Khánh Hòa: Sạt lở làm ngưng trệ đường sắt, hơn 50 tàu cá bị hỏng nặng
Ngày 31-3, do ảnh hưởng thời tiết cực đoan, khu vực ven biển tỉnh Khánh Hòa xuất hiện mưa to, gió lớn và sóng cao, khiến nhiều tàu thuyền bị đánh chìm. Khu vực đèo Cả bị sạt lở làm đường sắt bị ách tắc nhiều giờ đồng hồ.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, tính đến 12 giờ ngày 31-3, mưa lớn trên địa bàn tỉnh không gây thiệt hại về người. Riêng huyện Vạn Ninh có 25 tàu cá của người dân bị sóng đánh hư hỏng nặng, trong đó xã Đại Lãnh 11 tàu và xã Vạn Long 14 tàu.
Các cơ quan chức năng đang tổ chức hỗ trợ người dân cứu kéo tàu. Do tàu bị hư hỏng nặng, cơ quan chức năng và người dân chủ yếu trục vớt máy móc, ngư lưới cụ; chờ sóng yên biển lặng mới tiếp tục thực hiện cứu vớt xác tàu. Cũng do mưa lớn, khu vực đèo Cả, đoạn Km 1227+600 khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh bị hàng trăm mét khối đất đá từ trên núi đổ ập xuống chôn vùi cả đoạn đường sắt, khiến việc lưu thông bị ách tắc hoàn toàn.
Ngành Đường sắt đã huy động khẩn cấp lực lượng đến khắc phục sự cố. Khu vực sạt lở có địa hình phức tạp nên việc khắc phục mất nhiều thời gian. Đoàn tàu SE7 phải dừng từ lúc 8 giờ đến 13 giờ 10 mới tiếp tục chạy.
Đến 13 giờ 15 ngày 31-3, tuyến đường sắt Bắc - Nam khu gian Hảo Sơn (Phú Yên) - Đại Lãnh (Khánh Hòa) đã thông tuyến trở lại sau sự cố sạt lở. Đại diện Công ty Cổ phần đường sắt Phú Khánh cho biết, khoảng 7 giờ sáng cùng ngày tại vị trí cửa hầm (Km1228+800) đường sắt đèo Cả khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh bị sạt lở khiến đường sắt bị tắc nghẽn. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để giải tỏa sớm cho tàu qua. Do đây là khu vực có địa hình phức tạp nên việc khắc phục phải mất nhiều giờ. Thời gian xảy ra sạt lở có tàu SE7 từ ga Hảo Sơn chuẩn bị qua hầm để vào ga Nha Trang. Tuy nhiên do bị sạt lở nên tàu đã phải lùi lại đậu tại ga Hảo Sơn, khiến hành trình đoàn tàu bị chậm trong nhiều giờ.
Cũng trong chiều 31-3, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho biết, khoảng 4 giờ sáng cùng ngày một cơn giông lốc lớn kéo về khu vực dọc biển Vạn Ninh khiến ít nhất 27 tàu cá của người dân bị sóng đánh hư hỏng nặng, trong đó xã Đại Lãnh 13 tàu và xã Vạn Long 14 tàu.
Ngư dân Lý Nhơn, Bình Định ngồi trên bờ bất lực nhìn tàu bị sóng đánh
Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện đã chỉ đạo các xã phối hợp với lực lượng công an, biên phòng, dân quân tự vệ tổ chức hỗ trợ người dân cứu kéo tàu. Do tàu bị hư hỏng nặng nên cơ quan chức năng và người dân chủ yếu trục với máy móc và ngư lưới cụ, còn xác tàu chờ sóng yên biển lặng mới tiếp tục thực hiện cứu vớt. Đến đầu giờ chiều hôm qua, nhiều tàu đã được người dân và lực lượng chức năng hỗ trợ kéo vào khu vực gần bờ.
