Tre để bắc cầu là loại tre già, lớp vỏ ngoài của thân cây tre đã ngả màu ửng vàng, rất cứng, bền chắc. Người ta đốn xuống bắc qua kênh, rạch, mương vườn để tiện việc lưu thông cho người đi bộ ở miệt rẫy, miệt vườn. Thường cầu tre được bắc sóng đôi, hai cây tre sát nhau cho dễ đi. Nếu kênh, rạch rộng, hai bờ xa, cầu tre phải bắc nối nhau hai nhịp, hoặc ba nhịp, mỗi nhịp có hai cây tre đóng sâu xuống đáy rạch, đáy kênh chéo nhau để làm giá đỡ cho nhịp cầu và thêm tay vịn cho người đi khỏi té, nhất là vào mùa mưa, bùn sình trơn trợt.
Hình ảnh cây cầu tre gắn liền với kỷ niệm, ký ức tuổi thơ của đời người nên đã đi vào ca dao, vào câu hát ru em trước khi có những bài hát nói về nét đẹp của cầu tre. Mấy câu ca dao, điệu ví ngày xưa đã trở thành bài hát ru em nói về hình ảnh của cây cầu tre ai cũng biết:
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.
Khổ thơ lục bát xuất phát từ dân gian theo cách truyền khẩu này mang đầy hình ảnh và tình tự của người mẹ thuần Việt ngày trước ngồi bên cánh võng hát ru con ngủ đã theo tôi qua hết tháng năm dài tới nay đã hơn nửa đời người. Mỗi lần nhớ đến, nghĩ đến tâm hồn tôi luôn rung động một cách sâu sắc, mãnh liệt.
Cầu ván thì quá sang trọng, chắc chắn phải đóng đinh rồi, còn cầu tre không thể đóng đinh mà phải buộc dây, có khi là dây thừng, có khi lấy dây mây ven bờ rạch, bờ kênh để cột, vì cầu tre chiếc (một cây tre) hay cầu tre đôi (hai cây tre bắc song song) luôn chông chênh theo vị thế từ bờ rạch, bờ kênh bên này nhỏng cao lên, khoảng giữa dòng nước chảy xiết và thấp dần xuống sát bờ rạch, bờ kênh bên kia.
Cầu tre không thể bắc chõng chơ trên dòng nước vì nó lắt lẻo, rất khó đi, nhất là vào mùa mưa, chân lấm bùn leo lên cầu tre dễ té do trơn trợt. Cầu tre phải có tay vịn, và người đi trên cầu tre bước đi luôn gập ghềnh, xiêu vẹo, chông chênh và đó là hình ảnh người mẹ đơn thân nuôi con giữa xã hội phong kiến, một mình dắt con đi qua năm tháng, có đoạn phải đi trường học, có đoạn phải đi trường đời, nó giống như những người mẹ quê nhọc nhằn bước qua những đoạn cầu tre.
Nếu một người đàn ông có trái tim nhạy cảm, nghĩ thấm sâu hơn chắc chắn sẽ ngậm ngùi rơi nước mắt về người phụ nữ và đứa con thơ mình đã bỏ rơi trên hai đoạn đường đó với mấy nhịp cầu tre lắt lẻo.
Có lẽ bị ám ảnh bởi bài hát ru em này từ ngày thơ ấu khi mẹ tôi hát ru tôi ngủ, rồi tới những đứa em tôi sau đó ở căn nhà lá bên sông nơi quê ngoại nên bây giờ mỗi lần về quê tôi thường đi sâu vào các thớt vườn dừa để qua một con rạch, để được đi lại mấy cây cầu tre lắt lẻo đầy hình tượng và cảm xúc dạt dào kia. Nhưng ngay cả quê làng tôi, được xem là nghèo nhất của mảnh đất quê nghèo nhiều sông rạch, kênh mương cầu tre cũng rất hiếm.
Hầu hết những cây cầu tre xưa mà tôi từng đi qua thuở ấu thơ, có thể là đi học, đi chơi, đi câu cá, đi hái bần, đi soi cua, soi ếch ban đêm, đi tắm vào buổi trưa, buổi chiều... đều đã được thay bằng cầu đúc bê-tông xi-măng. Con rạch Cầu Lộ và rạch Xẻo Bần, Xẻo Lá nối hai xã Phú Vang - Lộc Thuận có hai cây cầu ván ngày xưa, giờ cũng có cầu bê-tông rộng rãi, khang trang, xe ô-tô con chạy qua được.
Tìm mãi, đi mãi theo những lối mòn lúc nhớ lúc quên, cuối cùng tôi cũng đến được con xẻo ngày xưa qua nhà cô bạn gái học cùng lớp thời tiểu học. Và chỉ ở đây, một vùng sâu, vùng xa sau khi băng qua không biết bao nhiêu thớt vườn dừa bạt ngàn mới thấy sót lại một cây cầu tre bắc qua con xẻo dừa nước gọi là Xẻo Lá xen lẫn những cây bần rậm rạp đang mùa bông trắng xóa.
Cây cầu tre bắc qua xẻo, bên kia là ngôi nhà của cô bạn gái, giờ lợp mái tôn fipro xi-măng thay cho mái lá, tường gạch không tô, một gian nới rộng thành ba gian. Nhưng cây cầu tre thì vẫn như cũ, chỉ một cây tre đơn chiếc gá vào hai cây trụ chống bắt chéo hình tam giác giữa dòng nước. Rồi từ đó, một cây tre đơn chiếc khác nối tới bờ xẻo bên kia.
Tôi bước chậm đi qua, tay nắm chắc thanh vịn, vô cùng cẩn thận, không phải vì sợ té xuống nước mà vì sợ mau qua khỏi cây cầu tre lắt lẻo. Ừ, quả đúng như câu hát ru em, từ ngày mẹ hát đưa tôi, đưa em tôi ngủ trên cánh võng tuổi thơ cho tới bây giờ, cầu tre luôn lắt lẻo.
Nhưng cầu tre qua xẻo dừa nước lưa thưa, tán bần rợp trời hoa trắng càng lắt lẻo hơn khi tôi bước trở về. Cô bạn nhỏ ngày xưa thời tiểu học đã có chồng Đài Loan, đang ở Cao Hùng. Ngôi nhà giờ chỉ còn ông bà già và đứa em trai tàn tật bẩm sinh không nói được chỉ ú ớ khi nhận ra tôi là người quen và chỉ tay ra cây cầu tre bắc qua xẻo gục gặc đầu ú ớ chẳng biết nói gì, nhưng dáng chừng rất xúc động.
Tôi bước qua cây cầu tre lắt lẻo, lần này lắt lẻo cả đôi chân. Tôi bước nhanh hơn để mau qua khỏi cây cầu kỷ niệm.
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.