Để Đà Lạt đừng “tàn phai hương sắc”

Thứ Hai, 12/12/2022 14:10  | An Hoà

|

(CATP) Chuyện về việc trồng rau bằng nhà kính làm “trắng trời” Đà Lạt đã được phản ánh với Thủ tướng vào chiều 20-11 vừa qua, tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Lâm Đồng. Một lần nữa, hồi chuông về việc giữ lấy “thủ phủ ngàn hoa” đã được gióng lên. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quy hoạch của tỉnh Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng phải tôn trọng cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa.

Thay gấp nhà kính bằng nhà trời

Nhiều năm qua, việc trồng rau, hoa bằng nhà kính, nhà lưới tại Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung là vấn nạn mà nhiều ý kiến từ các chuyên gia, người dân cho đến lữ khách đều quan tâm. Loại hình nông nghiệp bằng nhà kính giúp cho người nông dân không bị thiệt hại vì thời tiết, côn trùng. Tuy nhiên, điều ai cũng biết là sẽ ảnh hưởng đến tự nhiên, khi mưa xuống thì không có chỗ rút nước, gây lũ, ngập úng.

Điều này thể hiện tác dụng tiêu cực khi sau vài trận mưa thì khu vực hạ nguồn thác Cam Ly bị ngập. Ngay cả khu vực QL20 đi qua TP.Bảo Lộc, H.Đức Trọng... nước mưa tràn qua mặt đường, gây ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông và đời sống người dân. Trên các mạng xã hội, hàng loạt clip về lũ lụt trên phố núi, làm những ai đã yêu xứ sở ngàn thông reo bị hụt hẫng và luyến tiếc. Tại sao một thiên đường du lịch vào loại đệ nhất ở miền Nam và miền Trung, Tây Nguyên lại “héo mòn” như vậy?

Từ trên máy bay đáp xuống sân bay quốc tế Liên Khương (H.Đức Trọng, Lâm Đồng), ngoài màu xanh của núi đồi trùng điệp là toàn nhà kính, nhà lưới. Hiện toàn tỉnh Lâm

Đồng có 5.000ha, riêng Đà Lạt khoảng 2,8 nghìn ha. Điều này gây hại cho thiên nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển “ngành du lịch không khói” - vốn là kinh tế mũi nhọn và thu nhập của người dân thành phố ngàn hoa suốt nhiều thập niên qua. Trong khi các quốc gia trên thế giới đang giảm dần nền nông nghiệp nhà kính để bảo vệ nhiên thiên, thay vào đó là nền nông nghiệp chất lượng cao, thì diện tích giảm dần nhà kính ở Lâm Đồng đang làm quá chậm.

Dự án mọc lên trên trục đường Trần Hưng Đạo – Hùng Vương

Đi vào đường Trần Nhân Tông (P10, TP.Đà Lạt), vốn là một con đường nhỏ nhưng chỉ vài năm, khu vực này nở rộ homestay và cả những nhà kính lồng lộng dưới những thung lũng để trồng hoa, trồng rau, thay vì canh tác ngoài trời như trước đây. Từ P7, TP.Đà Lạt đổ sang thị trấn Lạc Dương (H.Lạc Dương), hướng vườn hoa Vạn Thành (P5) xuống thị trấn Nam Ban (H.Lâm Hà), đi QL 27C từ huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) xuống TP.Nha Trang (Khánh Hòa)... mức độ nhà kính hình thành quá nhiều và rất nhanh.

Nhà kính như “chiếc vòng kim cô” trói buộc TP.Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng nói chung, gây ra ngập lụt, biến đổi khí hậu, mưa dầm dề vài ngày như trung tuần tháng 11 vừa rồi. Hậu quả trước mắt thì ai cũng thấy rõ, làm buồn lòng nhiều lữ khách từ TPHCM muốn lên đây “với tay nắm lấy sương trời”. Thật buồn khi Đà Lạt bây giờ ít thông xanh, vắng bóng xe thổ mộ quanh hồ Xuân Hương, bị biến dạng khi đô thị hóa nhanh, khí trời thì thay đổi nhiều. Đà Lạt bây giờ nóng hơn. Nguyên nhân thì nhiều, trong đó nhà kính đang “góp phần” làm thay đổi tự nhiên.

