1.Lần đầu tiên nghe người bạn văn trẻ kể về quê mình ở vùng đất bán sơn địa Đồng Nai nhiều huyền thoại, bí tích thiên nhiên kỳ ảo, tôi đã thật ấn tượng và bị mê hoặc với hai chữ "Phương Lâm" - là Rừng thơm, nơi bạn sinh ra và lớn lên. Rồi qua những trang văn, trang thơ của bạn cùng rất nhiều câu chuyện vụn bạn kể về miền quê của mình, miền đất Tân Phú, mà trong trí tưởng tượng khá phiêu linh, hơi hoang dã và đầy lãng mạn bay bổng trong tôi, rất nhiều thứ dị ảo quyến rũ gây phấn khích để mơ khám phá.
Vâng! "Xách balo lên và đi". Từ TP.Hồ Chí Minh, theo hướng tây bắc mà thẳng tiến theo cung đường Quốc lộ 20, hơn 130km.
2. Có lẽ không ai như tôi, bắt đầu cuộc phiêu du miền đất lạ, lại xuất hành vào cái giờ "thiên binh, thiên tướng", đã thế ông trời cho một cây mưa sầm sập trắng xóa mênh mang cả phố. Mà chính vậy, khi ra khỏi thành phố, đến ranh giới chạm vào Đồng Nai, những rơi rớt của mưa chỉ còn là vài làn bụi nước li ti mỏng như sương, tạo thành những vệt lấp lánh trong cái nắng quái của chiều, xiên chéo vào từng vạt rừng cao su xanh rậm rì, thành khoảng sáng mờ ảo, cho ánh mắt tò mò chợt dừng lại những hàng cây hun hút theo từng vòng lăn xe vùn vụt qua...
Quốc lộ 20, Dốc Mơ, thật như mộng với khúc đường dốc nghiêng nhẹ quanh co, khung cảnh như cổ tích với nhấp nhô nhiều gác chuông nhà thờ ẩn hiện sau những vườn cây xanh um tùm, những mái nhà nhiều hình dạng phảng phất như một bức tranh lập thể vui mắt nếu nhìn từ trên cao xuống. Một chút ngó nghiêng trên hành trình bằng cuộc dừng chân ít phút ở Núi Cúi (Gia Tân 1, Thống Nhất, Đồng Nai).
Ngọn núi cao gần trăm mét, mang hình thang cân, nhìn từ xa giống như chiếc ấn của Trời cao niêm xuống lòng hồ Trị An, con hồ hòa nguồn nước sông Đồng Nai và sông La Ngà. Tất cả tạo nên một quang cảnh sơn thủy như thơ trong tiếng gió reo chim hót.
Từ đỉnh núi, bức tượng Đức Mẹ Maria trắng thanh khiết, thiện lành, hiền hòa, cúi xuống nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn. Hướng đông là cánh rừng cao su xanh bạt ngàn đầy sức sống. Hướng tây là hồ Trị An với gương nước mênh mông, êm đềm, thơ mộng. Hướng nam là ngọn tháp cao 100m của Nhà thờ Dốc Mơ trang nghiêm lan tỏa đức tin. Hướng bắc là những vườn cây ăn trái, ruộng lúa màu mỡ, bốn mùa tỏa hương.
Như một tiếp nối của câu chuyện thần thoại ngàn xưa thuở miền Định Quán còn sơ khai lập địa, Đá Ba Chồng, với chiều cao 36m, nằm chênh vênh ngay bên cạnh Quốc lộ 20 trên con đường về Tân Phú, với ấn tượng mạnh mẽ thót tim bởi cái so le của ba hòn đá không theo một quy tắc định luật vật lý nào, ngỡ chỉ một cơn gió ngang qua là có thể lăn rơi. Theo tài liệu địa chất xưa thì ba hòn đá này thuộc di chỉ văn hóa Óc Eo Phù Nam ở thềm cao nguyên miền Đông Nam bộ.
Trải qua hàng triệu triệu năm dãi dầu với ba lần ngâm mình khi nước biển tràn vào, chứng kiến hàng trăm ngọn núi lửa hoạt động phun trào dữ dội, khối hoa cương qua nhiều lần kiến tạo chuyển dịch các mạch đất đá, đã đẩy nó chồi lên, rồi những giọt mưa thiên thu nhỏ vào phiến đá, mài tròn trịa, tạo dáng chông chênh, chồng lấn nhau, để hôm nay thành một kỳ quan sơn thạch ngẫu hứng thiên tạo huyền siêu, dọc con đường thiên lý Nam - Bắc.
Được biết, Đá Ba Chồng là di tích thắng cảnh cấp quốc gia theo Quyết định 1288/VH-QĐ ngày 16-11-1988.
3. Tôi đã chạm vào miền quê Phương Lâm - Tân Phú khi nắng chiều như chia hai tầng giới với hai sắc thái khá riêng biệt. Phía trên cao những ngọn lá rừng giá tỵ đang vào mùa hoa, nắng còn đủng đỉnh di chuyển, quét lên màu hoa ánh sáng tạo thành từng vạt vàng sang quý trên nền lá xanh ngắt. Phía dưới thấp, một màn sương mỏng bãng lãng, là đà, cuộn vào đám cây cỏ, lẩn khuất vào trong sâu khu rừng.
Hoàng hôn dần buông, cả không gian như được một chiếc ô khổng lồ màu tím nhạt trong suốt che phủ, để thấp thoáng vài lóng lánh ngọn sao đêm tít tắp xa, để ngập ngừng mảnh trăng non treo hờ hững lưng chừng đỉnh núi cuối cùng của dãy Trường Sơn huyền thoại.
Bạn ví von, miền đất Tân Phú là một cung đường tình bắc cầu cho TP.Hồ Chí Minh đến với Đà Lạt. Để "nuôi" và tăng cấp độ những cảm xúc trước khi hòa mình với cao nguyên ngàn hoa. Tân Phú đã tạo men tạo mật bằng phong cảnh thiên nhiên còn hoang sơ của mình với rừng thơm hương kỳ hoa dị thảo ríu ran chim hót, hồ nước trong veo soi cả rong rêu tới đáy giữa núi đồi thảo nguyên xanh, thác suối trong vắt ngày đêm hòa tấu bản nhạc nước tạo thành giai điệu rừng huyền diệu.
Những địa danh: Vườn quốc gia Cát Tiên, suối Mơ, thác Hòa Bình, hồ Đa Tôn..., trở thành bảo vật quý giá của Phương Lâm - Tân Phú. Còn là những vạt rừng giá tỵ cổ thụ xanh mướt lá, bạt ngàn hoa vào mùa. Còn là những khu vườn trái quý đã thành danh quanh năm thơm thảo ngọt lành. Còn là những cánh đồng lúa phủ một màu xanh mênh mang, thấp thoáng những ngôi nhà với các nét chấm phá mềm mại bởi làn khói lam chiều ấm áp...
Nhìn trên bản đồ địa lý, vùng đất Tân Phú bán sơn địa này nằm ở một vị trí thật độc đáo, kề cận những miền đất đầy huyền thoại cổ xưa. Phía đông và đông bắc giáp Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng; phía đông nam giáp Đức Linh tỉnh Bình Thuận; phía tây bắc giáp Bù Đăng tỉnh Bình Phước; phía tây nam giáp huyện Định Quán; phía tây giáp huyện Vĩnh Cửu. Và tôi còn thú vị hơn khi phát hiện thị trấn và 11/17 xã có chữ "phú” trong tên gọi, để hình dung ngay đây là một miền quê trù phú, đầy tiềm năng sản vật cả của trời cho lẫn nhân tạo.
Không biết có phải tôi được miền "rừng thơm" Tân Phú này đãi một tiệc trăng non siêu thực ở vùng bán sơn địa còn đậm chất hoang sơ nguyên thủy, dù rừng xưa nay đã thành làng thành phố. Từ ngôi nhà của người bạn văn trẻ ven Quốc lộ 20, nhìn thấy hai ngọn núi được cư dân vùng này đánh số 136-138 đen thẫm, tạc vào đêm hình thù có chút cổ quái, giống như hai người khổng lồ đang dợm chân bước vào phố, cảm thấy tim mình đập nhanh một nhịp, vừa hơi sờ sợ run run, vừa ước gì được chạm vào để cảm nhận như thế nào.
Trăng non, ánh sáng lễnh loãng bàng bạc từng chùm mỏng, tỏa xuống đêm li ti bụi mịn, tiếng côn trùng ri rỉ tỏ tình hay ru dìu nhau trong giấc khuya, vài tiếng lá khô khe khẽ rời cành đáp nhẹ xuống phố, tất cả chỉ để cho không gian ảo mờ liêu trai của thế giới bóng tối thêm thần bí. Thời gian hình như cũng đang ngưng tụ trong những giọt sương mang màu đêm dần nặng hơn, lạnh hơn, trăng khuyết cong như chiếc ngà voi xinh xinh treo ngang lơ lửng khoảng không, cũng bắt đầu tỏa ánh sáng bạc trắng loáng ướt những mảnh lá...
Và vào lúc này, cảm nhận "Rừng thơm" - Phương Lâm mới thật rõ ràng. Gió vừa đủ dài tay để đưa hương hoa giá tỵ về phố, vừa đủ nhẹ nhàng chở hương hoa và trái chín từ các khu vườn quả mùa, lan tỏa vào không gian đêm, vừa đủ mát như viên kem ngọt để "lắng" hương "định" vị tặng cho ai đó thức cùng đêm thưởng thức. Tôi gần như thở nhẹ, để hít từng hơi sâu mùi hương, để nghe từng tầng thơm hoa trái, để lưu giữ cảm xúc về miền "Rừng thơm", mà chỉ mới chạm vào đã gây thương gây nhớ...
4. Không chỉ một lần, tôi đã trầm trồ bởi sự mê hoặc của tiếng gió lồng lộng trên khoảng mây cao vút thênh thang nơi vùng hồ, sự quyến rũ của nhiều tông màu xanh lá vây bọc khắp bốn phía lưng chừng đồi núi, sự thơ mộng của gương nước khổng lồ trong vắt hồ, in hình cả không gian bao la bầu trời, những dãy núi, bờ đê, cùng lung linh xanh cây ăn trái, cây lấy gỗ, cây cỏ hoa, qua các clip của người bạn văn trẻ quê Tân Phú quay cảnh hồ Đa Tôn.
