Từ ngày 22 đến ngày 25-3, các bác sĩ của BV Quận 2 TP.HCM cùng các mạnh thường quân đã tổ chức hoạt động khám bệnh, phát thuốc và tặng quà miễn phí tại hai tỉnh Champasak và Sekong. Chương trình thiện nguyện đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người dân Lào.
Bác sĩ cùng nhau học tiếng Lào
4 giờ sáng ngày 22-3, đoàn bác sĩ bệnh viện quận 2 và các mạnh thường quân gồm 28 người, trong đó 18 người là các y bác sĩ chuẩn bị thuốc men, quà cáp, máy siêu âm, đo điện tim,... khởi hành lên đường đến với nước bạn Lào. Trải qua một ngày dài ngồi trên xe, với đoạn đường gần 600km, từ BV quận 2 TP.HCM đi Bình Phước, qua cửa khẩu Hoa Lư giáp Campuchia, cuối cùng chúng tôi cũng đến được huyện Pathoumphone, tỉnh Champasak.
Champasak là một tỉnh lớn ở Tây Nam Lào, tài nguyên phong phú và đa dạng, là một trong những vựa lúa lớn nhất của Lào. Champasak còn là một địa chỉ du lịch hấp dẫn với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: khu đền Wat Phou – di sản văn hóa thế giới. Thế nhưng, ở đây vẫn còn rất nhiều những người dân ở các huyện có cuộc sống vô cùng khó khăn, không có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế.
Điều đầu tiên cảm nhận của đoàn tình nguyện khi đến với nhân dân ở Champasak đó là sự hiền hậu, chất phát của người dân nơi đây. Người Lào bắt đầu một ngày mới khá muộn, khoảng 9 giờ mới đi làm, chợ mới mở cửa. Đặc biệt, vào các ngày lễ, ngày Tết, người dân nơi đây tạm gác hầu hết các công việc để dành thời gian vui chơi. Dù vậy, khi hay tin có bác sĩ Việt Nam đến khám bệnh cấp phát thuốc, người dân đã đến từ rất sớm và trật tự ngồi chờ đến lượt mình được khám.
Người dân Champasak hiền hậu, chất phát. Ảnh: Đào Xuân Bình
Có đứa chỉ mới 10 tháng tuổi bị đau mắt đỏ, được người mẹ trẻ địu trên lưng đến khám bệnh; có đứa trẻ thì đã 10 tuổi nhưng mắc bệnh đường tiêu hóa khiến em không lớn nổi, trong nhỏ thó như trẻ lên 4 đứng khép nép dựa vào những cây cột nhìn chúng tôi với ánh mắt rụt rè, bỡ ngỡ. Có bà mẹ trẻ dắt díu cả 2 đứa con bị dị tật bẩm sinh đến chờ khám,... Mỗi đứa trẻ, mỗi người dân là một mảnh đời khó khăn.
Những bà mẹ địu con đi khám bệnh. Ảnh: Đào Xuân Bình
Mỗi đứa trẻ, mỗi người dân là một mảnh đời khó khăn. Ảnh: NĐ
Bà mẹ trẻ dắt díu cả 2 đứa con bị dị tật bẩm sinh đến khám bệnh và nhận quà. Ảnh: NĐ
Đoàn tình nguyện làm việc ở Lào được sự hỗ trợ của các phiên dịch nước bạn Lào nên phần nào đỡ vất vả hơn trong việc tư vấn, khám bệnh cũng như hướng dẫn sử dụng thuốc.
Dù vậy, các y bác sĩ vẫn học cấp tốc một số cụm từ thông dụng bằng tiếng Lào. Đêm, BS Trần Văn Khanh, giám đốc BV quận 2, trưởng đoàn thiện nguyện ngồi soạn sẵn những cụm từ thông dụng phục vụ khám chữa bệnh rồi in sẵn trong những mẫu giấy và bảo cả đoàn cố gắng học thuộc để giao tiếp, học được càng nhiều càng tốt, như: đau ở đâu, đau bao lâu rồi, có ho không, có đàm không, có đang mang thai không, só sốt không?...
Dự kiến ngày đầu tiên sẽ khám cho 500 người, nhưng cuối cùng chỉ có 496 lượt bệnh nhân ở Champasak đến khám. Bà Somemay Souksai, giám đốc BV Pathoumphone cho biết, bà và những người dân Champasak vô cùng xúc động khi hay tin có đoàn BS đến từ Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân nơi đây. Bởi theo bà, người dân các bản vùng xa, vùng sâu ít có điều kiện được khám chữa bệnh như thế này. Ở đây, bà con thường bị rối loạn tiêu hóa do chưa tuân thủ vệ sinh thực phẩm, lại bị các bệnh ngoài da nhiều lắm.
