Mẹ

Chủ Nhật, 10/09/2023 13:06

|

(CATP) Cách đây không lâu, tôi và Ban quản lý chung cư Palm Heights (TP.Thủ Đức) tổ chức tặng hai chiếc xe đạp cho hai nữ lao công không có phương tiện đi lại (do doanh nhân Lâm Xuân Thi hỗ trợ).

Hai tuần sau, bất chợt có một người đến nhà tôi xin thưa chuyện. Cô ấy bảo tôi đừng buồn vì chiếc xe đạp được tặng đã chuyển về Bạc Liêu cho đứa con gái làm công nhân rồi, bởi công ty của con gái cách nhà khá xa. Tôi nói tôi không buồn mà còn vui, vì nó đã là của chị thì chị được quyền xử lý. Và tôi cũng hỏi lại: "Chị sẽ đi làm bằng phương tiện gì?". Cô ấy nói sẽ xoay sở, dẫu sao cũng dễ hơn đứa con ở quê...

Mẹ! Đúng là không có trời biển nào bao la bằng tấm lòng của mẹ. Những gì tốt nhất, những gì đẹp nhất luôn dành cho con, nhận phần khó khăn, vất vả nhất về mình, với mong muốn con được hạnh phúc là đời mẹ mãn nguyện. Trong một cuộc trưng cầu mới đây trên toàn nước Mỹ, người ta hỏi danh từ nào bạn yêu thích nhất thì hầu như hàng triệu câu trả lời chỉ vỏn vẹn một chữ: "Mother" (nghĩa là mẹ). Mình không còn mẹ đã gần 40 năm, một quãng thời gian dài tiếc nuối khôn nguôi; bạn còn mẹ thì hãy dành những gì thương yêu nhất cho người đã hy sinh tất cả vì bạn!

*

* *

Cách đây hơn 10 năm, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mời vợ chồng tôi đến dự đêm nhạc của ông, tổ chức tại Nhà hát Thành phố. Ông là người nổi tiếng từ trước năm 1975, với nhiều tác phẩm trữ tình như: Ai đưa em về, Buồn ơi chào mi, Cho người tình xa, Cô đơn, Không, Tình khúc chiều mưa... Trong phần tâm sự với khán giả, ông nói: "Trong cuộc đời bay nhảy, tôi chỉ sáng tác về tình yêu, mơ mộng, chia ly, thương nhớ... Khi ngoảnh lại, thấy người mẹ đã già, mới sực tỉnh vì chưa có nhạc phẩm nào nói về người đã hy sinh tất cả cho mình được như ngày hôm nay cả. Tôi ray rứt, vì tác phẩm nói về mẹ hay nhất thì ông Y Vân đã sáng tác rồi, biết viết gì đây? Trong lúc tâm tư bối rối, tôi thấy bài thơ Ngày xưa có mẹ của nữ thi nhân Thảo Phương khá hợp với nguyện vọng của mình, nên tôi làm bài nhạc cũng mang tên ấy...". Nói xong, ông khóc, như thấy có lỗi với người sinh ra mình. Ở tuổi 70, ông khóc như đứa trẻ, khóc vì tiếc nuối, vì hối hận khôn nguôi... Và dưới đây là câu chuyện của Má tôi...

*

* *

Hồi ấy, nhà tôi nghèo lắm, cha làm công nhân, Má buôn bán nhỏ, con lại đông, nên từng đồng phải chắt chiu, chi li trong từng bữa ăn, mua sắm. Năm đó, tôi 15 tuổi, sắp hết cấp 2, một buổi đi học, một buổi đi làm cho garage sửa xe hơi, bãi xe nằm ngoài trời, nắng thiêu rát thịt da. Tiền công được bao nhiêu tôi đưa hết cho Má, khi cần lắm mới xin lại vài đồng. Lối xóm có nhà một người mê sách, tôi lân la qua chơi. Sau đó, mỗi tối tôi được chủ nhà cho vào đọc sách, xem báo, với lòng tin yêu. Tôi được đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa, Phong Thần, Thủy Hử, Hai vạn dặm dưới đáy biển, Lịch sử chống giặc ngoại xâm của nhà Đinh, Lê, Lý, Trần... và dường như khí chất của các anh hùng, hào kiệt cũng len vào tâm khảm tôi từ dạo đó. Nghèo, nhưng ước mơ nhiều thứ, tôi muốn trở thành một vận động viên và môn chơi phù hợp với hoàn cảnh mình lúc ấy là chạy bộ, chỉ tốn đôi giày bố thôi...

Thế là lúc nào thời gian cho phép, tôi lại xỏ giày vào Trường đua ngựa Phú Thọ ở gần nhà để đá bóng hoặc chạy, chạy đến tối mịt mới về. Tôi có tham gia mấy cuộc thi cấp quận, học sinh - sinh viên, có thắng, có thua, nhưng chưa phải là "đấu trường sinh tử"... Tôi đặt nặng nỗ lực của mình vào việc làm đồng xe hơi, một phần giúp Má có thêm thu nhập, phần nữa muốn có một nghề vững chãi nuôi thân sau này. Tôi ốm lắm, người gầy guộc so với chiều cao, do năng lượng thải ra quá nhiều mà cái bồi đắp thì lại nhỏ giọt.

