Để không còn người vui người buồn!

Thứ Bảy, 30/04/2022 11:55

|

(CATP) Tôi đã hiểu, đất nước tôi, đất nước chúng ta trải qua những cuộc chiến vô cùng khốc liệt; máu và rất nhiều máu nhưng "lòng mẹ vẫn rộng vô cùng...".

30-4-1975, tôi 17 tuổi, đang học trung học phổ thông thì miền Nam được giải phóng. Tôi còn nhớ như in hình ảnh bãi biển Quy Nhơn (Bình Định) lúc đó ngổn ngang vũ khí, quân trang, quân dụng, những chiếc xe quân sự, xe tăng đâm đầu xuống biển và cả những xác chết vương vãi trên bãi biển... Và tôi đi tìm các anh chị tôi không biết bây giờ đang ở đâu. Tâm trạng hoang mang, lo lắng cho số phận của chính gia đình mình.

"Lòng mẹ rộng vô cùng"

Bài hát cách mạng đầu tiên tôi được dạy là bài Đất quê ta mênh mông (thơ Dương Hương Ly, nhạc Hoàng Hiệp). Lúc đầu nghe lạ lắm, dù nhịp 3/4 dễ hát, nhưng để hiểu đồng thời cảm được bài hát này phải nhiều năm sau và càng yêu nó sau này khi tôi cầm súng bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc nhất là khi nghề nghiệp giúp tôi gặp được nhà thơ Dương Hương Ly lẫn nhạc sĩ Hoàng Hiệp.

Tôi đã hiểu, đất nước tôi, đất nước chúng ta trải qua những cuộc chiến vô cùng khốc liệt; máu và rất nhiều máu nhưng "lòng mẹ vẫn rộng vô cùng...".

Vài tháng sau gia đình tôi bỗng có "nhiều người hơn" như cha tôi cảm thán hạnh phúc trong ngày đại gia đình tôi họp mặt sau 30-4-1975, với đông đủ bà con nội ngoại.

Số là gia đình tôi, tuyệt đại đa số bên ngoại đều tập kết ra Bắc năm 1954. Trước 1975 tôi có biết chuyện này khi bà ngoại tôi tối nào cũng ngồi trước cửa canh chừng xem "tụi nó" có về ngang qua... Bà đã lớn tuổi, trong khi các dì, cậu tôi, cháu của bà tôi người đi tập kết, người ở trên rừng vẫn chưa thể biết ngày trở lại... Hôm đoàn tụ ngoại tôi khóc, nước mắt hạnh phúc đong đầy, tôi càng hiểu "lòng mẹ rộng vô cùng" và hiểu Trịnh Công Sơn khi anh hát: "Mẹ Việt nằm hai mươi năm/Xương da mềm/Đợi giờ sông núi thiêng" (lời bài hát Ngày dài tên quê hương)...

Nhưng đó vẫn chưa phải là ngày đoàn tụ thực sự của gia đình tôi. Phải 30 năm sau, khoảng những năm 2000, gia đình tôi mới được đoàn tụ. Ngoại tôi ước mơ một cuộc đoàn tụ thực sự nhưng rất tiếc giấc mơ đó không thành vì ngoại đã mất...

GS Trịnh Xuân Thuận giao lưu với bạn đọc tại đường sách TPHCM năm 2016.

"Phải thực tâm khoan dung và hòa hợp"

Những người làm báo thời gian này chắc còn nhớ một bài báo đặc biệt đăng trên báo Quốc tế (nay là báo Thế giới và Việt Nam) ngày 30-3-2005 có tựa đề "Những đòi hỏi mới của thời cuộc", phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân kỷ niệm chiến thắng 30-4. Trong bài báo, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định chiến thắng 30-4 là vĩ đại nhưng người Việt Nam cũng "đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát".

Theo nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nếu nghĩ theo lối cũ, 30-4 "có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn". Vết thương chung của dân tộc cần phải được làm lành, "thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu". Và muốn để mọi người Việt Nam chung tay hàn gắn thì chúng ta, người chiến thắng và đang lãnh đạo đất nước, "phải thực tâm khoan dung và hòa hợp" - nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh.