Bạn không giấu niềm tự hào khi khoe vùng hồ được mệnh danh là "viên ngọc bích" của Thanh Sơn - Tân Phú - Đồng Nai. Bạn viết: "Khách đến hồ Đa Tôn, bây giờ đã có thể thưởng lãm từ nhiều góc khác nhau. Lên cao, tung về bốn phía một cái nhìn bao quát, ta sẽ thấy cả hồ nhỏ lẫn hồ lớn dường như đang ôm ấp nhau, và có gì đó rất Phương Lâm mà cũng rất "Đà Lạt": Góc lên "Đồi của gió”...".
Tôi đã theo những dòng chữ của bạn, "Đồi của gió”, men con đường đất đỏ ngoằn ngoèo dốc, khá cao, nhiều gân đá chồi lên uốn lượn trơn trượt, hai bên là những khóm mai xanh, sim tím Thái, sao nháy vàng xen kẽ nhau khiêm nhường, để đến ngôi nhà sàn bằng gỗ thông cheo leo trên đỉnh đồi, phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh hồ Đa Tôn vào lúc mặt trời là một góc thẳng đứng với mặt nước.
Từ nơi này, tầm mắt không vướng víu, có thể bao quát tất cả không gian quanh hồ, ngắm cồn cát với viền cỏ xanh rì quanh mép nước, những rặng cây sao dầu cổ thụ kiêu hãnh vươn ngọn trên đỉnh đồi, những bông cỏ lau trắng xao xác gió, lác đác vài khóm cỏ hồng kiêu kỳ đong đưa trên triền núi, rồi những tán bạch đàn khoáng đạt tỏa bóng mát, và mê mải thoai thoải những vườn sầu riêng non tơ lúp xúp đang góp vào sắc xanh phủ núi đồi...
Tưởng chừng sẽ thật khó mà "check in" những shot hình ảnh long lanh như ý. Nhưng không, có một sự kỳ diệu rất khó giải thích, tất cả hình ảnh đều trở nên huyền ảo, lung linh đầy quyến rũ, cảm giác như đang được hòa trong cảnh sắc thiên nhiên, cùng một tần số giao hòa nhịp nhàng với lăn tăn sóng nước mặt hồ, để cùng thấu cảm trong nhau những cảm xúc đang choáng ngợp mà rất khó gọi tên.
Nhớ khi còn ở dưới cái quán ăn mang tên Thuận bên bờ hồ, tôi đã hỏi người bạn văn trẻ, vì sao ông chủ lại lấy cái tên "Đồi của gió”. Bạn không trả lời thẳng vào câu hỏi, nhưng ngầm ý, cứ lên đồi, sẽ có câu trả lời...
Ừ mà gió thật, đứng trên căn nhà gỗ, tứ bề gió, thật lạ, gió không hề nghịch ngược nhau, cảm giác gió như một vòng tròn, để bất kỳ hướng nào cũng hứng gió. Mà gió hồ Đa Tôn, không hiểu có phải là vì phóng khoáng tự do nên có thật nhiều cung bậc ngẫu hứng. Có lúc gió chờm ngợp vồ vập vây bủa, có khi gió mơn trớn ve vuốt dịu dàng.
Thi thoảng gió lại e ấp chạm khe khẽ cho tóc mai bay nhẹ vướng hàng mi, vài khoảnh khắc gió như một cơn lốc xoáy quay tròn những chiếc lá trong không trung rồi thả rơi chúng xuống lòng hồ. Bất chợt nghe ào ào gió thổi thông thốc như đuổi bắt nhau giữa khoảng trống, và bỗng dưng gió dừng lại, len vào một khóm hoa cho từng cánh rung nhịp hoan lạc...
5. Phương Lâm - Rừng thơm Tân Phú, chỉ mới sương sương chạm vào, chỉ mới tạm he hé vài khám phá. Vẫn còn đó nhiều lắm những hoang sơ sơn thủy giao tình, non nước giao duyên, tạo nên những tiên cảnh trần gian. Vẫn còn đó nhiều lắm những thi vị của đất và người, của mỹ vị nhân gian qua những sản vật trời ban, nhân tạo, chưa thể ngay một lúc thưởng thức cảm nhận thật đầy đủ.
Rời Phương Lâm, trong tôi là bao lưu tình luyến tiếc. Nhiều lắm những câu chuyện huyền mị của miền đất này, như những kho tàng giàu có đang đợi chờ nhân duyên giải mã... Tôi tự mỉm cười với mình khi nhớ lại, lúc chia tay Phương Lâm, tôi đã chào tạm biệt cỏ cây hoa lá trong khu vườn nhỏ xinh của người bạn văn trẻ, và đặc biệt, khỏa tay vào đám cỏ đậu phọng xanh mướt mịn, hẹn gặp lại chúng như một thân tình để thương để nhớ.