh khó khăn, do dịch bệnh bùng phát nên thất nghiệp, mất nguồn thu nhập. UBND tỉnh Bạc Liêu đã có văn bản yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền làm việc với các doanh nghiệp (DN) nắm nhu cầu tuyển dụng LĐ tại địa phương. Đặc biệt là phải xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, bởi gần 24.000 người về từ vùng dịch (từ đầu tháng 10 đến nay) đều kiệt quệ về kinh tế. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, đây là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh. Dự báo số hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 và có thể là năm 2022 sẽ tăng ở một số địa phương.

Từ đầu tháng 10 đến nay, Kiên Giang đón khoảng 50.000 LĐ về quê (tổng số LĐ của tỉnh đi làm ăn xa hơn 100.000 người). Báo cáo của Sở LĐ-TB &XH tỉnh Kiên Giang cho rằng, lực lượng này có hoàn cảnh khó khăn, nếu sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát không trở lại TPHCM, Bình Dương làm việc thì tỉnh phải hỗ trợ tìm việc làm cho người dân. An Giang có trên 47.000 người về quê, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, địa phương vận động các nguồn lực xã hội thực hiện Chương trình "Triệu phần quà đại đoàn kết" và túi an sinh nhằm hỗ trợ kịp thời, đảm bảo không người dân nào bị đói.

Hỗ trợ thức ăn, nước uống cho những người về quê

Địa phương không tiếp nhận hết lao động

Theo báo cáo của Trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL), Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, số LĐ làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương tính từ đầu năm 2021 đến nay là 58.863 người, trong đó từ ngày 1-10 đến nay có 21.964 người. Qua rà soát, LĐ cơ bản tìm được việc làm và số đã dự kiến quay lại làm việc ngoài tỉnh là 20.352 người, gồm: LĐ đã tìm được việc làm ở địa phương: 6.417 người, LĐ quay lại nơi làm việc trước đây: 8.759 người... Hiện số LĐ cần giải quyết việc làm là 16.385 người. Trước mắt, trung tâm đã phối hợp với cơ quan viễn thông xây dựng website thông tin việc làm tỉnh Cà Mau tại địa chỉ: https://vieclam.camau.gov.vn trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Theo lãnh đạo Trung tâm DVVL tỉnh Cà Mau, hiện các DN trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng hơn 4.400 LĐ, chủ yếu là lĩnh vực chế biến thủy sản. Các công ty tuyển LĐ phổ thông với mức lương trung bình từ 5 triệu đồng trở lên.

Theo ước tính của Trung tâm DVVL tỉnh Bạc Liêu, chỉ cần có 100/2.500 DN đang hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp nhận từ 20 - 100 LĐ, Bạc Liêu đã có thể giải quyết việc làm cho 5.000 - 10.000 người về quê. Qua thống kê sơ bộ tại địa phương, trong số hơn 24.000 LĐ trở về khoảng 50% có nhu cầu trở lại TPHCM và một số tỉnh khác làm việc, 50% còn lại cho biết sẽ ở lại quê tìm việc làm phù hợp. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cho biết, qua làm việc với các huyện, thị xã, thành phố và DN trong tỉnh, bước đầu có 10 DN cam kết tuyển dụng LĐ về quê với khoảng 10.000 người, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu và may mặc.

Công nhân Kiên Giang trở về từ vùng dịch chờ cách ly

UBND tỉnh An Giang cho hay, những ngày qua một số DN đã ngỏ ý sẽ nhận hơn 10.000 LĐ vào làm việc tại các công ty, khu công nghiệp của tỉnh. Tại Đồng Tháp, qua khảo sát, trên 34% LĐ về quê đợt này có nhu cầu ở lại địa phương. Vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành địa phương sau khi người dân hoàn thành cách ly, tùy theo nhu cầu và nguyện vọng của họ sẽ hỗ trợ đào tạo nghề, giúp họ có cơ hội tìm việc làm ổn định. Với khoảng 40.000 người về quê đợt này, UBND tỉnh Sóc Trăng đã yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các sở, ngành và DN tìm hiểu nhu cầu việc làm, thu nhận số LĐ trên vào làm việc. Trong khi đó, qua rà soát thì nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn tỉnh chỉ khoảng 3.000 LĐ.