Bài báo này có số phận cũng long đong nhưng cuối cùng vẫn được đăng và gây tiếng vang cả trong và ngoài nước.

Tư tưởng mới mẻ của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có thể nói là mở đầu cho công cuộc hòa hợp dân tộc để khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, cũng là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.

1975 - 2022, 47 năm đã trôi qua. Với lịch sử chỉ là một cái chớp mắt nhưng với một đời người, đã quá nửa đời. Đã có ít nhất 2 thế hệ lớn lên trong thời gian này. Một chàng trai sinh 1975, nay (2021) đã 46 tuổi, nếu có con sớm, con anh ta cũng đã hơn 20, thậm chí đã có vợ có con. Vậy mà chúng ta vẫn còn những khái niệm "bên thua cuộc", "bên thắng cuộc". Những khái niệm đó chỉ nên là những khái niệm lịch sử, một khi thế giới đã phẳng.

"Ở đất nước tôi, phía mặt trời mọc..."

Nghề nghiệp giúp tôi được quen biết với những con người tài năng và có số phận cũng đặc biệt với những đan xen của dòng chảy lịch sử dân tộc.

Đó là GS Nguyễn Văn Tuấn. Anh là người gốc Việt đầu tiên ở Úc được trao bằng Doctor of Science (DSc) - học vị cao nhất, hơn PhD một bậc. Năm 2019, anh cũng là người Việt đầu tiên được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Úc.

GS viện sĩ Nguyễn Văn Tuấn trong một lần giảng dạy tại Việt Nam.

Dạo đó, tôi có một số bài viết về hậu quả chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh chống Mỹ, qua các nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ lúc ấy. Vốn rất tâm huyết với đề tài này, anh Tuấn đã giúp tôi chỉ ra những bất cập trong các nghiên cứu về hậu quả chất độc da cam.

GS Nguyễn Văn Tuấn cũng là người Việt đầu tiên công bố nghiên cứu về mối liên quan giữa chất độc da cam/dioxin và dị tật bẩm sinh trên một tập san y khoa quốc tế, mà ở Mỹ người ta không chịu đăng, sau này tập hợp trong cuốn Chất độc da cam, dioxin và hệ quả (NXB Trẻ, 2004). Cuốn sách này là cơ sở dữ liệu khoa học về một đề tài nhạy cảm sau chiến tranh, đã được dịch ra tiếng Anh, Pháp.

Tôi còn nhớ vụ kiện dân sự đầu tiên năm 2004 của một số nạn nhân chất độc da cam người Việt Nam đối với 37 công ty sản xuất hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Khi ấy, GS Nguyễn Văn Tuấn về nước giảng dạy, ở một khách sạn gần tòa soạn báo tôi đang làm. Ngay sau khi có kết quả vụ kiện, khoảng 21 giờ đêm, anh đã viết cho báo tôi và báo bạn hai bài xã luận gay gắt và thuyết phục về vụ kiện nổi tiếng này.

Càng về sau này, mỗi năm anh Tuấn về nước nhiều lần để giảng dạy ở các trường đại học. Những công trình nghiên cứu khoa học của anh liên tục được xuất bản ở Việt Nam...

Chơi lâu năm với nhau, tôi biết anh là một "thuyền nhân" và có hồi ký rất hay Một lần ra đi cho bình minh đến sớm, để từ người phụ bếp trở thành viện sĩ. Anh là đồng hương với tôi (Tuy Phước, Bình Định), mẹ anh người Phù Mỹ.

Điều bất ngờ ba anh là bộ đội chống Pháp, trong cuộc Nam tiến năm ấy ông về Tiểu đoàn 307 lẫy lừng của Nam bộ và bị thương mất 1 tay. Vậy mà lịch sử vẫn buộc anh phải "ra đi" để rồi trở về, bởi tình yêu nước đã thấm đẫm trong tâm hồn anh, trong tâm cảm của một người Việt yêu đất nước mình.