Sau khi khám xong cho người dân ở Champasak, đoàn khởi hành lên đường đến tỉnh Sekong, đây là tỉnh nghèo nhất của Lào với mật độ dân số chỉ 8 người/km2, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Trên những chặng đường di chuyển, các y bác sĩ lại học tiếng Lào rôm rả, những tiếng cười giòn tan vang lên trên xe xua đi những mệt nhọc.
Dù mới trải qua một ngày dài khá mệt mỏi nhưng ngay từ 6 giờ sáng hôm sau, cả đoàn đã bắt tay vào làm việc.
Các bác sĩ làm việc quên cả mệt mỏi trước nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Ảnh: NĐ
Bà Then, năm nay 64 tuổi, bà nói được một chút tiếng Việt. Bà xưng mẹ khi chia sẻ với tôi, bà nói: “Nghe tin có đoàn tình nguyện đến khám bệnh, mẹ đã không đi làm rẫy mà tranh thủ đến để được bác sĩ khám bệnh. Mẹ cảm ơn đoàn tình nguyện rất nhiều. Cảm ơn đã khám bệnh và cho mẹ thuốc để uống. Mẹ muốn sống lâu để thấy các con về thăm đất Lào”.
Hỏi bà sao nói được tiếng Việt, bà cười hiền từ: "Ở đây nhiều người nói được tiếng Việt lắm, vì có nhiều người Việt qua sinh sống trên đất Lào, Việt và Lào là anh em láng giềng mà".
Trong lúc chờ khám bệnh vì bệnh nhân quá đông, bà Then chậm rãi bày một ít rau rừng, măng rừng bên gốc cây trước cổng bệnh viện để bán cho người dân.
Trong lúc chờ khám bệnh vì bệnh nhân quá đông, bà Then chậm rãi bày một ít rau rừng, măng rừng bên gốc cây trước cổng bệnh viện để bán cho người dân. Ảnh: NĐ
Mặc dù thời tiết Lào nắng nóng, nhưng trên gương mặt các y bác sĩ vẫn nở nụ cười và thể hiện thái độ ân cần khi tiếp xúc với nhân dân. Các y bác sĩ tình nguyện mỗi người một công việc, người thì lo việc khám bệnh, phát thuốc, người thì lo việc tặng quà cho nhân dân, anh em nhiệt tình mà quên cả đói mệt.
Các bác sĩ khám bệnh cho ngườ dân Lào. Ảnh: NĐ
Ở Sekong, lượng bệnh nhân đông hơn dự kiến, càng về trưa, lượt người đến chờ khám vẫn còn nhiều. Thấy thương bà con nắng gió lặn lội đến xin khám bệnh, không nỡ để họ quay về vì không có phiếu khám, dù đã quá trưa, các bác sĩ đã thấm mệt, nhưng BS Trần Văn Khanh, giám đốc BV quận 2, trưởng đoàn thiện nguyện vẫn quyết định phát thêm phiếu khám bệnh cho người dân. Người dân vuui mừng quây kín vị bác sĩ để nhận phiếu khám bệnh. Các bác sĩ phải cố gắng lắm mới hoàn tất khám và phát thuốc miễn phí cho tỏng cộng 566 người.
Ở Sekong, lượng bệnh nhân đông hơn dự kiến. Ảnh: NĐ
Dù rất vất vả, nhưng thi thoảng, chúng tôi lại nhận được nụ cười tươi như hoa chămpa của các thiếu nữ Sekong, cổ quấn khăn rằng đủ màu khoe sắc thắm… Sau 2 ngày, đoàn tình nguyện đã khám bệnh cấp phát thuốc cho hơn 1.000 lượt người, tặng 800 suất quà gồm các thiết yếu phẩm cho nhân dân như: dầu ăn, gạo, mì, sách vở...
Những món quà chuyển đến tận tay người dân trong niềm vui của người nhận, rộn ràng tiếng nói cười, chắp tay chào “sa pai đi” (Xin chào), “coop chai” (Cảm ơn) và nụ cười tươi trên những khuôn mặt đẫm mồ hôi của các y bác sĩ và các mạnh thường quân.
“Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long…”
Dân cư thưa thớt, người dân Lào cũng dùng phương tiện xe máy đi lại như người Việt. Điều khá thú vị là bệnh viện không có nhân viên giữ xe, người dân trật tự dắt xe đậu phía trước bệnh viện mà không cần người trông coi rồi xếp hàng chờ tới lượt khám.
