(CATP) Dự án tách nước phân lũ, phòng chống ngập úng cho các phường, xã phía Nam thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) do Ban quản lý Đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với tổng mức vốn sau khi đã điều chỉnh lên đến hơn 886 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, suốt 15 năm qua, nhiều hạng mục của dự án vẫn còn đang dang dở, xuống cấp. Thấy vậy, hàng chục hộ dân đã đến khoanh vùng những địa điểm được giải tỏa mặt bằng để nuôi trồng thủy sản, gây bức xúc cho chính quyền địa phương.
Năm 2009, để thoát nước, hạn chế khả năng ngập lụt cho gần 80km2 khu vực lưu vực sườn Đông dãy Hoành Sơn, nơi có Công ty TNHH gang thép Formosa Hà Tĩnh và các cụm dân cư trên QL1A (đoạn đi qua thị xã Kỳ Anh), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt dự án hệ thống tách nước phân lũ, phòng chống ngập úng cho các phường, xã phía Nam thị xã Kỳ Anh. Dự án này do Ban quản lý Đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, với tổng mức vốn sau khi đã điều chỉnh là hơn 886 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước. Dự án được chia ra thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 của dự án từ phường Kỳ Phương đến cầu Tây Yên, giai đoạn 2 và giai đoạn 3 từ cầu Tây Yên đến đê Hòa Lộc (phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh).
Quá trình thi công giai đoạn 1 (năm 2009 đến 2011) về cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, giai đoạn 2 và giai đoạn 3, nhiều hạng mục của dự án được thi công dang dở, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương. Đặc biệt, nhiều đoạn kênh đang thi công dở bị người dân ra lấn chiếm, đắp hồ để nuôi tôm làm thay đổi hiện trạng, xuống cấp, có nguy cơ thất thoát lãng phí.
Nhiều hộ dân đã lấn chiếm, đắp hồ nuôi tôm trên phần đất dự án thuộc phường Kỳ Trinh
Ông Nguyễn Hữu Thanh - Phó Chủ tịch UBND phường Kỳ Trinh cho biết: "Để triển khai dự án tách nước phân lũ qua thôn Hòa Lộc, địa phương đã thu hồi hơn 49ha diện tích đất trồng hoa màu và trồng lúa của hàng trăm hộ dân. Nhưng từ năm 2015, dự án bị dừng lại nên đến năm 2019, hàng chục hộ dân thấy bỏ hoang đã kéo nhau ra khoanh bao hồ nuôi tôm".
Theo ông Thanh, hiện có khoảng 40 hộ dân lấn chiếm diện tích đất dự án để nuôi tôm. Chính quyền địa phương đã thông báo, cử lực lượng ngăn cấm nhưng chưa xử lý dứt điểm. Phường Kỳ Trinh đã nhiều lần có báo cáo, kiến nghị bằng văn bản về những bất cập, hệ lụy do dự án này gây ra gửi lên UBND thị xã Kỳ Anh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi về dự án có tiếp tục được triển khai nữa hay không.
Ông Trần Kiên - Trưởng phòng Giám sát - điều hành dự án thuộc Ban quản lý Đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, dự án kênh tách nước phân lũ, phòng chống ngập úng cho các phường, xã phía Nam thị xã Kỳ Anh triển khai từ năm 2009 được chia 3 giai đoạn. Tổng dự án phê duyệt ban đầu hơn 886 tỷ đồng, trong đó chi giải phóng mặt bằng gần 400 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và một phần ngân sách tỉnh Hà Tĩnh.
Các khối vật liệu thi công dự án nằm ngổn ngang, hư hỏng
Dự án do 3 đơn vị liên doanh thi công gồm: Công ty CP xây dựng 1 Hà Tĩnh, Công ty Hòa Hiệp và Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Nga Sơn. Theo đó, giai đoạn 1 từ phường Kỳ Phương ra cầu Tây Yên đã hoàn thiện từ năm 2011, tuy nhiên theo tổng dự án là ra đến cầu Sông Quyền. Hiện tại giai đoạn 2 và giai đoạn 3 gồm hồ điều hòa 175ha, 4,2km kênh ngăn mặn và bara Tây Yên chưa thi công.
Theo ông Thanh, lý do dự án dang dở do quá trình thi công tuyến kênh này gặp nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng và vốn. Các ngành chức năng đã vào cuộc với nhiều cuộc họp về vấn đề này. Ngày 18/10/2022, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản yêu cầu các ban ngành đánh giá tổng thể dự án. Ban quản lý Đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cũng đã thuê đơn vị tư vấn độc lập đánh giá lại dự án và hoàn thiện điều chỉnh phương án thi công. "Nếu bây giờ triển khai tiếp dự án thì cần phải bổ sung nguồn vốn lên gấp đôi, hơn 1.000 tỷ đồng. Chúng tôi đã lập phương án thi công và đang trình chờ tỉnh phê duyệt" - ông Kiên nói.
Về việc người dân lấn chiếm, đắp hồ nuôi tôm trên phần đất của dự án, ông Kiên cho biết đã làm việc nhiều lần và có văn bản gửi thị xã Kỳ Anh, phường Kỳ Trinh yêu cầu người dân dừng lấn chiếm nuôi tôm. Thế nhưng việc này chưa được xử lý triệt để.