Cách đây 15 năm, khi chúng tôi lên phố hoa đúng dịp festival hoa và chứng kiến một số đám cưới ở ngoại thành Đà Lạt tổ chức lúc 15 giờ chiều, đến 18 giờ là phải tan vì sương mù dày đặc. Xe cộ cách vài chục mét là không thể nhìn thấy nhau vì trời lạnh giá. Thế nhưng, những điều này đến nay đã là quá vãng.

Cấm xe 45 chỗ

Ai cũng biết, Đà Lạt từng nổi tiếng là thành phố duy nhất cả nước sở hữu “máy điều hòa khổng lồ” với bao con dốc cheo leo và không có đèn tín hiệu giao thông. Tuy nhiên, do lượng khách quá đông, cộng với những con đường có chiều ngang nhỏ hẹp chừng 4-8m, nên không còn cách nào khác, từ năm ngoái, “thành phố ngàn hoa” đã có hàng loạt đèn tín hiệu tại các giao lộ, các vòng xoay cũng tốc lực hoàn thành để đáp ứng nhu cầu lưu thông. Cuối tuần, CSGT phải túc trực phân luồng dẫn vào trung tâm, nhưng như thế là chưa đủ. Đà Lạt tiếp tục hứng chịu kẹt xe nghiêm trọng khi những chiếc xe 45 chỗ có mặt trên đường.'

Tại vòng xoay Lê Đại Hành (P1), đường Bùi Thị Xuân (P2), xung quanh bờ hồ, khi trưa đến dưới trời nắng gắt, người đi xe máy chỉ còn... dò dẫm từng mét một. Trước quán cà phê Thanh Thủy, ngay hồ Xuân Hương, dù đường chật hẹp, nhưng tài xế ôtô loại lớn thản nhiên đậu gây kẹt xe. Vòng xoay trước chợ Hòa Bình vốn như “chiếc áo quá chật” nên khi xe 45 chỗ chạy qua thì người đi xe máy chỉ còn cách né nếu không muốn va quẹt và hít bụi bẩn.

Mùa này, Đà Lạt chỉ se lạnh sáng sớm và tối, còn buổi trưa thì nắng gắt. Dù đã lắp nhiều đèn tín hiệu giao thông, CSGT có mặt phân luồng, nhưng những dịp cuối tuần hay cao điểm nghỉ lễ, đường sá rất khó đi lại được. Người dân địa phương cũng truyền tai nhau là đi xe máy, chứ ôtô thì chỗ nào đâu mà đi. Dù “xứ sở sương mù” đã cải tạo nhiều khu vực, mở rộng thêm, song cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Khói bụi, nhà cao tầng hình hộp, lượng ôtô quá tải đang “giết chết” một thành phố mù sương.

Đường Trần Phú, đoạn dẫn qua nhà thờ Con Gà nổi tiếng, trường chuyên Thăng Long... vốn khá rộng, song thường xuyên kẹt xe. Tại các giao lộ, xe du lịch, xe ôtô gia đình, xe máy nhích từng mét một. Khốn khổ nhất là những hôm mưa sáng, ai cũng ướt nhẹp giữa trời lạnh. Đoạn giao lộ trước trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng, nơi tiếp giáp nhiều con đường: Trần Phú, Trần Lê, Triệu Việt Vương... dù mới được mở rộng, nhưng hễ có vài chiếc ôtô loại lớn đậu chờ đèn xanh thì nguy cơ ùn tắc diễn ra ngay lập tức. Khi leo dốc, các phương tiện này thải ra sau một lượng lớn khí thải mù mịt, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Đà Lạt tại Festival hoa lần 1 - 2015