Điều lạ lùng là rất nhiều xe máy không có biển số. Ảnh: NĐ
Một điều nữa khiến chúng chúng tôi thấy ấn tượng là từ lúc đặt chân sang nước bạn Lào, quan sát thấy người dân tham gia giao thông rất nghiêm túc. Người Lào đi lại từ tốn, trật tự, không có tình trạng người đi bộ, đi xe máy hay ô tô đột ngột chạy tắt qua đường.
Rất nhiều xe máy không gắn biển số chạy bon bon ngoài đường nhưng người Lào không lấy đó làm quan trọng; đặc biệt khi điều khiển xe, dân Lào tuyệt nhiên không một tiếng còi. Thậm chí người dân ở đây xem chiếc còi… là chi tiết thừa nhất trên một cái xe. Các phương tiện nghiêm chỉnh đi đúng làn đường, chấp hành luật giao thông và nhường nhịn nhau.
Rất nhiều xe máy không gắn biển số nhưng người Lào không lấy đó làm quan trọng. Ảnh: NĐ
Nếu hỏi cảm nhận của những người đã từng đi Lào, câu trả lời ít khi thiếu nhận xét rằng: "Người Lào rất hiền lành thuần phác. Họ luôn thân thiện và để lại ấn tượng tốt với du khách". Người Lào gặp nhau, người dưới chắp tay chào người trên, trẻ em chắp tay chào người lớn, đi giữa chợ cũng không bao giờ nghe cãi cọ lớn tiếng. Đó cũng chính là điểm làm nên cái "chất" của người Lào.
Người Lào hiền lành, chất phát nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn. Cảm nhận được sự khó khăn của người dân nơi đây, đặc biệt là tại tỉnh Sekong, đoàn tình nguyện càng thấy công việc của mình ý nghĩa hơn.
Một thanh niên bị tai nạn gãy tay các đây 4 năm, nhưng không có tiền đi bệnh viện nên các khớp xương ở tay tự lành lại một cách rất... gồ ghề. Ảnh: NĐ
Điều khá thú vị nữa là, dù không biết tiếng Lào, nhưng những ngày trên đất nước Triệu Voi, dù đi bất cứ nơi đâu chúng tôi cũng không sợ bị lạc đường. Bởi ở đâu cũng có thể gặp đồng hương hoặc người Lào nói được tiếng Việt. Người dân Lào luôn xem Việt Nam là người anh em đặc biệt, thủy chung. Nhiều người nói tiếng Việt rất trôi chảy nên chúng tôi có thể giao tiếp thoải mái.
Trong số hơn 1.000 lượt bệnh nhân được khám và tư vấn miễn phí tại Lào, có 3 trường hợp các bác sĩ đang cố gắng hỗ trợ để đưa sang Việt Nam điều trị miễn phí trong thời gian sớm nhất. Đó là một phụ nữ bị mù một mắt, mắt còn lại cũng đang mờ dần nhưng không có tiền điều trị; Một phụ nữ mang khối u ở ngực phải, hoàn cảnh khó khăn nên cũng không điều trị được và trường hợp một thanh niên bị tai nạn gãy tay các đây 4 năm, nhưng không có tiền đi bệnh viện nên các khớp xương ở tay tự lành lại nhưng gồ ghề, khiến anh như tàn phế mất một tay, không thể lao động làm việc bình thường được nữa.
BS Trần Văn Khanh, giám đốc BV quận 2 chia sẻ, hi vọng thời gian tới, các bác sĩ sẽ làm được nhiều hơn nữa để giúp đỡ người dân, không chỉ người dân trong nước mà còn ngoài nước bằng những hoạt động thiết thực nhất, bằng chính công việc khám chữa bệnh cứu người của người thầy thuốc.
Chia tay người dân Sekong, đoàn tình nguyện quay trở lại Champasak để về lại TP.HCM. Sông MêKông vẫn cuồn cuộn chảy, cũng chính con sông đã mang biết bao phù sa đỏ thắm từ vùng đất bazan Pathoumphone (tỉnh Champasak) đi qua Campốt, Tonle Sap (Campuchia) rồi đổ vào đất nước Việt Nam. Tôi bỗng nhớ đến lời bài hát thắm tình hữu nghị Việt - Lào: "Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long". Tôi cũng hi vọng, một ngày không xa được trở lại thăm đất nước Lào, bởi sự cám dỗ của một đất nước hiền hòa, bởi tập quán hiền lành, con người vui vẻ, ân cần và hiếu khách, sống chầm chậm một phong cách rất Lào.