Nhiều khó khăn, vướng mắc sau 2 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy

Thứ Bảy, 27/01/2024 20:22  | Thanh Hòa

|

(CATP) 2 năm qua, từ khi Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) năm 2021 đi vào cuộc sống đã khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập liên quan đến công tác PCMT, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác này. Tuy nhiên, việc thi hành Luật cũng vấp phải nhiều khó khăn, vướng mắc cần khẩn trương tháo gỡ.

Luật PCMT 2021 góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác PCMT; trong đó, lực lượng CAND có vai trò chủ công, nòng cốt. Luật giúp quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy (TPMT). Công tác rà soát, thống kê và tổ chức các biện pháp quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy được quan tâm chỉ đạo và thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc; việc rà soát được thực hiện từ xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, cụm dân cư, đáp ứng yêu cầu, chất lượng, phản ánh tương đối chính xác thực trạng người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chi tiết, đơn giản, rút gọn, phù hợp với thực tiễn, nhiều địa phương chủ động xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, việc thi hành Luật PCMT 2021 cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Các địa phương đều gặp khó khăn về việc bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương phục vụ công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy. Bộ Tài chính chưa xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn nội dung chi và mức chi trong hoạt động quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Luật PCMT. Các Nghị quyết của HĐND chủ yếu ưu tiên hỗ trợ công tác cai nghiện (phục vụ công tác giảm cầu), chưa quan tâm đúng mức hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách phòng, chống TPMT (Công an, Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển).

Tình trạng xuống cấp, quá tải ở nhiều trung tâm cai nghiện dẫn đến việc học viên gây rối, đập phá, bỏ trốn

Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cũng có hiệu quả thấp. Số đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức cá nhân đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa đáp ứng được yêu cầu. Có tình trạng người nghiện đăng ký cai nghiện nhưng không có cơ sở tiếp nhận do chưa có cơ sở cung cấp dịch vụ, trong khi cơ sở cai nghiện công lập thì quá tải, không tiếp nhận cai nghiện tự nguyện. Nguyên nhân là do Sở LĐTB&XH chưa kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở cai nghiện công lập thực hiện tiếp nhận cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; chưa phối hợp với Sở Y tế để tổ chức, bố trí các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã thực hiện được cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Mặt khác, quy định về điều kiện, cơ sở vật chất của cơ sở cung cấp dịch vụ theo Nghị định 116 là rất cao, khó đáp ứng được trong thực tế.

Về hình thức cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, các tổ chức, cá nhân không đầu tư vào lĩnh vực này do không có lợi nhuận, người nghiện đa phần thuộc người nghèo, không tự chi trả được các chi phí cai nghiện.

Về công tác quản lý sau cai, người nghiện ma túy không khai báo khi hoàn thành cai nghiện, bỏ đi khỏi địa phương nên công tác quản lý sau cai và lập hồ sơ đưa vào danh sách quản lý sau cai gặp khó khăn. Chưa có biện pháp, mô hình tốt giúp đỡ người sau cai nghiện, vì vậy người sau cai nghiện dễ bị lôi kéo thực hiện phạm tội về ma túy và tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy.

Mạng lưới cơ sở cai nghiện công lập không đồng đều giữa các địa phương. Một số địa phương bị thiếu cục bộ, quá tải về công suất. Hiện nay, số người nghiện lập hồ sơ đi cai nghiện bắt buộc tăng cao, dự báo tiếp tục xảy ra tình trạng quá tải ở một số cơ sở cai nghiện trong thời gian tới.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, hiện nay Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì trong công tác PCMT, tham mưu Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thực hiện có hiệu quả công tác PCMT ở địa phương.

Bộ Công an cũng đề nghị các cơ quan như Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính có biện pháp tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả việc triển khai thi hành Luật PCMT. UBND cấp tỉnh cũng cần quan tâm, chỉ đạo các ban ngành cơ sở bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với mỗi thành viên, không để tình trạng "khoán trắng" cho lực lượng Công an trong công tác PCMT. Xây dựng các mô hình, tạo nguồn vốn, công ăn việc làm cho người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái nghiện, góp phần "giảm cầu", nâng cao hiệu quả công tác PCMT.

Bình luận (0)

Lên đầu trang