Khi ngôn ngữ hóa… gươm đao!

Thứ Năm, 10/03/2022 10:31

|

(CATP) Chỉ sau một bài "bóc phốt", dù chưa rõ thực hư, người bị tấn công trên không gian mạng đã phải "lên bờ xuống ruộng". Ngoài nỗi đau phải mang còn hàng trăm chuyện "tai bay vạ gió” bỗng từ đâu ập đến khiến họ phải khổ sở gõ cửa nhiều nơi để kêu oan. Thế mới thấy khi ngôn ngữ được đặt đúng chỗ sẽ giúp ích cho đời; còn ngược lại, đó sẽ là những lưỡi gươm sắc lẹm cắt đứt danh dự, nhân phẩm của bất kỳ ai.

Nơi của… luật gì?

Mạng xã hội (MXH) chẳng phải tòa án, là ứng dụng được tạo ra để kết nối cộng đồng, tạo nên các giá trị tốt đẹp chứ không phục vụ cho những cuộc đấu tố thiếu căn cứ của cư dân mạng, để họ kết luận tội trạng thay cho các thẩm phán. Nhưng ngặt nỗi suốt thời gian qua, rất nhiều người đã sử dụng MXH theo cách thiếu văn minh, biến nó thành công cụ để công kích, "vạch trần" người khác mà chẳng cần biết đúng sai, đảo lộn các giá trị đạo đức.

Riết rồi người ta vào "phây" ngoài để trò chuyện, khám phá, phần lớn còn vì sự tò mò về... "phốt"! Hết cuộc khẩu chiến nảy lửa giữa một CEO với các nghệ sĩ, lại đến mấy "hót-gơ” bán hàng online tổ chức đánh người náo loạn trên livestream... Tất cả diễn ra nhan nhản trên không gian mạng như thể đó là "chuyện thường tình ở huyện"! Họ thi nhau làm đủ trò giật gân, khác người, trái với các quy chuẩn xã hội chỉ để phục vụ mục đích duy nhất là "câu live" mà không biết rằng mình đang phạm pháp.

Cái kết buồn dành cho vợ chồng chủ shop quần áo ở Thanh Hóa vì thể hiện sự coi thường pháp luật trên Facebook

Còn nhớ cuối năm ngoái, MXH lan truyền vụ nữ sinh trộm chiếc váy ngắn trị giá 160.000 đồng ở một shop quần áo trên đường Lê Hoàn, P.Lam Sơn, TP.Thanh Hóa, bị chủ cửa hàng bắt quả tang. Vụ này có lẽ sẽ không làm dậy sóng dư luận nếu vợ chồng chủ shop không quá ngông cuồng và giá như họ không... biết chơi Facebook! Một đoạn "tút" với nội dung vạch trần hành vi trộm cắp cùng clip kèm theo được đăng lên MXH với sự hả hê, nhưng không ngờ chính bằng chứng đó đã "phản kèo" ngược lại người đi vạch tội. Thay vì tôn trọng pháp luật, mời công an (CA) đến xử lý hành vi trộm cắp, người bị mất cắp lại sử dụng "luật rừng" để trị cái sai của kẻ phạm pháp.

Cái kết thì ai cũng biết, ngay sau đó Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự làm nhục người khác và cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại shop trên, đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với vợ chồng chủ shop về những tội danh này. Sở dĩ bị rơi vào thảm cảnh trên cũng bởi người trong cuộc đã lầm tưởng MXH là nơi có thể tùy ý viết, nói hoặc làm bất kể chuyện gì miễn mình thích mà quên rằng luật pháp vẫn còn hiện hữu.

Sạch mà… không sạch!

Nghề báo, công việc không dễ với ai: mạo hiểm, rủi ro, đòi hỏi sự dấn thân... để đi tìm sự thật! Nhưng có lẽ đến giờ 2 chữ "nhà báo" dường như khá đơn giản để có thể thực hiện với bất kỳ người nào rành... Facebook! Việc "ông phây" quá dễ cho người dùng phát tán thông tin đã sản sinh ra những "anh hùng bàn phím" bạ đâu chửi đấy hoặc vô hình tạo ra "sân chơi lý tưởng" cho những kẻ động cơ!

