(CATP) Trong công văn gửi Chủ tịch UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức về việc tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đã đề nghị các địa phương này thực hiện một số nội dung quan trọng để thực hiện tốt công tác quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố phù hợp với tình hình giao thông và nhu cầu thực tiễn trên địa bàn.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó Sở GTVT đã chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND TP ban hành các văn bản pháp lý, quan trọng để triển khai; ngoài ra đã có văn bản số 15858/HD-SGTVT ngày 25/12/2023 hướng dẫn thực hiện; và có 27 văn bản điều hành, đôn đốc từ đầu năm 2024 đến nay gửi UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức. Sở GTVT cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP, trong đó có trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan, trình tự thủ tục, các biểu mẫu, hình vẽ minh họa...
Tuy nhiên, theo Sở GTVT TPHCM, tiến độ thực hiện của một số quận, huyện đến nay vẫn còn chậm so với kế hoạch. Cụ thể, hiện có 3 quận, huyện ban hành danh mục theo thẩm quyền; 19 quận, huyện chậm trễ ban hành, chưa thực hiện theo nội dung chỉ đạo của UBND TP; 12/22 quận, huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện theo Kế hoạch số 6132/KH-UBND; 16/22 quận, huyện báo cáo kết quả thực hiện trong quý 1/2024; 18/22 quận, huyện đề xuất danh mục, tuy nhiên một số tuyến đường đề xuất chưa phù hợp quy định; 5/22 quận, huyện triển khai cấp phép, thu phí theo quy định.
Một tuyến đường ở Quận 1 được kẻ vạch trên vỉa hè để thu phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường (ảnh CTV)
Do vậy, nhằm thực hiện tốt công tác quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố phù hợp với tình hình giao thông và nhu cầu thực tiễn trên địa bàn TPHCM, Sở GTVT đề nghị Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện quan tâm, tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn quản lý theo các quy định đã ban hành, góp phần vào việc thiết lập trật tự an toàn giao thông (TTATGT), văn minh, mỹ quan đô thị và tạo sự đồng thuận của nhân dân.
Bên cạnh đó, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện cần khẩn trương ban hành danh mục các tuyến đường có hè phố cho phép để xe 2 bánh không thu tiền dịch vụ; đồng thời tiến hành rà soát, lựa chọn một số tuyến đường có lòng đường, hè phố đủ điều kiện sử dụng ngoài mục đích giao thông khác (kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa, trông giữ xe...) để triển khai thực hiện có lộ trình, công bố rộng rãi phạm vi, thời gian sử dụng tạm thời; tổ chức việc cấp phép, thông qua phương án và thu phí theo quy định.
Các địa phương cũng cần chỉ đạo lực lượng chức năng phát động các đợt kiểm tra, xử lý; duy trì thường xuyên, liên tục việc tổ chức kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, đảm bảo TTATGT, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị; đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tại địa bàn trong công tác giám sát đối với các cá nhân, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện quản lý sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố theo kế hoạch, giấy phép và phương án sử dụng đã được chấp thuận.
Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM, các địa phương phải tuân thủ việc báo cáo định kỳ hàng quý về công tác quản lý, thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để Sở nắm thông tin, báo cáo kịp thời cho UBND TP nhằm có các quyết sách phù hợp.