Có những buổi chiều rời chỗ làm, tôi lầm lũi dưới mưa như muốn tưới mát lại thịt da sau những giờ phơi dưới sức nóng của mặt trời. Nghĩ phận mình, nhưng lại nghĩ đến Má tấm thân còn khổ nhọc, chịu đựng đớn đau gấp trăm lần mình. Bao hy vọng về ngày mai, bà chỉ nhắm vào thằng con trai lớn, có lúc la rầy, trách mắng nhưng sau đó lại âm thầm lau nước mắt. Nhà chật, người đông, có đêm mệt quá tôi nằm thiếp ngoài hiên, sáng sớm tỉnh giấc thấy chiếc mền phủ trên người, tôi biết sự lo lắng ấy không ai ngoài Má. Có chiều sau khi chạy bộ về, Má để dành cho tôi hai chén chè đậu xanh, bảo ăn bồi bổ lấy sức khỏe để học, ráng học để "sau này đừng nghèo như ba má”...

Chiều ấy, sau cử dợt nhẹ, tôi về nhà, Má chừa cho tôi dĩa rau lang luộc và hai con cá bạc má chiên dầm nước mắm. Tôi biết mỗi cữ ăn như vậy mỗi người chỉ được một con cá thôi, nên thắc mắc: "Má ăn chưa?". "Má ăn rồi, phần đó của con, ăn hết nghen!". Đến tối, tôi thấy bà ngồi trong xó bếp, ăn cơm với dĩa rau luộc chấm tương hột, tôi đau nghẹn: "Sao Má nói ăn rồi?". Bà vẫn bình thản: "Má muốn con có sức để ngày mai chạy thi với người ta. Không có gì phải lo cho Má... Ráng thi nghen!". Thì ra mấy hôm trước, tôi đã nói sắp tham dự một cuộc thi cấp thành phố, toàn là đối thủ mạnh nên phải cố gắng mới về được cự ly 10.000 mét. Má lại muốn tiếp sức cho đứa con trai ra tranh đấu với đời, vẫn gửi gắm niềm tin vào thằng con mới 15 tuổi.

Hôm sau, giữa trưa tôi về nhà với đôi giày rách te tua (không có tiền thay giày mới), buồn bã, thiểu não. Má tôi đưa chiếc khăn ướt cho tôi lau mặt, dịu dàng nói: "Ba mày mới lãnh lương. Ổng nói nếu mày về được từ hạng 5 trở lên, chiều ổng đưa cả nhà đi đãi mì vịt tiềm. Sao rồi con?". Tôi trả lời: "Thua rồi Má ơi, con không biết về thứ mấy, mà tốp trước bứt xa lắm, tốp sau cũng đông người lắm...". Một con cá nhỏ và những ngày tiêu hao sức lực làm sao chống nổi sức mạnh của những đôi chân được luyện tập kỹ càng và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng? Má tôi bỗng nói: "Cuộc đời muốn thắng không phải dễ, con há? Thôi, ăn cơm đi". Má tôi tuy ít chữ nghĩa nhưng hôm nay lại thốt ra một câu khá triết lý. Tôi ngầm hiểu bà đang suy nghĩ gì.

Hai năm sau, 17 tuổi, kinh tế gia đình có khá hơn, tôi không còn phơi mình làm việc dưới ánh nắng chói chang nữa, tập trung học hành và luyện tập thể thao. Năm ấy, quốc gia mở vận động hội dành cho các vận động viên chuyên nghiệp. Tôi muốn tham gia cuộc chơi lớn ấy, nhưng là dân "a-ma-tơ” (nghiệp dư) nên tôi đầu quân cho một tỉnh lẻ vốn đang thiếu người chạy trường lực.

Ngày khai mạc, khán giả đông kín sân vận động. Tôi hơi hồi hộp, vận động viên chuyên nghiệp ai nấy đều khỏe mạnh, cơ bắp chắc nịch, vẻ ngoài đã đủ "cướp" tinh thần đối phương. Tôi dự thi môn chạy 1.500 mét. Chạy 4 vòng sân, đến vòng thứ 3, tôi đang là người áp chót. Đến vòng cuối, tôi bỗng thấy đôi mắt của Má đang nhìn thằng con long lanh, đượm buồn, tôi sực tỉnh, nhủ thầm: "Phen này có gục ngã cũng phải vượt lên!". Tôi bung mạnh đôi chân, vượt qua từng đối thủ, từng đối thủ, còn 6 người, còn 4 người nữa thôi... Khán giả hào hứng vỗ tay, hò hét vang dội trước hình ảnh ngoạn mục ấy. Tôi về nhì, chỉ sau người về nhất (đang mạnh nhất miền Tây) chỉ nửa bước chân và ngã lăn ra đất.

Tàn cuộc thi, tôi đón xe lam về nhà. Vừa thấy Má, tôi lấy ngay tấm huy chương Bạc choàng qua cổ bà, cười vui sướng: "Con tặng Má”. Người mẹ tảo tần cầm cái vật lấp lánh, vuốt ve, mân mê một hồi lâu rồi bước vào xó bếp. Tôi biết bà muốn giấu những giọt nước mắt, không muốn đứa con nhìn thấy tấm lòng bao la nhưng yếu mềm của người mẹ. Tôi chợt nhớ con cá "tinh thần" mà bà đã để dành cho tôi 2 năm về trước, một hình ảnh buồn mà tôi không muốn nó quay lại trong cuộc đời của mình lần nào nữa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang