Nếm "trái đắng" từ cơn sốt lan đột biến

Thứ Tư, 18/11/2020 09:31

|

(CATP) Thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt vụ mua bán lan đột biến với giá trị lên đến hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng mỗi cây. Tuy nhiên, công an nhiều địa phương vừa lên tiếng cảnh báo người dân bởi hầu hết các phi vụ mua bán đều rất mập mờ thông tin về người bán, người mua và giá trị thực của lan đột biến.

KỊCH BẢN "THỔI GIÁ"

Các hoạt động mua bán, giao dịch, chuyển nhượng, trao đổi hoa lan đột biến diễn ra khá rầm rộ trên "chợ" online. Thậm chí hoạt động này còn được livestream trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube. Cơn sốt lan đột biến thực sự đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro vì rất nhiều người lao vào đầu tư, mua bán.

Anh Trịnh Duy Tâm (SN 1972, ngụ H.Dầu Tiếng, Bình Dương) cho biết, trong một lần tình cờ tìm mua hoa lan trên mạng xã hội, anh được xem livestream bán hàng của một vườn lan tại Đắk Lắk. Họ quảng cáo 1cm hoa lan đột biến với giá 2 triệu đồng, chỉ sau vài tháng bán lại lời cả trăm triệu đồng. Thấy vậy, anh cũng bỏ vài chục triệu đồng tham gia. Sau gần 1 tháng, anh được họ đưa 2,5 triệu đồng gọi là tiền lời từ bán cây lan quý. Thế nhưng đã nhiều tháng trôi qua anh vẫn chưa lấy được tiền gốc khiến vợ chồng sinh lục đục.

Việc đầu tư, kinh doanh lan đột biến gen đang có xu hướng tạo thành trào lưu, cơn sốt vì nhiều người nhìn từ bên ngoài tưởng việc kinh doanh này dễ kiếm lời nên đầu tư hoặc góp vốn để tham gia. Trong số này phần đông là những người mong giàu có thần tốc nên bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân để đầu tư dễ dẫn đến nguy cơ vỡ nợ dây chuyền.

Mở đầu cho cơn sốt lan đột biến là giữa năm 2018, khi một người trồng lan ở Thừa Thiên - Huế bán giò lan đột biến cho một dân chơi lan ở Hải Phòng với giá lên tới 700 triệu đồng. Khi dư luận chưa hết xôn xao thì giới chơi lan được một phen điên đảo khi trên các diễn đàn phát trực tiếp một cuộc giao dịch tiền tỷ với cây lan đặc biệt có tên Bướm đại ngàn.

Sau 2 cuộc giao dịch trên, các thương vụ mua bán lan đột biến bùng nổ với giá bạc tỷ. Một cây lan phi điệp có tên 5 cánh trắng Bảo Duy được bán thành công với giá 2,7 tỷ đồng; gốc Giã Hạc đột biến 5 cánh trắng của chủ nhân người Ninh Thuận bán cho một đại gia ở Đà Nẵng với giá lên tới gần 7 tỷ đồng... Nhưng có lẽ chấn động nhất vẫn là thương vụ chuyển nhượng lan đột biến gen tại Bình Phước vào ngày 10-6-2020, khi có người bán thành công 3 chậu lan với mức giá lên đến 32 tỷ đồng. Trong đó, cây Bảo Duy 5 cánh trắng giá 12 tỷ đồng, một cây Bảo Duy 5 cánh trắng khác giá 9,9 tỷ đồng và một cây Da Vàng 10 tỷ đồng.

5 đối tượng (phải) cùng tang vật lừa đảo chiếm đoạt 166 triệu đồng

Chưa hết, cộng đồng chơi lan lại rầm rộ chia sẻ hình ảnh chậu lan Juliet với độ dài chừng 20-30cm được giao dịch với giá 83 tỷ đồng. Thậm chí, có những giao dịch được quảng cáo lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nhiều người bày tỏ sự nghi ngờ đây có thể là một chiêu "thổi giá”, thậm chí là kịch bản đã được dàn dựng công phu từ trước.

Ngoài ra, nhiều thương vụ mua bán lan phi điệp đột biến giá cao do chính người bán lên kịch bản dàn dựng. Theo anh Tâm, một số người mua được giò lan đột biến với giá rẻ sau đó tung tin có nhiều người hỏi mua với giá bạc tỷ nhưng không bán. Để đẩy giá, họ còn thuê người tìm đến hỏi mua chính giò lan đó với giá hàng tỷ đồng. Giao dịch được xác nhận, tiền thật, lan thật nhưng ít ai biết được số tiền này lại của chính người bán (?!).