TP.Cần Thơ đang cập nhật danh sách, nhu cầu tìm việc, trình độ chuyên môn của người lao động (NLĐ) ngoài tỉnh về, đồng thời đề nghị các đơn vị sử dụng LĐ thống kê nhu cầu tuyển dụng để tổ chức sắp xếp việc làm sau khi hết thời gian cách ly PC dịch. Cần Thơ cũng có công văn phối hợp với TPHCM, các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai về nhu cầu tuyển dụng lại LĐ khi các DN phục hồi sản xuất để sẵn sàng kết nối, tổ chức đưa NLĐ trở lại làm việc. Tỉnh Hậu Giang, nơi có hơn 20.000 công dân trở về trong những ngày qua, cùng với việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn dịch tễ, địa phương đã rà soát lại tình trạng việc làm, độ tuổi LĐ, nguyện vọng của những người trở về để kêu gọi các DN trên địa bàn xem xét tuyển dụng; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm đồng thời có kế hoạch hỗ trợ vay vốn, phát triển kinh tế dành cho NLĐ với nhiều hình thức phù hợp.

Kế hoạch đón người lao động đến làm việc

Theo thống kê, các DN ngoài tỉnh tại Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Long An, Vĩnh Long... đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 31.200 LĐ, trong đó LĐ phổ thông 23.300 người, LĐ có tay nghề 7.900 người, với nhiều ngành nghề khác nhau. Các địa phương có văn bản gởi UBND tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Đồng Nai và Sở LĐ-TB &XH các tỉnh này cũng gửi văn bản đến các tỉnh, thành phố phối hợp hỗ trợ trong công tác thu hút, đưa đón NLĐ trở lại làm việc.

Trung tâm DVVL Cần Thơ (Sở LĐ- TB&XH Cần Thơ) vừa phối hợp với 12 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TPHCM và tỉnh Bình Dương tổ chức Phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực ĐBSCL - TPHCM - Bình Dương đợt 1 năm 2021. Có 114 đơn vị tham gia tuyển dụng với hơn 31.000 vị trí việc làm cần tuyển, thu hút khoảng 600 NLĐ khu vực ĐBSCL, TPHCM và Bình Dương tham gia ứng tuyển.

Dự kiến trong tháng 11 hoặc tháng 12-2021, Trung tâm DVVL Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp với các trung tâm DVVL khu vực ĐBSCL và các tỉnh lân cận tổ chức Phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực ĐBSCL đợt 2.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, đối tượng là NLĐ ở các tỉnh, thành phố có nhu cầu đến Bình Dương, Đồng Nai làm việc (kể cả NLĐ chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19), với các chính sách ưu đãi là được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho những đối tượng chưa tiêm, cũng như đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 nhanh chóng, an toàn để đảm bảo đủ điều kiện khi trở lại các DN làm việc.

Với tỉnh Bình Dương, NLĐ còn được các DN tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên và cấp giấy chứng nhận kết quả để làm căn cứ cho họ tham gia lưu thông. Còn với tỉnh Đồng Nai, trường hợp NLĐ phải thuê phòng trọ mà chưa nhận hỗ trợ (theo Quyết định 4346 ngày 14-10-2021) trước khi về quê thì sẽ được hỗ trợ 300.000 đồng/người/lần (chưa bao gồm vợ, chồng, con nếu ở cùng phòng trọ). Ngày 30-11, tỉnh sẽ triển khai.

Kế hoạch của 2 tỉnh, hình thức tổ chức là DN, đơn vị sử dụng LĐ tự tổ chức đón NLĐ; còn NLĐ có nhu cầu trở lại Bình Dương, Đồng Nai làm việc thì chủ động liên hệ với đầu mối tại địa phương, có thể thông qua Trung tâm DVVL thuộc Sở LĐ-TB&XH để đăng ký. Sau đó, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành gửi danh sách về Sở LĐ-TB &XH, Trung tâm DVVL các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai để thống nhất phương án hỗ trợ tiếp nhận NLĐ. Thời gian triển khai giai đoạn 1 của tỉnh Bình Dương đến ngày 20-11, ưu tiên cho NLĐ đang làm việc theo hợp đồng tại các DN tham gia sản xuất theo mô hình "Ba tại chỗ", "Một cung đường, hai điểm đến", "Ba xanh" trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang