Luật Phòng, chống ma túy năm 2021: Điều chỉnh phù hợp với thực tiễn

Thứ Tư, 15/12/2021 19:43

|

(CAO) Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy, góp phần quan trọng trong đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh của kinh tế, văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến công tác phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Do đó, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật và khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác này.

Thời gian gần đây, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp, đặc biệt là việc sử dụng ma túy tổng hợp.

Sự phát triển bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như vũ trường, quán Bar, karaoke, sự kiện âm nhạc... đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng trái phép ma túy tổng hợp. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy tổng hợp ngay từ lần đầu tiên đã gây nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự, không kiểm soát được hành vi, gây ra các vụ thảm án, tai nạn giao thông kinh hoàng, có những vụ đối tượng giết chính người thân trong gia đình mình.

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 sẽ quy định biện pháp quản lý người nghiện ma túy để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác và chính bản thân họ. Trong ảnh: Một người say ma tuý (ngáo đá) gây nguy hiểm cho một cháu bé

Tuy nhiên, trong Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000 lại chưa có quy định biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy để phòng ngừa họ tái sử dụng chất ma túy, theo dõi, giám sát để kịp thời ngăn ngừa họ vi phạm pháp luật, ngăn chặn hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác và chính bản thân họ, không để họ bước chân vào con đường phạm tội.

Bên cạnh đó, từ 2009 đến 2019, số người nghiện trong cả nước tăng 60% (từ 146.731 người lên 235.314 người). Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn, người nghiện ở ngoài xã hội nhiều, ảnh hưởng nghiệm trọng đến tình hình trật tự, an toàn xã hội. 

Đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản, hiệu quả không cao, nhiều địa phương chỉ làm hình thức, điều kiện về cơ sở vật chất không có hoặc không đảm bảo; công tác quản lý sau cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện không còn phù hợp; chưa có quy định về cai nghiện ma túy với người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy. Xã hội hóa công tác cai nghiện còn nhiều khó khăn.

Một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy không thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác. Cụ thể như: Mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính về quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; với Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự về thẩm quyền điều tra của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển.

Điều 259 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định thêm một số hành vi bị xử lý hình sự như: "Vi phạm quy định về tạm nhập, tái xuất, giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, cho phép sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần" nhưng trong Luật Phòng, chống ma túy chưa quy định nghiêm cấm các hành vi này.

Ngoài ra, còn một số vấn đề mới của thực tiễn đang đặt ra chưa có quy định, như: chính sách ưu đãi đối với lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, một số loại thuốc có chứa chất ma túy, tiền chất chưa đưa vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị về "tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy", Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được ban hành kịp thời, đáp ứng yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang