Những bài học sâu sắc từ vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước

Thứ Sáu, 17/07/2015 08:45  | Tây Phương

|

(CAO) Câu chuyện ở Bình Phước có thể xa về khoảng cách địa lý nhưng lại không xa lạ với mỗi gia đình. Vụ án như một tiếng chuông cảnh tỉnh dành cho các bậc phụ huynh trong việc giáo dục con cái và nhiều bài học về nhân tình thế thái khiến chúng ta cần phải suy ngẫm...

Bài học: "Dạy con từ thuở còn thơ"

Chúng ta đều biết rằng trẻ em khi sinh ra không có bản năng làm người tốt hay người xấu. Chính vì vậy, để con trẻ có thể tránh được những cạm bẫy, cha mẹ phải giáo dục, uốn nắn con ngay từ nhỏ, ông bà ta dạy: “Dạy con từ thuở còn thơ” là vì vậy.

Để con trẻ có thể tránh được những cạm bẫy, cha mẹ phải giáo dục, uốn nắn con ngay từ nhỏ

Nếu chúng ta muốn con em mình biết quan tâm, tốt bụng với người khác, chúng ta phải dạy các em cách làm điều đó và giúp chúng biến thói quen này thành phẩm chất.

Con người có thể sẽ chẳng trở nên tàn bạo như thế, nếu được gia đình chỉ cho cái sai từ những hành vi bạo lực của mình từ thuở bé. Một thanh niên mới ngoài hai mươi tuổi, không thể trở nên dã man như vậy chỉ trong một ngày, môt giờ, đó phải là kết quả của một chuỗi những hành động sai trái đã được bao che.

Bài học về sự gắn kết các thành viên trong gia đình

Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh phải tất bật với guồng quay “cơm áo gạo tiền” mà thiếu sự quan tâm săn sóc, dạy dỗ con cái.

Khảo sát 10 gia đình, thì gần như hết 10 gia đình cha mẹ đều có thời gian ở nơi làm việc nhiều hơn ở nhà, những bữa cơm gia đình trở nên hiếm hoi. Nhiều gia đình thường không có thời gian ngồi với nhau lấy 30 phút, mà nếu có ngồi cùng thì mỗi người mỗi việc. Mẹ coi tivi, ba ôm máy tính, con thì chúi mũi vào ipad. Việc ai biết nhà nấy, ai sống cuộc sống của người ấy khiến con người xa nhau hơn...

Nền nếp gia đình vì đó mà trở nên lỏng lẻo, con cái sống thiếu tình thương yêu của cha mẹ, rơi vào các chứng bệnh trầm cảm, stress, hoặc rơi vào con đường nghiện ngập, các thói hư tật xấu như lạm dụng tình dục, ma túy, rượu bia, cờ bạc, game online…

Nghi can Vũ Văn Tiến được cho là hiền lành, tốt bụng, vâng lời người lớn trong gia đình

Không ít thanh thiếu niên vì không được quan tâm dạy dỗ, thiếu nhận thức đã có hành vi trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người, rơi vào con đường tù tội, trở thành gánh nặng, nỗi đau cho gia đình và xã hội.

Theo thống kê của ngành công an, số vụ trẻ vị thành niên phạm tội ngày càng gia tăng (hơn 15% tổng số vụ án hình sự trong cả nước), và độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, từ năm 2009 đến hết tháng 6-2014, cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đã phát hiện, khởi tố điều tra mới 35.654 bị can là trẻ vị thành niên phạm tội. Các vụ án do trẻ vị thành niên gây ra chủ yếu là giết người cướp của, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cướp giật, cờ bạc, hiếp dâm, cưỡng đoạt tài sản, giết người…

Bài học về tình yêu trai gái

Theo quy luật phát triển tâm lý, con người khi lớn lên đến tuổi trưởng thành ai rồi cũng sẽ yêu.

Hiện nay, do quan niệm xã hội thoáng hơn nên nhiều bạn trẻ khi mới lớn lên đã vội yêu khi chính họ cũng chưa đủ nhận thức để hiểu thế nào là yêu.

Theo TS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, tình yêu như sợi dây thun được kéo căng ra để hai người giữ hai đầu, nhưng nếu một người buông sẽ làm đau và tổn thương người còn lại. Bản chất của tình cảm là một loại động lực, đến khi bị từ chối cự tuyệt sẽ quay ra thành phản lực. Từ đó họ biến tình yêu thành lòng thù hận.