Là linh hồn của phố hoa, hồ Xuân Hương là hồ nhân tạo, có chu vi chừng 5km, rộng 25ha, có hình trăng lưỡi liềm kéo dài hơn 7km đi qua nhiều địa danh du lịch của thành phố Đà Lạt như: Vườn hoa thành phố, Công viên Yersin, Đồi Cù, Quảng trường Lâm Viên. Thế nhưng, mỗi khi khách đường xa muốn qua đây thì “đụng” phải nhiều xe khách lớn từ khắp nơi đồ về, thu hẹp diện tích lưu thông. Dù trước Quảng trường Lâm Viên có bãi đậu ôtô song chưa đủ đáp ứng nhu cầu.

Việc cấm ôtô loại lớn vào Đà Lạt đã nói nhiều năm qua, nhưng đề án đến nay vẫn không thực hiện được. Theo chúng tôi, muốn cứu lấy Đà Lạt thì hãy làm bãi đậu xe thật rộng rãi dưới chân đèo Prenn (hoặc qua khỏi đèo Prenn). Du khách từ đây đi xe taxi 4 chỗ, 7 chỗ vào trung tâm trước khi chính quyền hình thành xe buýt loại nhỏ làm nhiệm vụ trung chuyển. Giống như dạng xe buýt đang khai thác từ sân bay Liên Khương về TP.Đà Lạt. Hãy cứu lấy “thiên đường du lịch” của Nam Bộ trước khi quá muộn!

Chờ… festival hoa

Festival hoa là một sự kiện lễ hội được tổ chức tại TP.Đà Lạt và một số địa phương khác trong tỉnh Lâm Đồng vào tháng 12 - thời gian có thời tiết đẹp nhất trong năm. Một bác tài taxi kỳ cựu tại cao nguyên này nói rằng, khi mùa hoa dã quỳ bung nở, từ hướng huyện Di Linh, Đức Trọng thẳng tiến phố hoa thì mùa mưa khép lại và những ngày này festival hoa lại diễn ra. Bắt đầu tổ chức lần 1 vào năm 2005, festival lần thứ 9 sẽ diễn ra vào tháng 12 này với chủ đề “Đà Lạt - thành phố bốn mùa hoa”.

Trước đó, có thông tin tỉnh này sẽ tổ chức festival suốt hai tháng, từ đầu tháng 11 đến cuối năm dương lịch. Tuy nhiên, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản thống nhất điều chỉnh một số chương trình thuộc festival: Thay đổi thời gian tổ chức chương trình nghệ thuật công bố festival hoa Đà Lạt lần thứ 9 từ ngày 17-12-2022 qua ngày 18-12; bổ sung chương trình “giải golf chào mừng festival hoa lần thứ 9”, tổ chức trong tháng 12-2022 tại sân golf Sacom Tuyền Lâm...

Những ngày này, du khách đổ về phố hoa mong được chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa trước ngưỡng festival, song chỉ có tiểu cảnh trước chợ Hòa Bình là mới, vài bảng hiệu chào mừng dọc đường... Không khí festival hoa chắc còn phải chờ.

Trong khi đó, đi dọc trục đường Trần Hưng Đạo - Hùng Vương, ngang qua bảo tàng Lâm Đồng, cơ sở của Đại học Kiến trúc TPHCM... vốn nổi tiếng có nhiều căn biệt thự xưa cũ và hàng loạt cây mai anh đào nở rộ, nhiều người trông thấy một tòa nhà hay chung cư gì đó đang mọc lên. Hai cái cần cẩu vươn lên trời cao. Bên cạnh là lèo tèo vài cây thông “cô đơn”.

Vẫn biết quá trình đô thị hóa quá nhanh sẽ làm thay đổi ít nhiều ở phố hoa, song nếu không quyết liệt thay đổi và mạnh mẽ, Đà Lạt khó mà giữ được những nét hoài cổ vốn làm nên nét quyến rũ của xứ sương mù.

Bình luận (0)

Lên đầu trang