(CATP) Đã vào Hạ rồi. Nắng gay gắt đó rồi mưa bỗng ào xuống như trong phim có một phân khúc mưa được quay cận cảnh. Và đây là đặc trưng của miền Nam.
Mùa này, ngày tôi còn nhỏ, ở Sài Gòn có rất nhiều Phượng, là loại cây tượng trưng cho mùa hè được trồng nhiều trên những con đường, công viên, trong sân trường học. Tôi vẫn nhớ những con đường nhiều Phượng mình đi qua trong buổi trưa, màu hoa Phượng nở đỏ trời cùng với tiếng ve tưng bừng, giục giã trong không gian mênh mông, xanh ngát.
Nhiều người bảo tiếng ve buồn, nhưng riêng tôi lại thấy không buồn, cũng chẳng phải vui mà là một thứ âm thanh giục giã, râm ran trong nắng, trong mưa rất đặc trưng báo hiệu mùa Hạ tới. Bây giờ Sài Gòn rất ít Phượng, nhiều trường cũng đã chặt bỏ loài cây gắn liền với tuổi học trò trổ hoa như thắp lửa cho bầu trời khi mùa Hạ tới. Khi tiếng ve ngân vang trên các hàng Me, những tán Phượng già xòe hoa đỏ rực, tôi lại náo nức nhớ kỷ niệm một thời còn ngồi ghế nhà trường bậc trung học. Nhớ con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm chạy ngang qua hai ngôi trường cấp II, cấp III: Trưng Vương, trường Võ Trường Toản. Ngày đó trường Trưng Vương dành cho học sinh nữ, trường Võ Trường Toản dành cho học sinh nam. Vào giờ tan trường, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm rợp áo dài trắng nữ sinh và áo sơ-mi trắng nam sinh của hai ngôi trường này.
Nhưng mùa hè tới, cổng trường đóng kín, khi đi ngang qua đây không thấy bóng áo dài trắng, áo sơ-mi trắng nữa, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm vắng lặng tiếng nói cười của học sinh mà chỉ còn tiếng ve ngân vang trên các hàng cây Dầu, cây Phượng. Đặc biệt là những tán cây cổ thụ bên trong hàng rào Thảo Cầm Viên, một âm điệu nhắc nhớ ký ức, khiến lòng tôi chùng lại và dù thế nào cũng dừng xe tấp vô lề, lắng nghe tiếng ve ngân nga thành một điệp khúc vừa ngậm ngùi, vừa tiếc nuối. Đó là ký ức của tuổi học trò thời áo trắng mà mùa hè mang ý nghĩa của chia tay, rời trường, xa lớp của học sinh cuối cấp. Chắc chắn học sinh lứa tuổi của tôi ngày đó không bao giờ quên được hình ảnh dễ thương của những tháng năm đẹp nhất đời người này khi đi qua cổng trường cũ, nhìn lại những bóng Phượng xưa.
Nhưng bây giờ nếu ai để ý sẽ thấy Sài Gòn thưa dần những bóng Phượng đơm hoa đỏ rực khi mùa hè tới. Có nhiều con đường thậm chí không còn một cây Phượng nào. Thay vào đó là những con đường trơ bóng cây xanh, chỉ có nắng lửa, kẹt xe và khói bụi khủng khiếp. Nếu cây xanh mất dần, trong đó có những tán phượng đơm hoa đỏ rực vào hè mà chỉ còn nhà phố, đường nhựa thì không khí sẽ ô nhiễm, tiếng gầm rú của các loại xe, lấn át cả tiếng ve gọi hè, chắc chắn những ai thương nhớ ngày bãi trường, khao khát được đi dưới màu hoa đỏ rực của Phượng vĩ sẽ tiếc nuối biết bao nhiêu. Chính vì thế nếu có dịp lang thang qua các con đường thiếu bóng cây xanh của Sài Gòn vào mùa này, tôi sẽ tìm cách đi lại những con đường quanh khu vực Công viên Tao Đàn để được lắng lòng trước tán phượng hiếm hoi còn sót lại ở đây và nghe tiếng ve ran trên tán phượng đổ xuống.
Không riêng Sài Gòn, ở quê tôi bây giờ cũng khó tìm thấy một cây Phượng nào trên đường lộ, hoặc trong sân trường. Mùa Hạ cứ nắng chang chang, mưa ào ạt đổ, những con lộ nhựa nông thôn chắp vá sơ sài sớm bong tróc chỉ sau vài mùa mưa nắng, phô bày sự dối trá trong xây dựng và rút ruột vật tư khiến những con lộ càng tơi tả, lầm bụi trong nắng lửa và lầy lội chỉ sau một cơn mưa rào. Thế nhưng cái mặt đường nhiều ổ gà, ổ voi ấy cứ trơ trơ ra, chẳng có một bóng cây che, nói chi là một cây Phượng của tuổi thơ tôi. Trong khi đó, nhà nhà chen nhau ra mặt tiền đường của thời đại bê-tông hóa, hứng bụi của những cơn gió cuốn qua. Tôi thèm biết bao nhiêu được vùi bàn chân trần trong cát ướt, bước dẫm lên những bông Phượng rụng sau mưa, và nghe tiếng ve kêu râm ran trên những tán cây xanh, ngay chính ở quê nhà của mình.
Mấy hôm tôi cố ý chạy xe trên con đường dẫn tới ngôi trường tiểu học mà ngày xưa tôi đã thi vào năm lớp nhì, học hết lớp nhất, ngồi nửa năm lớp tiếp theo rồi mới lên Sài Gòn vào học lớp đệ thất. Tôi hầu như không còn nhận ra con đường cũ, chạy qua cánh đồng rộng dài đến 2 cây số mà khi gió từ hướng con sông làng thổi lên, đi qua cánh đồng, mạnh đến nỗi có thể cuốn tôi bay theo. Bây giờ con đường này chạy giữa hai dãy nhà mặt tiền, bao bọc quanh đó là vườn dừa nối tiếp vườn dừa bát ngát. Nếu có một thửa ruộng nào chưa kịp lên liếp trồng dừa thì đã đào ao nuôi tôm tự phát, những giàn quạt tạo ô-xy khi cho tôm ăn nằm trơ trơ trên mặt ao xanh đen. Cái màu nước mặn lấy từ mạch ngầm sâu trong đất đã bị xử lý bằng thuốc và hóa chất nhìn đến vô cảm, không còn màu của thiên nhiên.
Và suốt dọc đường đi tới ngôi trường xưa tôi không thấy bóng dáng cây Phượng nào. Cả ở ngôi trường ngày xưa tôi học, giờ đã thành nhà trẻ, phòng ốc xây khang trang hơn, không phải 3 gian lợp lá như trước. Nhưng cái làm tôi vô cùng ngạc nhiên là không có một cây Phượng nào. Tôi hết sức bồi hồi, bần thần như một người tương tư hình bóng màu hoa Phượng rất xưa, xưa lắm rồi trong mùa Hạ đang tới.