Tình yêu như sợi dây thun được kéo căng ra để hai người giữ hai đầu

Tổn thương trong tình yêu có thể khiến người ta làm nhiều việc sai lầm, thậm chí tự tử, giết người. Vụ thảm sát vì tình tại Bình Phước một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh khi có con ở tuổi mới lớn, đang lớn. Trang bị cho con cách yêu và biết cách chia tay trong êm đẹp cũng là cách để giữ an toàn tính mạng cho mình và chính gia đình mình.

PGS TS Huỳnh Văn Sơn đã đưa ra lời khuyên trước thực trạng nhiều vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra liên quan tình cảm của giới trẻ. Theo TS Sơn, hãy biết dừng lại một cách có văn hóa trong tình yêu, đừng biến mình thành nô lệ của tình cảm để rồi tự đẩy vào hố sâu của sự độc ác.

Bài học về đối nhân xử thế

Với vụ án ở Bình Phước, các nghi can đều là người có học, sinh ra trong gia đình lao động, bố mẹ hiền lành chất phác. Tuy nhiên, các đối tượng đã trượt ngã trong dòng đời, không biết kìm hãm trước những cám dỗ mà bố mẹ đã không hiểu biết hết để điều chỉnh trước những thay đổi của con cái.

Về nghi can Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát Bình Phước, nhiều người cho rằng, nếu Dương có một cô bạn gái tương đồng về hoàn cảnh thì biết đâu mọi chuyện sẽ khác?!

Đúng lúc Dương tràn đầy hy vọng thì lại bị gia đình và bản thân Linh từ chối tình cảm?

Tính cho đến trước thời điểm gặp và yêu Lê Thị Ánh Linh thì Nguyễn Hải Dương chỉ là một thanh niên con một gia đinh nông dân nghèo ở An Giang, lên Sài Gòn học và đi làm. Đến khi gặp và yêu Linh, là một tiểu thư con nhà giàu, điều này làm cho Dương từ chỗ một thành niên nghèo nhanh chóng trở thành rể tương lai của một đại gia có tiếng khiến nhiều bạn bè phải ghen tỵ. Đúng lúc Dương tràn đầy hy vọng thì lại bị gia đình và bản thân Linh từ chối tình cảm thì sự thất vọng, lòng tự ái,.. thêm vào đó là sự ghen tuông, oán hận vì bị phụ tình đã làm cho Dương cảm thấy uất hận, căm thù và quyết tâm bằng mọi giá phải trả thù?.

Nếu như bố mẹ Linh không dễ dàng chấp nhận và đối xử với Dương như con rể thì chắc chắn Dương đã không quá hy vọng để rồi lại thất vọng?!. Nếu Linh và gia đình Linh không làm Dương cảm thấy bị tổn thương thì biết đâu mọi chuyện sẽ khác?! Tất nhiên với một người thiếu sự dẫn dắt và chỉ bảo, thiếu kiến thức kỹ năng cuộc sống, thiếu sự hiểu biết về xã hội thì sẽ làm những điều theo bản năng mách bảo để dễ dàng đạt được điều mình muốn...

Thật đáng buồn, những con người lương thiện chỉ vì không vượt qua được định kiến xã hội và cái tôi cá nhân, không có nghị lực sống và vươn lên mà phút chốc người phải chết oan nghiệt, kẻ phải phải đối mặt với bản án tử hình cho bản thân và để lại nỗi đau không thể nguôi cho gia đình và người thân của cả 2 bên cũng như những san chấn tâm lý cho toàn xã hội.

* Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả

Bình luận (4)

Nhìn clip phụ nữ đút cơm cho hai bé thấy mà thương đứt ruột. Xem muốn đập màn hình. Muỗng to, dày, ép ăn, mỗi cháu cầm ly nước uống cho khỏi nghẹn. Bà thử ăn như vậy xem có nuốt được không?!?! Thật là độc ác.

MITTONU - Chủ Nhật, 19/07/2015, 01:44 Trả lời | Thích

Giáo dục chỉ là một yếu tố, môi trường và bản chất sẵn có mới là yếu tố quyết định... Khi còn trẻ, cha mẹ dạy mười điều chỉ hiểu được một điều. Khi trưởng thành ra xã hội, bạn bè nói điều gì cũng thấy có lý, cộng thêm cách nghĩ thiếu chín chắn. Đó là một nguyên nhân để phạm tội.

Kurumi - Thứ Bảy, 18/07/2015, 16:34 Trả lời | Thích

Thiếu bài học về kiến thức phòng vệ và xử lý tình huống...

Nguyen - Thứ Bảy, 18/07/2015, 10:02 Trả lời | Thích

Bài viết hay lắm. Mình xin bổ sung thêm phải luôn giáo dục con trẻ không có lòng tham.

MyMy - Thứ Sáu, 17/07/2015, 19:17 Trả lời | Thích
Lên đầu trang