(CATP) Có mặt tại khu vực làng trồng mai truyền thống ở KP3 (P.An Phú Đông, quận 12) vào trung tuần tháng Chạp, chúng tôi bắt gặp khung cảnh rộn ràng vào ra tấp nập của các thương lái gần xa từ khắp nơi đến đây để ngắm mai và đặt hàng... những chuyến xe container, xe cẩu hoạt động liên tục, không ngừng nghỉ, nhằm chuẩn bị cho một mùa kinh doanh cuối năm bội thu với bao điều kỳ vọng tốt đẹp...
Anh hưởng do dịch bệnh
Để có được những cây mai đẹp phục vụ Tết, suốt cả một năm ròng, ngoài việc dồn cả tâm huyết và công sức để chăm sóc từng li từng tí cho khoảng gần 600 "đứa con tinh thần" là những gốc mai giảo, một giống mai ghép truyền thống nhiều cánh, bông to, màu thắm tươi sặc sỡ với nhiều chủng loại được rất nhiều khách thưởng ngoạn yêu thích, ông Tô Văn Tám, nông dân tiêu biểu sản xuất giỏi của TPHCM còn bỏ nhiều thời gian lặn lội xuống các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để săn tìm mua những cây mai đẹp, độc lạ có giá trị kinh tế cao từ vài chục đến vài trăm triệu đồng để mang về vườn nhà chăm sóc, chờ đến ngày trình làng, phục vụ khách chơi mai trong dịp Tết.
Niềm vui của một chủ
vườn mai trước thềm năm mới
Bắt đầu từ 13 tháng Chạp, ông Tám cùng người nhà tất bật lặt lá mai để chuẩn bị cho lô hàng đầu tiên phục vụ số khách thuê mai ở Hà Nội và Sài Gòn nhân dịp Tất niên cuối năm. Nói về số lượng tiêu thụ mai năm nay, ông Tám thật lòng chia sẻ: "Cho tới thời điểm này, số lượng khách đặt hàng ở chỗ vườn của tôi giảm khoảng 1/3 so với năm trước, bởi do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế xã hội. Mặc dù có hơi băn khoăn, lo lắng, nhưng tôi vẫn không ngần ngại chi khoảng gần 600 triệu đồng để đầu tư nhập mai gốc nguyên liệu về để kinh doanh với hy vọng sẽ gặt hái được nhiều thành công trong dịp cuối năm".
Cùng chung nỗi hy vọng nhưng có phần hơi e dè, ông Lê Chí Hùng một chủ vườn mai lớn ở P.Thạnh Lộc cho biết: "Những năm trước, vào dịp cuói năm vườn tôi nhập về khoảng từ 800 đến 1.000 cây mai ghép từ tỉnh Bình Định, kèm theo đó là số lượng mai giảo đã được trồng từ năm trước, tuy nhiên dự đoán được năm nay tình hình kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh, nên tôi đã quyết định giảm số lượng mai nhập về xuống còn khoảng 300 cây". Ông Hùng cho biết năm nay do mưa nhiều, nắng ít nên nếu không dùng mái che bằng lưới răm di động và có biện pháp can thiệp đúng khoa học thì sẽ khó có khả năng giảm thiểu được thiệt hại không nhỏ do thời tiết và sâu bệnh gây ra.
Ông Nguyễn Văn Phụng
Bên cạnh sự lạc quan và hy vọng của các chủ vườn mai trong dịp mùa thu hoạch mai đang hé mở, ông Nguyên Văn Phụng, một chủ vườn mai truyền thống ở tổ 46 (KP3, P.An Phú Đông) trăn trở khi tình trạng ngập ún nước mưa trong khu dân cư kéo dài, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và canh tác sản xuất tại địa phương. Trước tình hình này, ông cũng đã kiến nghị với UBND quận và UBND phường để xử lý.
Chính quyền địa phương hỗ trợ
Nhằm giúp bà con nông dân được yên tâm đầu tư sản xuất, UBND quận 12 đã giải quyết cho 60 hộ nông dân trên địa bàn quận được vay vốn hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó hộ ông Nguyễn Văn Phụng được hỗ trợ vay 2 đợt, mỗi đợt với số tiền vay 1,5 tỷ đồng trong thời hạn vay 5 năm. Ông Phụng vui mừng chia sẻ: "Nói thật lòng là chúng tôi nhờ được chính quyền thành phố và UBND quận 12 hỗ trợ, giúp đỡ mà ăn nên làm ra. Nhờ số tiền vay ấy, tôi đã mạnh dạn đầu tư sản xuất và gặt hái được lợi nhuận khoảng trên 300 triệu đồng/năm. Nếu không có vốn hỗ trợ của Nhà nước thì các hộ nông dân chúng tôi sẽ không thể làm nổi".
Khách đến vườn thưởng ngoạn và đặt hàng
Theo ông Cung Quảng Hà, Quyền trưởng phòng Quản lý đô thị quận 12: Tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn được đầu tư, xây dựng đã lâu, hiện mặt đường xuống cấp sụt lún, bên cạnh đó bờ bao thấp, cống ngăn triều hư hỏng làm nước tràn bờ. Để giải quyết vấn đề ùn ứ nước trong khu dân cư ở P.An Phú Đông, chúng tôi đã phối hợp với UBND P.An Phú Đông tiến hành khảo sát thực tế và kiểm tra cửa xả. Theo đó, UBND quận 12 đã đề xuất UBND thành phố cho gia cố bờ bao với chiều dài 205 m (nhiều đoạn xung yếu) và cống ngăn triều bao gồm 12 gói thầu với 171 cống và 2 cống ngăn triều.
Tháng 11-2021, UBNDTP đã phê duyệt, hiện dự án đã được triển khai thi công với tổng kinh phí đầu tư gần 3 tỷ đồng. Dự kiến, đến trước Tểt Nguyến đán 2022, dự án sẽ hoàn thành. Ngoài ra, trên cơ sở địa phương báo cáo, UBND quận 12 đã đề xuất UBND TP duyệt vốn ngân sách để đầu tư, thực hiện dự án công trình gia cố, sửa chữa các đoạn đê bao sông Sài Gòn bị sạt lở và các cống ngăn triều bị hư hỏng trên địa bàn P.Thạnh Lộc. Đồng thời, Q12 đang chờ Thành phố nghiệm thu Dự án xây dựng bờ kè Kênh Tham Lương, Bến Cát, Rạch Nước Lên giai đoạn 1, chuẩn bị triển khai giai đoạn 2, đã được HĐND TP thông qua.
Bà Huỳnh Thị Tuyết Trinh, Quyền trưởng phòng Kinh tế quận 12 xác định: "Để hỗ trợ nhà vườn trồng mai trong dịp Tết 2022, chúng tôi đã lập danh sách 52 hộ đăng ký kinh doanh tại khu vực Công viên Gia Định, đồng thời hỗ trợ bà con liên hệ Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích Thành phố đăng ký chỗ bán hoa Tết, cũng như sắp xếp cho bà con đăng ký bán hoa trên tuyến đường Lê Thị Riêng; đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm độc quyền Mai ghép An Lộc Xuân ở 3 phường An Phú Đông, Thạnh Lộc và Thạnh Xuân".