Vụ án Trương Châu Hữu Danh (39 tuổi, ngụ Long An) và đồng phạm đến nay vẫn còn khiến dư luận ngỡ ngàng vì độ khó tin của nó! Có một thời Trương Châu Hữu Danh và đồng phạm từng là những cái tên rất nổi tiếng trên MXH. Dưới cái mác "chống tiêu cực", "tìm công lý”, nhóm này đã thực hiện rất nhiều bài viết trên Facebook để thu hút đám đông. Mãi cho đến lúc Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP.Cần Thơ vào cuộc, sau đó thực hiện lệnh bắt tạm giam Danh và các nghi phạm khác để điều tra thì dư luận mới ngỡ ngàng.

Theo kết luận điều tra, Danh đã sử dụng Facebook cá nhân "Trương Châu Hữu Danh" đưa những hình ảnh, video có nội dung kích động, gây mất an ninh trật tự, xuyên tạc, thông tin sai sự thật về nhiều tổ chức cùng một số lãnh đạo TP.Cần Thơ... Các bị can nói trên còn thành lập fanpage "Báo sạch" và group "Làm báo sạch", viết nhiều bài có nội dung mang tính suy diễn chủ quan, xâm phạm đến lợi ích Nhà nước. Phần nào đã rõ, động cơ của những bài viết mang danh nghĩa trong sáng này lại chẳng trong sáng như nhiều người vẫn nghĩ. Chỉ vì thiếu kiểm chứng khi tiếp nhận thông tin và tâm lý quá dễ thần tượng một ai đó mà một bộ phận người dân đã trở thành "con cờ" cho những kẻ cơ hội đặt để vào mưu đồ không trong sáng.

Thực tế cho thấy, nhà báo có thể trở thành một streamer nổi tiếng và ngược lại, streamer cũng có thể trở thành một nhà báo chính thống nếu chúng ta biết phấn đấu bằng sự nỗ lực không ngừng của bản thân. Với sự phát triển chóng mặt của MXH ngày nay, chỉ một dòng "tút", một clip thôi cũng có thể thay đổi số phận một con người, điều mà trước đây chỉ có những ngòi bút báo chí mới có thể làm được. Trong thời đại truyền thông báo chí đang đứng trước cuộc đua đầy thử thách với MXH, bắt buộc các tòa soạn, các nhà báo cũng phải thích nghi, cộng hưởng với sự phát triển về công nghệ thông tin để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng mà cộng đồng giao phó.

Dù cầm bút hay "gõ phím", suy cho cùng đều đóng góp cho xã hội những nguồn tin. Và nếu chúng ta làm bằng cả lương tâm thì dù có là nhà báo, facebooker, streamer... hay ai đi chăng nữa cũng xứng đáng được ngợi khen. Ngược lại, cái kết dành cho những kẻ cơ hội nêu trên sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho bất kỳ ai. Vậy mới thấy khoảng cách giữa sạch và không sạch chỉ cách nhau đúng hai chữ "lương tâm"!

Thượng tá - Tiến sĩ Nguyễn Văn Niên, Phó trưởng khoa Luật - Học viện Cảnh sát nhân dân

Thượng tá - Tiến sĩ Nguyễn Văn Niên

Không phải lúc nào người "bóc phốt" cũng ý thức được hành vi của mình là đúng hay phạm luật. Điều 25 Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định, công dân có quyền tự do ngôn luận; nhưng bên cạnh việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, Hiến pháp còn bảo đảm các lợi ích khác của cá nhân, xã hội như quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình, bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Vì vậy, tự do ngôn luận không đồng nghĩa với việc thích nói gì thì nói, thích viết gì thì viết, mà tự do ngôn luận phải trong khuôn khổ, giới hạn không làm ảnh hưởng đến các quyền và giá trị khác cũng được Hiến pháp bảo vệ.

Luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết, Đoàn Luật sư TPHCM

Hành vi đưa thông tin lên MXH sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "làm nhục người khác" theo điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 nếu người đưa thông tin đó đã xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác...

Luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết

Việc sử dụng MXH được coi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội làm nhục người khác và có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân dẫn đến tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì có thể bị phạt tù từ 2 - 5 năm. Ngoài ra, việc tự ý đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác nhằm mục đích "bóc phốt" trên MXH có thể sẽ bị xử lý theo điểm e khoản 3 điều 102 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng cho hành vi: thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang