Chợ, trường "chết yểu"
Để người dân có chỗ buôn bán tập trung và dẹp bỏ chợ "cóc", năm 2004, TPHCM cho xây chợ Phú Hữu thuộc phường Phú Hữu (TP.Thủ Đức) trên khu đất khoảng 2.000m2, quy mô 160 sạp hàng, kinh phí 1,2 tỷ đồng, sức chứa hàng ngàn người. Lúc khởi công, tiểu thương kỳ vọng, chợ sẽ là "cần câu cơm" giúp họ nuôi sống gia đình. Nhưng đưa vào sử dụng được thời gian ngắn, chợ lâm vào cảnh "vắng như chùa Bà Đanh" và bỏ hoang từ đó đến nay.
Chợ Tân Phú xây bị "chết yểu"
Hiện chợ Phú Hữu không đủ điều kiện hoạt động. Mặt tiền chợ chỉ còn vài tiểu thương bán tạp hóa, nước giải khát, cơm, bánh mì, khách khứa đến rất thưa thớt. Bên trong chợ đìu hiu, vắng vẻ, đa số đóng cửa im ỉm. Nhiều cánh cửa, khung sắt, hộp tủ điện, hộp PCCC, ổ khóa, khung kệ để hàng bị rỉ sét, bụi đóng từng lớp. Mái nhà dột nát, khung sườn, cột kèo, trần nhà rỉ sét, mạng nhện giăng tứ tung. Nhiều tấm đan, cột trụ và các bức tường nứt nẻ, vôi vữa bong tróc nham nhở, có chỗ lòi cả cốt thép ra ngoài, xung quanh chợ cỏ mọc um tùm. Các sạp hàng bán cá, thịt, rau... bị hư hỏng hoàn toàn, nền chợ đầy rác, mùi ẩm mốc nồng nặc.
Năm 2003, UBND quận 9 (cũ) giải tỏa chợ Tân Nhơn, sau đó xây chợ Tân Phú cách đó không xa. Chợ được xây trên diện tích gần 5.000m2, gồm 340 ki-ốt, kinh phí 2,5 tỷ đồng, hoạt động từ tháng 5-2005, được kỳ vọng thay thế các chợ "chồm hổm" xung quanh khu du lịch Suối Tiên, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân trong khu vực. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, chợ trở nên ế ẩm.
Do bị bỏ không, chợ Tân Phú đang xuống cấp nghiêm trọng. Trước cổng chợ là nơi chứa rác rưởi, thùng container, trụ bơm xăng dầu cũ, chỗ đậu xe tải. Nhà lồng chợ bị rỉ sét từng ngày, mái tôn, máng xối bị thủng, hoai mục, mưa xuống thì dột nát. Hàng chục ki-ốt đóng cửa im ỉm, sạp bán hàng bị nứt nẻ, bụi bặm, mạng nhện. Các lối đi trong chợ ngập rác, mùi hôi thối, nước thải tồn đọng. Hệ thống thoát nước xung quanh bị hư hỏng, PCCC cũng tê liệt sau 17 năm không sử dụng. Chợ bỏ hoang còn là nỗi lo mất an ninh trật tự đối với người dân sống xung quanh. Hôm chúng tôi đến khảo sát chợ đã thấy vài nhóm người vào trong chợ nhậu nhẹt, văng tục, chửi thề, vứt rác bừa bãi, phóng uế lung tung.
Đưa vào sử dựng được 5 năm, trường Tiểu học Trần Văn Kiểu "trùm mền" suốt 12 năm nay
Anh Nguyễn Long Trường, một kỹ sư xây dựng cho biết, 2 ngôi chợ "đắp chiếu" ở Thủ Đức tuy nằm ở mặt tiền, nhưng bị lỗi về xây dựng. Các sạp hàng trong chợ bị "nhồi nhét" trong phạm vi quá eo hẹp. Nhiều ki-ốt ở mặt tiền không thông thoáng, bắt mắt, ít tạo ấn tượng cho người mua. Vị trí xây chợ không thuận tiện về giao thông nên hoạt động chưa được bao lâu đã rơi vào cảnh "chết lâm sàng". Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chưa kiên quyết dẹp bỏ chợ tự phát nên 2 ngôi chợ truyền thống này không có "đất sống". UBND quận 9 (cũ) từng có chủ trương kêu gọi xã hội hóa chợ Phú Hữu và chợ Tân Phú, nhưng suốt 17 năm nay, chủ trương trên vẫn chưa thành hiện thực, hàng tỷ đồng ngân sách bị chôn vùi trong 2 ngôi chợ này chưa biết khi nào được giải cứu.
Bên cạnh chợ, TPHCM còn có trường Tiểu học Trần Văn Kiểu nằm trên đường Hậu Giang (P10Q6) cũng bị "trùm mền" suốt 12 năm qua. Ngôi trường được khởi công vào năm 2003, trên diện tích đất 6.600m2, quy mô 26 phòng học, tổng vốn đầu tư gần 20 tỉ đồng. Ngày 1-9-2004, trường được nghiệm thu và đi vào hoạt động. Thế nhưng sử dụng chưa tới 5 năm, nền móng các lớp học bị sụp lún, tường xây nứt nẻ, nhiều vết nứt rộng tới vài gang tay buộc thầy trò trường Trần Văn Kiểu tháo chạy sang học tạm ở trường THCS Nguyễn Văn Luông.
Tháng 9-2008, Ban quản lý dự án quận 6 đã gia cố chống lún các hạng mục nhưng vẫn không dám sử dụng. Tháng 5-2010, Sở Xây dựng thành phố mời các đơn vị liên quan đến khảo sát hiện trạng. Kết quả cho thấy trường bị sai sót từ khâu thiết kế, thi công cho đến quản lý. Nghiêm trọng nhất là khâu ép cọc, cột, dầm, sàn quá yếu. Đáng nói, mặc dù việc thi công, giám sát không đạt chất lượng nhưng chủ đầu tư vẫn ký nghiệm thu toàn bộ công trình.
Từ tháng 1-2013, UBND TP chỉ đạo các bên liên quan đóng góp kinh phí khắc phục hậu quả, nhưng từ đó đến nay sự cố hư hỏng, sụp lún trường vẫn y nguyên. Hiện tại, ngôi trường đã bị rào chắn kín mít, bên trong, nhiều hạng mục đang bị xuống cấp nghiêm trọng và hư hỏng cùng năm tháng. Khối tài sản ngốn gần 20 tỉ đồng ngân sách này vẫn chưa biết đi đâu về đâu?
Đìu hiu những chung cư "ma"
TPHCM có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần 25% tổng số hộ gia đình, trong đó có khoảng 20.000 hộ cán bộ, công chức. Hơn 20.000 hộ sống ven kênh rạch và 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần cải tạo. Trong khi hàng chục ngàn hộ dân không có nhà ở thì Thành phố có hàng ngàn nền đất tái định cư (TĐC) để trống và gần 10.000 ngàn căn hộ chết mòn trong những chung cư "ma".
Sau 10 năm đưa vào sử dụng, khu TĐC Vĩnh Lộc B vẫn thưa thớt người ở
Để TĐC cho người dân thuộc 5 phường của quận 2 (cũ), năm 2009, TPHCM xây dựng 12.500 căn hộ tại khu đô thị Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức). Dự án hoàn thành năm 2013, nhưng hiện nhiều block chung cư vắng người đến sống, hàng trăm căn hộ, shophouse đóng cửa im ỉm. Do bỏ hoang quá lâu, các căn hộ đang xuống cấp. Nhiều mảng tường bắt đầu ố vàng, tróc sơn; lan can, khung cửa bắt đầu rỉ sét. Nhiều lối ra vào, cửa lên xuống bị khóa kín mít, đầy bụi; mặt sân, vỉa hè có dấu hiệu sụp lún, rạn nứt, một số nắp hố ga và hộp PCCC bị bung nắp hoặc bị đập vỡ kiếng bảo vệ. Nhiều căn hộ được tận dụng để bàn ghế, trang thiết bị văn phòng, đa số còn lại thì bỏ trống. Trái ngược với những tòa nhà đồ sộ khu TĐC vắng bóng người ở là nhiều khu nhà lụp xụp xung quanh lại có rất nhiều người dân sống chen chúc. Anh Võ Thanh Tùng, một công chức ở TP.Thủ Đức xót xa: "Trong khi hàng ngàn người không có nhà ở tử tế thì cả nghìn căn hộ bỏ hoang thế này quá lãng phí”.