Đó là GS Trịnh Xuân Thuận, một nhà vật lý thiên văn xuất sắc người Mỹ gốc Việt, rất nổi tiếng với tư cách là nhà văn viết bằng tiếng Pháp với những tác phẩm về thiên văn nhưng đậm chất văn học, thuộc dạng best-seller.

Tôi quen với GS Trịnh Xuân Thuận qua dịch giả Phạm Văn Thiều - người được GS Trịnh Xuân Thuận giao quyền được dịch những tác phẩm nổi tiếng của ông ra tiếng Việt.

GS Trịnh Xuân Thuận là con trai một quan chức lớn làm việc ở Tối cao Pháp viện chính quyền Sài Gòn, nhà luật học nổi tiếng Trịnh Xuân Ngạn. Xong tú tài, ông du học từ năm 1968. Sau 1975, cha ông phải đi học tập cải tạo và bị bệnh. Qua một nhà khoa học người Pháp, ông viết thư gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng, xin cho bố ông được tự do. Và chỉ vài tháng sau bố ông được đoàn tụ cùng gia đình ở Pháp.

Năm 1993, Tổng thống Pháp Francois Mitterand thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Tổng thống Pháp đến Việt Nam, kể từ khi Việt Nam giành được độc lập. Trong phái đoàn của Tổng thống Pháp có mặt GS Trịnh Xuân Thuận, GS Trần Văn Khê, nhà dân tộc học nổi tiếng Georges Condominas.

Trong buổi tiếp kiến với lãnh đạo TPHCM lúc đó, người ta thấy Trịnh Xuân Thuận quan sát trong im lặng vì ông chưa hiểu đất nước sinh ra ông. Sau này ông tâm sự, khi xe chạy qua Trường PTTH Lê Quý Đôn, lòng ông rộn lên một niềm vui khó tả, ông nhớ ngôi trường Jean Jacques Rousseau mà ông từng học trước khi đi du học.

Sau chuyến "về nước" trong im lặng này, hầu hết những tác phẩm nổi tiếng của GS Thuận được xuất bản ở Việt Nam. Sau đó là những chuyến về nước giảng dạy.

Trong tác phẩm nổi tiếng có tựa đề: Nguồn gốc - nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu (NXB Trẻ, 3-2006), đoạn mở đầu Trịnh Xuân Thuận viết: "Ở đất nước tôi, phía mặt trời mọc, và là nơi ngày xưa đã từng sinh ra biết bao hoàng đế và công chúa, mục đồng và nhà thơ, người ta gọi các dải sáng này là sông Ngân...". Điều gì đã khiến nhà khoa học tài năng Trịnh Xuân Thuận đặt bút viết: "Ở đất nước tôi..."?

Đó chính là sức mạnh cội nguồn, sức mạnh dân tộc.

GS viện sĩ Nguyễn Văn Tuấn, nhà thiên văn học, nhà văn Trịnh Xuân Thuận chỉ là hai trong số nhiều nhà khoa học trở về với cội nguồn. Họ là tinh hoa của nhân loại có chính kiến riêng nhưng là con em của dân tộc Việt. Với họ khái niệm "bên thua cuộc", "bên thắng cuộc" chắc chưa phai nhòa nhưng với dân tộc, tất cả chúng ta đều là "bên thắng cuộc".

Không có quốc gia nào có cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc kéo dài như Việt Nam. Hậu quả chiến tranh ấy là rất nặng nề không chỉ có xương máu mà những vết thương tâm lý không thể xoa dịu ngay nỗi đớn đau, cay đắng mà chiến tranh để lại. Có những vết thương lòng rất sâu nên sự hàn gắn không dễ dàng, đòi hỏi thời gian.

46 năm đã trôi qua. Hy vọng giấc mơ tất cả chúng ta đều là "bên thắng cuộc" sớm thành hiện thực, bởi không có từ nào thiêng liêng bằng hai tiếng "đồng bào"...

Bình luận (0)

Lên đầu trang