(CATP) Hổm rày, tôi ưa thích ngồi ở quán Ru Nam bờ sông, nhìn qua bên kia là công viên Bạch Đằng vừa được chỉnh trang, về đêm, người đi dạo, ngắm sông đông vô kể. Gió sông thổi ngược, len qua từng ngã ba, ngã tư, góc đường, con hẻm, Sài Gòn đang dần khỏe lại.
Chẳng phải ngẫu nhiên khi người Pháp chọn con sông này để làm trục mở mang, xây dựng cho vùng đất mới mà từ đó, với đặc thù tự nhiên lẫn con người đã phát triển và định hình dần thành một đô thị cảng sông nhộn nhịp bậc nhất khu vực. Trải qua bao biến thiên, dù còn đó cả những hệ quả chưa thể khắc phục thì con sông Sài Gòn vẫn là linh hồn của thành phố trù phú, năng động này. Nó như mang một phần bản tánh của sông nước, dẻo dai, uyển chuyển, thích nghi, chẳng gì mềm như nước mà cũng không ai chặt được dòng chảy của nước, tức nước có khi họa vỡ bờ!
Cho nên, việc thành phố "hướng thủy" mà trùng tu, tôn tạo, chỉnh trang các công trình ven sông, giữ nguyên vẹn hay một phần những chứng nhân, chứng tích lịch sử - văn hóa mấy trăm năm soi mặt xuống lòng sông, đó là một việc làm đúng, rất thuận lòng dân.
Chỉ một đoạn đường ngắn nhưng khi được đi trên con đường mang tên Lê Văn Duyệt rồi dừng lại, bước vào viếng lăng Ông, nơi yên nghỉ của Đức Tả Quân Tổng trấn Gia Định, tôi không sao giấu được niềm xúc động, biết ơn. Hay như chiều qua, từ phòng thu ra, tôi nói tài xế chạy một vòng quanh bờ sông, ngang qua tượng Đức Thánh Trần, chiếc lư hương đã an vị, tôi bắt gặp những người đi bộ, họ đang bước nhanh bỗng dừng lại, cúi đầu chắp tay kính bái rồi lại bước đi. Như một tập quán, một nghi lễ thường nhật.
Lăng Ông
Tôi luôn tin, một cộng đồng có tín ngưỡng và biết trọng vọng, thờ cúng thánh thần, người lập công, cứu độ dân sinh, đó là một cộng đồng văn hóa. Một tổ chức chính quyền và quản trị guồng máy xã hội biết tôn trọng, giữ gìn cái cốt nền văn hóa cộng đồng ấy, thì đó là một chính quyền văn minh.
Chiều cuối tuần của cuối tháng Ba, tôi tình cờ lạc qua Thủ Thiêm. Tò mò bởi lẽ, khi ngồi ở Ru Nam - phía bờ Tây của con sông Sài Gòn, tôi nhìn qua phía bờ Đông, còn gì và có gì bên ấy. Đúng hơn, tôi đọc báo thấy đăng tin phục dựng đình thần An Khánh ở Thủ Thiêm, dự kiến ngày khởi công là 26-3, hôm nay đã là 28.
Một khu đô thị mới mà còn lưu giữ trong lòng nó một ngôi đình và cả mộ phần của vị Thành hoàng khai sinh ngôi làng, thì còn gì quý hơn. Nhưng suýt nữa thì cái vốn quý ấy bị giải tỏa. Và hình như nó cũng đã hư hoại một phần. Tôi muốn một lần được đứng nơi nền cũ của đình thần An Khánh.
Dò qua Google Map, hỏi đường người dân, vẫn cứ hiện ra đình Bình Khánh rất khang trang, tôn nghiêm. Còn đình An Khánh, mọi người chỉ ra mé sông. Tôi đi theo, thì ra, cả một vùng lau sậy, nước dập dềnh. Những công trình cửa đóng then cài. Tôi theo luồng xe máy, hầu hết là... trẻ con, ăn mặc, xăm hình theo phong cách đường phố. Luồn qua mấy con đường đá dăm, đất cát, cỏ và lau tua tủa, bỗng túa ra khắp các lô cốt bỏ hoang là nam thanh nữ tú đang tạo hình tạo dáng, mấy tay photographer tha hồ sáng tạo. Nhìn vui mắt, sống động vô cùng.
Chưa kịp thưởng thức thì tiếng chuông nhà thờ ngân vang, nhìn sang là cây thánh giá ngự cả khoảng trời xanh. Dưới sân của nhà thờ Thủ Thiêm kéo dài vào tận bên trong là hàng người đang đọc kinh, tôi kéo hết cửa kính xuống, tắt máy xe, khoảnh khắc này, tôi muốn được lắng nghe trọn vẹn lời mừng Đức Kito.
Càng đi sâu vào trong, những vạt lau sậy càng cao, nó che khuất cả những ngổn ngang công trình dang dở, che luôn hoặc người ta đã rào quanh khu vực đình An Khánh cũ, là một thanh niên Thủ Thiêm nói với tôi như vậy. Cậu hào hứng, sắp khởi công đình mới rồi cô, nghe nói cuối năm nay là khánh thành luôn!
Thủ Thiêm xưa
Tôi vui lây niềm vui của chàng trai. Nhưng thoáng bùi ngùi, là "đình mới" hay phục dựng đình cũ, ngay tại nơi đã từng được khai sinh hay có phải... nhường không gian, vị trí cho một công trình nào đó nữa không, bởi đã là đình thì phải ngự ngay trung tâm của làng, là điểm tụ họp của cộng đồng, kết nối tinh thần dân sinh. Thôi thì, đã có tâm phục dựng thì thể nào cũng hoàn tất, chỉn chu, trang nghiêm một nơi chốn, ấy là tấc lòng biết ơn tiền nhân mà truyền đi cho hậu sinh sau này vậy.
Điểm cuối của con đường lau sậy lại đụng ngay một sân diều tự phát, người dân tìm tới thư giãn dập dìu. Giá như khu vực này là một... công viên, mọi thứ sẽ quy củ hơn, không lộn xộn và chực chờ tai nạn do chơi diều, người tụ tập tràn ra lòng đường có xe lưu thông.
Cứ thế, loanh quanh khắp thành phố, men theo bao ký ức, chở theo bao ước nguyện, càng thấy đất và người nơi đây đang từng ngày hồi sinh, không chỉ từ "cơn dịch bệnh" vừa qua mà tự trong dòng chảy của sông, của di sản cha ông, lòng biết ơn, lần hồi học lại người xưa cũng là cách "vịn vào ký ức" mà đứng dậy, lớn lên, đi tới...