(CAO) Thời gian gần đây, thương lái đột nhiên lùng sục khắp khu vực bắc Tây Nguyên để thu mua quả cau non. Cau non được thu mua với giá cao, sau đó được sấy khô xuất sang Trung Quốc.
Tại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum hầu hết các vườn cau đã không còn quả để bán. Hiện các thương lái đã chuyển địa bàn tới những huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để lùng sục mua quả cau non.
Những ngày này, có mặt tại các xã biên giới thuộc huyện Ngọc Hồi và Đắk Glei (tỉnh Kon Tum) rất dễ bắt gặp từng tốp thương lái đi xe máy vào tận thôn làng để lùng mua cau non. Khi chúng tôi có mặt tại đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận giáp ranh giữa huyện Ngọc Hồi và Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) thì bắt gặp “phi đội” 6 người từ Gia Lai đang đi lùng mua quả cau.
Những người này đi xe máy, trên xe chở đầy ắp buồng cau. Đáng chú ý, phần lớn cau những người này thu mua là còn non.
Anh Hoàng Xuân Linh (trú tại xã Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) đang dừng bên đường hỏi thăm người dân về những hộ có cau bán, tuy nhiên đều nhận được những cái lắc đầu. Anh Linh cho biết, anh vừa cùng nhóm của mình mới vào xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) mua cau về. Từ sáng đến giờ, anh mua được 40kg cau tươi. Giá thu mua tùy loại, nhưng ấn định từ 18.000 đến 24.000/kg.
Hiện còn rất ít vườn cau còn quả ở khu vực bắc Tây Nguyên
“Chúng tôi đi mua khắp nơi, không kể nắng mưa. Mới đầu, cau nhiều thì thu mua gần nhưng giờ khan hiếm, trong khi người mua lại nhiều nên phải về tận các xã biên giới. Muốn mua được cau non, chúng tôi phải chạy hàng trăm cây số. Hàng mua về chúng tôi đóng thùng, gửi xuống Đà Nẵng rồi từ đây xuất sang Trung Quốc. Trước đây bên Trung Quốc họ mua cau non tươi không hạt hoặc chưa có hạt, đến nay lại chuyển sang cau non sấy khô”, anh Linh nói.
Một thương lái khác đi cùng anh Linh tiếp lời: Một ngày trung bình mỗi người trong nhóm đi mua được trên dưới 80kg. Chúng tôi được các chủ hàng cho ứng tiền trước rồi mới đi mua. Nghe nói, bên Trung Quốc mua cau non về làm kẹo để xuất khẩu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cau non thu mua về được sơ chế trước rồi cho vào lò sấy khô, để nguội và được phân cỡ, đóng thùng xuất bán sang Trung Quốc. Hiện giá cau non được đẩy lên cao đang mang lại lợi nhuận cho người trồng cau cũng như các thương lái. Trong khi cau già vẫn tiêu thụ trong nước với giá ổn định và không có hiện tượng khan hiếm.
Hộ ông Nguyễn Tập (xã Sa Long, huyện Ngọc Hồi) cho biết, vừa bán hơn 1 tạ cau với giá 20.000 đồng/kg. Vườn cau có bao nhiêu buồng thương lái mua hết, họ chẳng quan tâm chất lượng cau như thế nào. “Tôi thấy cau quả còn non, nên định cho nó già rồi bán, nhưng thương lái đến hỏi mua nhiều quá. Có ngày có đến 3 tốp đến vườn hỏi mua. Thấy giá như vậy cao nên tôi cũng bán, còn họ mua cau non làm gì tôi cũng không biết”, ông Tập chia sẻ.
Thương lái đi từng tốp thu mua cau
Người dân xưa nay chỉ biết cau được dùng cho các lễ cưới hỏi hoặc ăn với trầu, một số khác được dùng làm vị thuốc. Tuy nhiên, cau được chọn là cau già nhưng nay thấy thương lái càn quét mua quả non nên họ rất bất ngờ. Cũng vì thấy thu mua cau giá cao nên nhiều người dân cũng có ý định chuyển đổi sang trồng cau. Tuy nhiên, do quả cau chưa có đầu ra ổn định, thị trường Trung Quốc cũng chỉ nóng lên nhất thời, nếu người dân phát triển ồ ạt có thể xảy ra tình trạng dư thừa.
Trao đổi về hiện tượng người dân trên địa bàn ồ ạt bán cau non, ông Tống Văn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Bờ Y cho biết, chính quyền địa phương không có hướng phát triển cây cau. Xã cũng chưa phát hiện hộ nào phá bỏ cây trồng khác để trồng cau. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ theo dõi vụ việc và khuyến cáo dân không vì thấy giá cao mà ồ ạt chuyển sang trồng cau.
Cau non được mua về bán sang Trung Quốc