COI CHỪNG "TIỀN MẤT, NỢ MANG"

"Thổi giá” lan đột biến trong giới chơi cây có hệ thống và được lên kế hoạch rõ ràng. Một nhóm đứng ra thổi phồng về giá trị của loại cây này, khi người mua tìm đến họ sẽ "mồi" cho người mua đầu tư và sẵn sàng giới thiệu cho người mua lại với giá cao hơn. Ví dụ, ban đầu họ bán cây với giá 30 triệu đồng. Thời gian sau, chính thành viên của nhóm đó tìm đến người mua bỏ ra số tiền 40 - 50 triệu đồng mua lại. Rồi tiếp tục quảng cáo, bán chính cây đó để tạo lên cơn sốt. Quá trình mua đi bán lại nhiều lần, đến khi giá đạt điểm, người nào không biết chạy theo mua thì nhóm đó rút lui, không mua lại nữa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc mua bán lan đột biến chủ yếu vẫn dựa vào uy tín, thực tế không có cơ sở pháp lý nào ràng buộc. Vì thế, nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở để lừa đảo những người mới chơi lan. Có đối tượng còn thuê đất, thuê nhà dựng vườn lan hoành tráng sau đó đi thu mua những cây lan bình thường, có thân lá tựa như những dòng lan đột biến rồi bắt đầu tạo dựng "số má” trong giới chơi lan bằng cách đăng hình ảnh vườn lớn, thường xuyên đi giao du với những người có tên tuổi trong giới. Khi đã kết thân với những người có tiếng tăm, họ bắt đầu đăng đàn bán những dòng lan đột biến.

Một chậu hoa lan đột biến

Với thủ đoạn này, các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng chục, thậm chí hàng trăm người. Cụ thể, mới đây Công an Nghệ An bắt giữ một nhóm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tiền mua bán hoa lan, với 11 đối tượng (đều ngụ tỉnh Hòa Bình) đến thuê nhà ở khối 4, thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Trong quá trình ở đây, nhóm này sử dụng Facebook để đăng tải thông tin bán hoa lan với giá rẻ hơn thị trường rất nhiều. Khi có khách hỏi mua, nhóm này tư vấn và tiến hành giao dịch chuyển tiền. Tuy nhiên, ngay khi nhận được tiền, chúng lập tức chặn Facebook, xóa toàn bộ thông tin đã liên hệ với khách hàng để chiếm đoạt số tiền đã giao dịch...

Trước đó, Công an Hòa Bình cũng đã làm rõ chiêu trò lừa đảo thông qua mua bán, giao dịch hoa lan của 5 đối tượng. Do thấy lợi nhuận về hoa lan đột biến rất cao nên nhóm này mua cây hoa lan loại thường, sau đó lấy keo 502, dây thép gắn bông hoa của cây lan đột biến (đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ) vào thân hoa lan đã chuẩn bị. Ghép xong, chúng chụp ảnh, quay video rồi đăng tải lên các trang mạng xã hội để bán với giá cao.

Lan phi điệp

Không ít người vì ham mê làm giàu nhanh chóng đã sập bẫy kẻ lừa đảo. Điển hình là trường hợp một người dân ở huyện Phù Ninh (Phú Thọ) bị một số đối tượng lừa đảo mua lan đột biến với giá hơn 2 tỷ đồng. Hay một chủ vườn lan thuê một căn nhà rất khang trang ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) để lừa đảo bán hoa lan đột biến trực tuyến. Sau khi lừa được nhiều người với số tiền hàng chục tỷ đồng, nhóm này đã "cao chạy xa bay".

Từ việc tham gia nhóm chơi, kinh doanh lan trên mạng xã hội Facebook, trong các ngày 15 và 28-8-2020, ông Đ.V.T (ngụ H.Di Linh, Lâm Đồng) đã mua của Bùi Văn Sỹ (SN 1986) 4 cây lan Hồng Yên Thủy và một chậu lan Hồng Mỹ Nhân với giá 440 triệu đồng, bằng hình thức giao dịch trực tiếp. Thấy việc kiếm tiền dễ dàng từ bán phong lan, ngày 30-8, Sỹ tiếp tục mang 2 chậu lan Hồng Minh Châu đến bán với giá 1,47 tỷ đồng thì bị ông T. phát hiện không phải lan đột biến nên trình báo công an.

Bình luận (0)

Lên đầu trang