(CATP) Câu để vừa đỡ nhớ quê, vừa giải trí, đồng thời cũng là một phương tiện kiếm sống cho một đứa trẻ nghèo sớm xa mẹ rời quê lên Sài Gòn. Hơn nữa, câu lươn ở Sài Gòn hồi đó ít ai biết, hoặc nếu có người biết cũng ngại vì sợ lội bùn sình tìm hang lươn ở chỗ hôi hám, dơ bẩn.
Câu lươn ở thôn quê là một cách để cải thiện bữa ăn gia đình người nông dân lúc nông nhàn hay khi cần... mồi nhậu đối với người lớn. Bởi câu lươn rất đơn giản, nhàn hạ, không mất nhiều công sức nhưng lại rất hấp dẫn với việc "đấu trí” với con lươn từ khi nó ở dưới hang, lúc ăn câu và khi kéo được nó lên khỏi miệng hang bỏ vào giỏ.
Đối với trẻ con ngày xưa thì câu lươn đúng là một thú vui thời thơ ấu, một môn giải trí lành mạnh, gần gũi với thiên nhiên khi chưa có tivi, máy tính, điện thoại di động và hiện tượng "cày game" như bây giờ. Và thời tôi còn nhỏ, nông thôn chưa có điện, đêm đêm phải đốt đèn dầu, ngọn đèn dầu bóng tròn trứng vịt mà bây giờ khi nói đến giống như nói chuyện... cổ tích.
Nhưng câu lươn không chỉ ở nông thôn, vùng ruộng rẫy. Ngay ở Sài Gòn thời tôi mới rời quê nhà lên ở với Ba tôi và bà mẹ kế để tiếp tục học lên cấp 2 trong một con hẻm sâu, chằng chịt sông rạch, kênh mương gọi là hẻm Nam Tiến, đường Bến Vân Đồn của vùng đất Khánh Hội xưa, quận 4 ngày nay cũng là nơi lý tưởng để một đứa trẻ con nông thôn trổ tài câu lươn. Câu để vừa đỡ nhớ quê, vừa giải trí, đồng thời cũng là một phương tiện kiếm sống cho một đứa trẻ nghèo sớm xa mẹ rời quê lên Sài Gòn. Hơn nữa, câu lươn ở Sài Gòn hồi đó ít ai biết, hoặc nếu có người biết cũng ngại vì sợ lội bùn sình tìm hang lươn ở chỗ hôi hám, dơ bẩn.
Hẻm Nam Tiến ngày đó chia nhiều ngóc ngách chằng chịt và dân cư tứ xứ hầu như ở nhà mướn cất trên kênh, rạch nước ra vô mỗi ngày. Nhưng lại có những con rạch nước tù đọng, cực kỳ dơ bẩn, bốc mùi hôi kinh khủng cả mùa mưa lẫn mùa nắng. Và nhà nào cũng có cầu tõm ở phía sau, thải thẳng xuống kênh, rạch thậm chí là mương. Nếu nhà không có cầu tõm riêng thì cả xóm đi cầu công cộng 5 ngăn hoặc 7 ngăn mà người ta gọi đùa là "nhà hàng 5 căn hoặc 7 căn".
Xóm tôi ở cũng y như những xóm lao động khác vùng Khánh Hội, đều có cầu tõm công cộng và kênh mương. Chính ở những khu xóm nhiều kênh mương như thế nên tôi phát hiện có rất nhiều hang lươn và có lẽ tôi là đứa trẻ con duy nhất biết câu lươn... ở Sài Gòn để bán kiếm tiền đóng học phí và mua sách vở, ít phải xin tiền gia đình.
Câu lươn ở thành phố lúc đó còn là chuyện lạ, biết cách tìm hang lươn để câu càng lạ hơn, nên cả trẻ con lẫn người lớn trong xóm hoặc ở các xóm lân cận nghe danh tôi biết câu lươn đều xúm đến xem và muốn tôi truyền dạy nghề. Lươn trên kênh, mương trong xóm lúc đó thì... muôn trùng vì chưa có ai biết câu lươn nên tôi có một "địa bàn" lý tưởng để thi thố tài nghệ.