Năm 2008, TPHCM quy hoạch 30,9ha đất tại xã Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) để xây 45 block chung cư, số lượng 1.939 căn hộ và 529 nền đất, tổng số vốn 1.000 tỉ đồng. Công trình đưa vào hoạt động năm 2011 được kỳ vọng sẽ giải quyết nhu cầu nhà ở cho hàng ngàn hộ dân thuộc diện giải tỏa khu vực đường Bùi Viện (quận 1), kênh Tham Lương và một số chương trình chỉnh trang đô thị của Thành phố. Tuy nhiên, sau 10 năm kể từ khi đưa vào sử dụng, dự án này cũng rơi vào cảnh đìu hiu.
Bên trong khu TĐC Vĩnh Lộc B, các tòa nhà xuất hiện các vết nứt, sơn tường, trần nhà, gạch ốp lát bị bong tróc nham nhở, nhiều chỗ bám đầy rêu mốc, viết vẽ bậy hoặc bị đục phá lung tung. Lan can rỉ sét, nhiều cánh cửa bị đập vỡ kiếng, xiêu vẹo, xộc xệch. Hệ thống cứu hỏa xuống cấp, bị đập phá, thiếu bình chữa cháy, dây điện lằng nhằng rất nguy hiểm. Mới ở được vài năm nhưng nhiều người phải bỏ tiền triệu để chống thấm, vá vết nứt, sửa hệ thống điện nước. Nền nhà, nền sân bị sụp lún, mỗi khi có xe tải chạy ngang qua là mặt sân của chung cư rung rinh. Cỏ dại mọc khắp nơi, đầy bụi bặm, rác rưởi bốc mùi khó chịu. Nhiều hố ga, miệng cống bị nghẹt, sứt bể, nắp hố ga bị hoai mục; ban công bị người dân dùng xô, chậu, thùng xốp trồng cây, phơi phóng quần áo hoặc dùng bạt che, trông nhếch nhác. Một vài chung cư không có bảo vệ, người lạ có thể ra vào bất cứ lúc nào.
Khu TĐC này được bố trí khoảng 30% số lượng người ở, nhưng hiện chỉ một số ít block có người, số còn lại để trống hoặc người dân đóng cửa đi nơi khác sống. Chị Trần Thị Tuyết Hoa, một hộ dân TĐC ở chung cư Vĩnh Lộc B cho biết, nguyên nhân khiến khu TĐC Vĩnh Lộc B ế ẩm do đường sá đi lại xa xôi, người dân TĐC không có công ăn việc làm tại chỗ, họ bị đứt sinh kế, không bám trụ lại được buộc phải sang nhượng nhà hoặc đóng cửa đi nơi khác kiếm sống khiến chung cư vắng bóng người ở.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, thành phố hiện còn thừa đến 9.400 căn hộ TĐC và 2.250 nền đất. Theo một số doanh nghiệp bất động sản, tính theo giá thị trường hiện nay, tổng giá trị 9.400 căn hộ TĐC bỏ hoang ước khoảng 30.000 tỷ đồng, đủ xây 13 cây cầu nối TP.Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Số tiền này nếu vay từ ngân hàng với lãi suất 10%/năm, mỗi năm phát sinh 3.000 tỷ đồng tiền lãi, đủ để xây cầu Thủ Thiêm 2. Để tránh lãng phí, TPHCM có chủ trương đấu giá các căn hộ TĐC, nhưng mức giá khởi điểm quá cao, cùng với chất lượng công trình không được kiểm soát, thiết kế nhà TĐC lạc hậu khiến nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc. Nhiều chủ đầu tư cho biết, nếu thành phố không sớm có giải pháp hợp lý thì nguồn kinh phí khổng lồ bỏ ra xây dựng có nguy cơ mất trắng.