Các huyện Vạn Ninh, Diên Khánh hiện có hàng trăm hecta lúa vụ mùa chuẩn bị thu hoạch bị dông quật ngã, nông dân mất trắng.
Phú Yên: 2 người mất tích, gần 80 tàu cá bị chìm, hàng ngàn hecta lúa bị mất trắng
Từ đêm 30 đến sáng 31-3, huyện Tuy An có mưa rất to, lượng mưa các nơi phổ biến từ 65 - 100 mm/đợt, kết hợp gió lớn gây thiệt hại cho một số xã trên địa bàn huyện. Đến 14 giờ ngày 31-3, trên địa bàn huyện có 2 người mất tích (gồm Trần Văn Thiện, SN 2008, thôn Xóm Cát và Nguyễn Sam, SN 1982, thôn Nhơn Hội cùng ở xã An Hòa Hải).
Về tàu thuyền, có 33 chiếc bị chìm (xã An Hòa Hải: 27 chiếc, xã An Chấn: 5 chiếc, xã An Ninh Đông: 1 chiếc), ước thiệt hại về tàu thuyền khoảng 9,5 tỷ đồng. Khoảng 100 bè nuôi tôm hùm ươm tại cửa biển Lễ Thịnh, thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông bị trôi dạt vào bờ; 2.000 lồng với khoảng 600.000 con tôm hùm ươm ở xã An Hòa Hải bị thiệt hại nặng, ước thiệt hại về nuôi trồng thủy sản khoảng 65 tỷ đồng. Về lúa vụ đông xuân, trên địa bàn huyện đã có khoảng 1.140ha lúa bị ngã đổ, ước thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng. Tổng thiệt hại sơ bộ ước khoảng 77 tỷ đồng.
Nhiều tàu bị sóng đánh hư hỏng nặng
Theo UBND TP.Tuy Hòa, đến trưa 31-3, trên địa bàn có 30 tàu cá và các trang thiết bị, ngư lưới cụ của ngư dân xã An Phú bị sóng đánh chìm, trong đó có 10 tàu cá có công suất từ 100CV trở lên cũng bị chìm, ước thiệt hại ban đầu hơn 5 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Lê Vi Phúc, Phó chủ tịch UBND TP.Tuy Hòa, toàn bộ ngư dân trên các tàu cá bị sóng biển đánh chìm đã được đưa đến an toàn, không có thiệt hại về người. UBND TP.Tuy Hòa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương trên địa bàn phối hợp với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn triển khai ứng cứu, hỗ trợ khẩn cấp đối với người dân gặp nạn. Đồng thời yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết để triển khai các phương án ứng phó kịp thời. Hiện nay, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang tiếp tục di dời, trục vớt các tàu cá bị chìm.
Thị xã Sông Cầu do ảnh hưởng mưa lớn cũng bị thiệt hại nặng. Ông Lâm Duy Dũng, Phó chủ tịch UBND TX.Sông Cầu cho biết, hiện các địa phương chưa thống kê đầy đủ, nhưng có hơn 10 tàu cá lớn nhỏ của ngư dân bị sóng lớn đánh chìm, hư hỏng. Các địa phương và chủ tàu cá đã huy động, thuê các xe cẩu đến để cẩu kéo các tàu này lên bờ nhằm hạn chế hỏng hoàn toàn.
Còn theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN TX.Đông Hòa, trên địa bàn thị xã có 4 tàu cá cỡ nhỏ bị chìm trong khi đang neo đậu tại Vũng Rô, đến đầu giờ chiều 31-3 người dân đã trục vớt xong. Hiện còn 1 tàu cá có công suất 90CV của ngư dân phường Hòa Hiệp Trung hành nghề mành tôm bị chìm tại Mũi Yến, hiện người dân đang trục vớt. Về lúa vụ đông xuân, có gần 2.890ha bị ngã đổ, ngập nước có khả năng bị thiệt hại.
