NHIỀU F0 ĐÃ ĐƯỢC TIÊM VẮC-XIN
Theo báo cáo của Bộ Y tế (YT), từ ngày 1-10 đến nay, hơn 381.000 người ở các tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Long An về quê ở miền Tây. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm (XN) cho hơn 363.400 người, qua đó phát hiện 6.222 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong khi nhiều người đã tiêm vắc-xin. Thống kê của tỉnh An Giang cho thấy đã có gần 65.000 người về quê và có trên 1.000 ca nhiễm Covid-19 trong số này.
Sở YT tỉnh Cà Mau cho biết, tính từ đợt dịch lần thứ 4 đến ngày 1-10, tỉnh chỉ ghi nhận 369 ca nhiễm, là một trong những địa phương có số trường hợp mắc Covid-19 thấp nhất ở ĐBSCL. Tuy nhiên, từ sau ngày 1-10 đến nay, số ca mắc của Cà Mau nhanh chóng vượt qua mức 1.000 ca. Đến ngày 27-10, tỉnh ghi nhận 1.643 ca, chủ yếu là người từ các địa phương vùng dịch trở về. Qua thống kê, từ ngày 1-10 có hơn 30.000 người từ các tỉnh về Cà Mau tránh dịch.
Tương tự, tại Sóc Trăng đến nay đã có khoảng 40.000 người về từ TPHCM và các tỉnh thành Đông Nam bộ; trong đó có nhiều người mắc Covid-19, đẩy số ca mắc mới của tỉnh tăng mạnh. Những ngày qua, mỗi ngày Sóc Trăng ghi nhận gần 200 ca mắc mới. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu người dân từ các tỉnh về chủ động đến ngay các trạm YT xã, phường, thị trấn khai báo YT và làm XN nhanh.
Tại Tiền Giang, dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng trở lại sau thời gian tạm lắng, đặc biệt xảy ra nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Ngày 27-10, toàn tỉnh có127 F0 mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 trên địa bàn Vụ “biển người kéo nhau về quê ở miền Tây”: 6.222 trường hợp dương tính với Covid-19 lên hơn 15.980. Tỉnh có 10/11 đơn vị ghi nhận F0 mới; cao nhất là TP.Mỹ Tho 43 ca, huyện Cái Bè 37 ca, huyện Châu Thành 27 ca... Đến thời điểm này, Tiền Giang có hơn 18.000 người trở về từ TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong số đó đã phát hiện và cách ly (CL) ngay 121 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Tại Vĩnh Long, ngành YT địa phương ghi nhận 7 trường hợp F0 tại chợ cá TP.Vĩnh Long, lớn nhất của tỉnh. Để phòng ngừa dịch bệnh, ngành chức năng đã đóng cửa toàn bộ chợ để lấy mẫu XN cho tiểu thương. Theo thống kê, những ngày trước, Vĩnh Long phát hiện phần lớn trường hợp F0 trong khu phong tỏa hoặc khu CL, nhưng nay chủ yếu phát hiện ngoài cộng đồng, trong đó phần lớn phát hiện qua tầm soát trong bệnh viện (BV). Gần đây nhất, tối 27-10, tỉnh ghi nhận 12 trường hợp F0 đều ở trong BV, trong đó 6 trường hợp đến khám và sàng lọc tại Phòng khám Quân dân y Hàm Tử, 1 trường hợp khám sàng lọc tại BV đa khoa tỉnh, 2 trường hợp đến khám và sàng lọc tại Trung tâm giám định y khoa, 2 trường hợp đến khám và sàng lọc tại Phòng khám đa khoa Ánh Thủy (ở khóm 2, P3, TP.Vĩnh Long), 1 trường hợp đến khám sàng lọc tại BV Y dược cổ truyền. Đến nay, Vĩnh Long ghi nhận 2.634 ca F0, trong đó có 2.408 trường hợp đã điều trị khỏi.
Tỉnh Hậu Giang từ 18 giờ ngày 26 đến 18 giờ ngày 27-10 ghi nhận thêm 41 F0 với nhiều ca mắc trong cộng đồng tại huyện Châu Thành A. Như vậy, tính từ đầu đợt dịch ngày 8-7 đến nay, tỉnh ghi nhận 1.249 ca mắc; trong đó có hơn 500 ca về từ ngoài tỉnh, tính từ ngày 1-10 đến nay.
CÁC ĐỊA PHƯƠNG THAN KHÓ
Trước diễn biến dịch phức tạp, các địa phương cho biết đang gặp khó khăn trong áp dụng biện pháp quản lý người trở về từ địa phương có nguy cơ dịch cấp 1 (xanh), cấp 2 (vàng) nhưng lại cư trú ở xã, phường có nguy cơ dịch cấp 3 (cam), cấp 4 (đỏ). Một số tỉnh thành bắt đầu đề nghị hoặc tiếp tục áp dụng các biện pháp chặt hơn, vượt quy định chung của Bộ YT và Nghị quyết 128 của Chính phủ, như yêu cầu kết quả xét nghiệm PCR, cách ly người đến từ các tỉnh đang ghi nhận ca mắc Covid-19...
Bộ YT vừa có công điện gởi lãnh đạo các tỉnh thành, chỉ đạo chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát tất cả những người về từ các tỉnh, thành phố (TP) có số mắc cao (như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...); tăng cường, chủ động giám sát, XN các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ các địa bàn trên và địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức CL, theo dõi sức khỏe xử lý kịp thời các ổ dịch; phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt Tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng trong giám sát, XN, theo dõi YT.
Bộ YT cũng nhắc nhở các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch Covid-19 theo từng cấp độ trên địa bàn, không để bị động; tăng cường năng lực YT các cấp, nhất là năng lực điều trị ở cấp cơ sở để phân loại, điều trị phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Khẩn trương có kế hoạch thành lập trạm YT lưu động theo hướng dẫn của Bộ YT. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả; ưu tiên tiêm cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai; yêu cầu các cơ sở tiêm chủng sử dụng ứng dụng nền tảng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý, theo dõi tiến độ tiêm chủng.
Các đơn vị liên quan thực hiện rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, TP có số ca mắc cao; tăng cường, chủ động giám sát, XN các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những người về từ các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; những trường hợp có dấu hiệu nghi mắc bệnh; tổ chức CL, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ YT.
Tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 còn thấp
Báo cáo của Bộ YT, đến hết ngày 25-10, 19 tỉnh, TP phía Nam đã được phân bổ 48,2 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19, chiếm 49% số vắc-xin được phân bổ trên cả nước. 5/19 tỉnh, TP có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 mũi vắc-xin đạt trên 95% là TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Tuy nhiên, vẫn còn 9/19 tỉnh có tỉ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 dưới 70% là Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu trong 2-3 tuần tới, các tỉnh phía Nam, nhất là khu vực Tây Nam bộ, khẩn trương tổ chức tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, nhanh chóng bao phủ mũi 1, tiếp tục tiêm mũi 2.
Bộ YT cho biết, khi vắc-xin ngừa Covid-19 về sẽ tiếp tục phân bổ, bảo đảm tiêm bao phủ 2 mũi cho toàn bộ các tỉnh thành phía Nam. Về cơ bản, khi các địa phương đã đạt tỉ lệ bao phủ vắc-xin mũi 1, bắt đầu sinh kháng thể ở người được tiêm hoặc bắt đầu tiêm vắc-xin mũi 2 thì kể cả có ca nhiễm vẫn khống chế được tốc độ lây.