Mong tạo cơ chế sử dụng đất trong thời gian chờ thu hồi

Thứ Hai, 12/12/2022 17:36  | An Hoà

|

(CATP) Nhiều diện tích (DT) đất nằm trong quy hoạch (QH) dự án (DA) ở TP.Tân An (Long An) kéo dài hơn 10 năm gây khó khăn cho người dân trong quá trình sử dụng (SD). Do đó, các hộ dân mong muốn được cấp có thẩm quyền tạo cơ chế cho SD tạm thời quỹ đất này để đảm bảo cuộc sống và cam kết bàn giao, giải tỏa khi có quyết định (QĐ) thu hồi đất.

Người dân ủng hộ các dự án công

Quyết định 2953 năm 2011 của UBND tỉnh Long An "về việc phê duyệt DA đầu tư xây dựng (XD) công trình kè sông Bảo Định, đoạn từ cống Bảo Định đến cống đầu kênh Vành Đai" thể hiện dự án XD kè bảo vệ bờ, dài 1.558m...; xây mới cống thoát nước D400mm dưới vỉa hè dọc đường Nguyễn Cửu Vân, Huỳnh Văn Nhứt; làm đường giao thông nội đô dọc kè đường Huỳnh Văn Nhứt, trong đó xây mới đường dọc kè từ KT0+611B đến KT0+770 khoảng 160m, tiếp nối trục đường Nguyễn Văn Rành dọc theo tuyến cống Vành Đai; XD công viên cây xanh, hệ thống chiếu sáng... Tiến độ thực hiện DA từ năm 2012-2015.

Tiếp đó, vào các năm 2020, 2021, UBND tỉnh Long An, UBND TP. Tân An ban hành nhiều QĐ về phê duyệt điều chỉnh DA, thiết kế bản vẽ thi công... Đến cuối năm 2021, DA mới chính thức khởi công, tổng thời gian thi công 12 tháng. Điều đáng nói là, đến nay DA vẫn đang thi công ì ạch, bờ kè hai bên đường Nguyễn Cửu Vân, Huỳnh Văn Nhứt chưa hoàn thiện, một số vị trí kè chưa được rào chắn...

Trên thực tế, từ khi có QĐ của UBND tỉnh Long An, hầu hết các hộ dân đều ủng hộ chủ trương và đã tiến hành bàn giao một phần DT đất theo QĐ thu hồi để thi công bờ kè. Ngoài phần làm bờ kè, phần lớn DT đất của các hộ dân nằm trong QH vẫn chưa biết cụ thể thời gian thu hồi, lộ trình thi công các hạng mục còn lại. Trong khi nhiều gia đình mua đất vướng QH hàng chục năm, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Khu vực dọc đường Nguyễn Cửu Vân (P4, TP.Tân An, tỉnh Long An) vướng quy hoạch hơn 10 năm qua

Cần tạo cơ chế sử dụng đất quy hoạch

Hiện nay, vấn đề QH, DA treo đang trở thành thực trạng phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước. Nguyên nhân thì nhiều nhưng cơ chế và cách khắc phục vẫn chưa có. Trong khi đất nằm trong QH thời gian dài không chỉ gây lãng phí, kéo theo các vấn đề ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, an ninh trật tự..., mà còn làm cuộc sống người dân bị ảnh hưởng vì họ luôn trong tâm thế mòn mỏi chờ đợi.

Trước thực trạng trên, nhiều hộ dân có nguyện vọng xin các cấp có thẩm quyền cho phép SD tạm thời quỹ đất này để phát triển kinh tế. Quá trình trên, người dân hứa chấp hành nghiêm quy định pháp luật, đóng thuế đầy đủ và cam kết bàn giao đất cho Nhà nước khi có QĐ thu hồi. Như vậy, thay vì để trống, cơ quan chức năng nên xem xét, có cơ chế linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Việc này không ảnh hưởng đến chủ trương của Nhà nước nhưng giúp người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo vấn đề chỉnh trang đô thị, giải quyết được việc làm cho người lao động (NLĐ). Đặc biệt, qua đó thể hiện sự quan tâm của chính quyền, từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đẩy mạnh phong trào "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân".

Không chỉ các hộ nằm trong QH, nhiều người dân cũng mong địa phương có cơ chế thoáng hơn về việc SD quỹ đất để giúp họ nâng cao đời sống, có thu nhập ổn định. Bà Phạm Thị Tuyền (cùng ngụ P4, TP.Tân An) chia sẻ: "Tôi sinh sống ở huyện Cần Giuộc (Long An), chủ yếu đi làm công ty để trang trải chi phí và nuôi 2 con là sinh viên đại học ở TPHCM, tuy nhiên giai đoạn hiện nay rất khó khăn, nhiều người bị cắt giảm giờ làm, nghỉ việc. Khi nghe về định hướng xin SD tạm phần đất chờ QH để kinh doanh, tôi mừng lắm. Như gia đình tôi, nếu được chấp thuận thì mấy chị em không phải lo về công việc nữa".

Nhiều lao động trẻ, trong đó có sinh viên đang học tập trên địa bàn cũng mong muốn cơ quan có thẩm quyền xem xét cho người dân kinh doanh cà phê, quán ăn... trên đất chờ QH để giúp các em tìm được việc làm thời vụ - trang trải chi phí học tập. "Ở P4, TP.Tân An, em thấy có rất nhiều mặt tiền đẹp nhưng mọi người bảo vướng QH nên không được SD, em thấy đất để không rất lãng phí, các cô chú lãnh đạo nên xem xét để có phương án SD linh hoạt quỹ đất này" - em Nguyễn Văn Nhật (18 tuổi, ngụ P4, TP.Tân An) nêu ý kiến.

Như vậy, nếu có cơ chế cho các hộ dân SD tạm đất QH thì điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống người dân sẽ được nâng lên, NLĐ có việc làm ổn định. Mặt khác, việc SD quỹ đất thường xuyên sẽ giúp chính quyền địa phương dễ dàng quản lý, tránh các vấn đề ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự...

Bình luận (0)

Lên đầu trang