Bình Định: Gặt lúa chạy lũ
Chiều 31-3, ông Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn), cho biết mưa to và sóng lớn trong ngày hôm nay đã gây thiệt hại cho nhiều ngư dân địa phương, ước tính khoảng 3 tỷ đồng.
Cụ thể, khoảng 8 giờ 15 sáng 31-3, sóng và gió nam lớn liên tục xuất hiện, đánh thẳng vào bãi biển Xuân Lý (thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý) làm 27 thuyền đánh cá, 2 ca-nô chở khách du lịch và một số thuyền thúng của ngư dân bị chìm, hư hỏng hoặc tấp vào bãi đá. Đến chiều 31-3, sóng giảm, mưa tạnh, chính quyền xã Nhơn Lý và các lực lượng chức năng vận động ngư dân đưa các ghe, thuyền đánh cá đi trú ẩn ở những nơi an toàn hơn.
Các lực lượng và người dân tham gia cứu hộ tàu thuyền bị chìm tại xã An Phú (TP.Tuy Hòa)
Liên quan tới việc tàu cá bị sóng đánh chìm tại Nhơn Lý, ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định, cho biết: "Mưa lớn bất ngờ, gió lốc xoáy khiến các tàu cá có công suất nhỏ neo đậu gần bờ bị đánh chìm hoặc đánh dạt vào bờ. Còn các tàu cá neo đậu ở các cảng cá trong tỉnh hiện đảm bảo an toàn. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, chúng tôi chỉ đạo các ban quản lý cảng cá trong tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các chủ tàu neo đậu đảm bảo an toàn".
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Hiệp Hòa, Phó chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn, cho biết, chiều nay thành phố thông báo quyết định cấm hoạt động tắm biển tại khu vực trung tâm TP.Quy Nhơn, các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải; đồng thời cử lực lượng chức năng ứng trực 24/24 giờ để kịp xử lý các tình huống phát sinh.
Từ tối 30-3 đến chiều 31-3, do mưa lớn kèm gió lốc khiến nhiều diện tích lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022 sắp thu hoạch bị ngã đổ, ngập nước. Người dân nhiều nơi đội mưa gặt lúa chạy mưa.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương, Ủy viên Ban thường trực PCTT-TKCN&PTDS tỉnh cho biết: Đợt mưa này được dự báo từ trước, lượng mưa ước khoảng 100mm. Trước đó, Sở đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị quản lý thủy lợi tháo dỡ đập dâng trên các sông để tiêu thoát nước; hướng dẫn các địa phương cho gặt nhanh các diện tích lúa đã đủ điều kiện. Sáng 31-3, tôi đi thực tế các điểm, do lượng mưa lớn nên xảy ra ngập lụt cục bộ ở nhiều chân ruộng, nhiều diện tích lúa chưa kịp thu hoạch ngã đổ, ngập nước. Hiện, Sở đã giao các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp tiêu thoát nước, thu hoạch lúa ở các diện tích ngập; đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến và cảnh báo thời tiết để chủ động thực hiện.
Vào chiều 30-3, mặc dù huy động thêm 4 máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa, tuy nhiên nhiều diện tích lúa của HTXNN Nhơn Thọ 2 vẫn không kịp thu hoạch. Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTXNN Nhơn Thọ 2 cho biết, theo tính toán vụ này HTX xuất gần 800 tấn lúa. Tuy nhiên với tình hình này nguy cơ HTX bị tổn thất rất cao. Chiều nay mưa đã ngớt, HTX tiếp tục đi kiểm đếm, rà soát các diện tích lúa bị ngập trên đồng; huy động lực lượng phơi sấy toàn bộ lúa đã gặt.
Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân cho biết hiện địa phương thu hoạch được 50% diện tích lúa Đông Xuân; sáng 31-3, qua kiểm tra thực tế nhiều diện tích lúa còn lại bị ngập úng, ngã đổ, gây khó khăn cho bà con khi thu hoạch.