Câu lươn ở xóm cầu tõm, kênh nước đen vùng Khánh Hội rất đơn giản, vì hang lươn... nhiều hơn hang cá "lóc nói" mà người thành phố gọi sai là "thòi lòi", một loài sống lưỡng cư, nhỏ cỡ ngón tay út dài khoảng 3-4cm, mình có sọc đen lẫn với những vẩy sao màu xanh sáng óng ánh, thịt hôi và dai chẳng ai ăn. Thật ra "thòi lòi" là một loại cá khác, to hơn chỉ sống dưới nước, không sống trên cạn được, ở hang và nước lớn lên khỏi hang phóng chạy trên mặt nước rất nhanh khi di chuyển hoặc bị săn đuổi.
Ngày nghỉ học tôi chuẩn bị cho một buổi đi câu lươn trong xóm rất đơn giản. Một cây cần trúc nhỏ cỡ ngón tay cái, dài khoảng 1m với dây cước chắc chắn dài non sải tay cột lưỡi câu uốn có ngạnh sâu, lon sữa bò đựng trùn đất và cái thùng thiếc đựng lươn. Khi nước ròng, kênh mương trong xóm trơ bãi bùn, tôi đi dài theo mép bùn quan sát tìm hang lươn, rất dễ nhận biết nếu có chút kinh nghiệm. Hang lươn luôn mở miệng, nếu nằm sát mí nước thì hang lúc nào cũng sôi tim, nếu nằm trên cạn thì có dấu lươn bò. Lưỡi câu móc nguyên con trùn đất, kẹp sợi dây cước cặp cần câu, tay đẩy nhẹ vào hang lươn rồi rút cần ra... chờ đợi.
Cầu Khánh Hội, Q4 - Sài Gòn xưa xưa kia
Lươn là loài ăn tạp và rất mê mồi trùn đất nên con lươn háu đói chẳng bao lâu sẽ ngoạm mồi nuốt vào bụng. Dân câu lươn có kinh nghiệm khi thấy cần câu động đậy thì đừng vội kéo ra ngay mà chờ ít phút cho lươn từ từ nuốt miếng mồi vào bụng rồi mới kéo căng dây cước. Lập tức chú lươn mắc câu sẽ cong mình trì kéo lại thi với sức người. Đến đây thì phải dùng mẹo để bắt lươn ra khỏi hang dễ dàng chỉ bằng cách búng ngón tay vào sợi dây cước đang căng giữa người và lươn. Dây cước bị búng sẽ làm xê dịch lưỡi câu trong ruột lươn, không còn gì đau đớn hơn, ngay lúc đó người câu rút mạnh cần để kéo chú lươn ra khỏi hang.
Sài Gòn thuở ấy còn nhiều kênh rạch, khu Khánh Hội kênh, rạch chằng chịt nên hang lươn rất nhiều và chú lươn nào cũng to cỡ cườm tay, vàng rượm, nặng nửa ký là chuyện bình thường. Một buổi câu lươn như thế, tôi "thu hoạch" được vài ba ký lươn trước sự thán phục của nhiều người trong xóm và lũ trẻ con cùng trang lứa. Điều đặc biệt là không ai dám ăn lươn câu dưới kênh rạch trong xóm nên tôi chỉ... bán cho mối quen ở chợ Cầu Muối, chợ Cầu Ông Lãnh.
Thật ra, dù sống ở nông thôn, miệt ruộng miệt vườn hay chốn kênh mương miệt thị thành xa xưa, lươn cũng chỉ ăn trùn, cá, tép, cua còng nhỏ. Thịt lươn lại lành tính, chế biến được nhiều món rất ngon như lươn um nước dừa, lươn xào lăn, lươn xào lá cách. Đặc biệt món lẩu lươn thì đúng là... mồi bén cho dân nhậu.
Bây giờ vùng quận 4 - Khánh Hội đã khác xưa, ngay cả những con hẻm cũ cũng "mất tích" trước những chung cư và nhà phố, biệt thự xây cất ngày một tấp nập. Câu lươn ở Sài Gòn chỉ còn là một hoài niệm rất xa xưa, thấp thoáng trong nỗi nhớ của người xa quê với thú vui từ ngày thơ ấu. Chuyện "Câu lươn ở Sài Gòn" cũng đã đi vào cổ tích. Nhưng không cứ gì "Câu lươn ở Sài Gòn", "Câu lươn ở nông thôn" bây giờ cũng mai một, vì lươn ở hang ngoài thiên nhiên đã gần tuyệt chủng do môi trường bị tàn phá, đảo lộn.
Giờ ăn thịt lươn thì chỉ toàn lươn nuôi bán đầy chợ từ nông thôn tới thành thị. Tất nhiên, lươn nuôi cũng như cá kèo nuôi, ếch nuôi... chất lượng đều thua xa những con lươn ngoài thiên nhiên.